Lãnh địa bất khả xâm phạm của mẹ

02/04/2017 - 11:13

PNO - Đó là một căn gác xi măng kiên cố để chứa vật dụng trong nhà nên có thể gọi là một cái kho.

Cái gì không muốn để ở tầng dưới vì thấy chật chội, khó coi, hoặc không cần thiết, mẹ đều cho lên gác. Mùa hè, gác nóng như lò lửa nhưng mùa mưa lại ấm. Mẹ hay nói vui căn gác mùa thu thì mát, mùa xuân thì… rất xuân, vì ngay cả bánh trái ngày xuân, mẹ cũng cho lên gác. 

Năm nay mẹ ốm nặng, chị em tôi về chăm sóc. Đứa chăm mẹ ở bệnh viện, đứa ở nhà nấu ăn và dọn dẹp, đứa chạy vòng ngoài… Chúng tôi phát hiện căn gác gần như không có lối đi thoải mái, mà phải lách mình nếu muốn lấy bất kỳ vật gì; sờ vào đâu bụi bặm tới đó. Tranh thủ lúc mẹ còn mệt, không để ý, chị em tôi quyết định cải tạo căn gác. Chúng tôi biết mẹ vốn quý mọi vật dụng trong nhà, thêm tính tiết kiệm, nên gần như không vứt bỏ bất cứ thứ gì từng có trong nhà.

Lanh dia bat kha xam pham cua me
 

Ban đầu, chúng tôi chẳng biết phải dọn dẹp từ đâu vì mọi thứ vừa nhiều vừa bừa bộn. Vậy là mỗi đứa mỗi góc, nhưng thống nhất muốn vứt bỏ cái gì, đều phải có sự đồng ý của nhau. Vừa gom dọn, chị Hai vừa làu bàu: “Nghỉ làm ruộng đã lâu, mẹ còn giữ cái mớ dây giăng cấy làm gì chứ? Cái valy sách vở đã hai mươi năm của bé Út, sao cũng còn? Mẹ ăn bao nhiêu mà mua cả thùng dầu để dành trên này?”. Đụng tới đâu, chị than tới đấy vì có đến quá nửa là những thứ… dở hơi. 

Cái mớ bao gối đã cũ, mấy cái màn ngủ cũng đã tã lắm rồi nhưng với mẹ thì phải để dành cho con cháu ở xa có về thì dùng ngủ cho yên giấc. Lại có những thứ mẹ vừa cho vào bao, vừa xếp vào những cái thúng. Bà mẹ nông dân của chúng tôi dù đã thôi làm ruộng gần hai chục năm, nhưng vẫn giữ thúng mủng trong nhà, cũ có mới có, cứ như mẹ nghiện đồ tre, đi chợ cũng cắp cái rổ tre thay vì cái giỏ nhựa các con đã sắm sẵn. 

Có lẽ những vật dụng có giá trị trên gác đều nằm trong chiếc tủ sắt. Mở tủ quần áo của mẹ, toàn quần áo đẹp, áo dài thời xưa thời nay đều có, được treo thẳng thớm, phẳng lì. Nhớ thời còn bé, tôi đã thấy cả chục bộ áo dài xưa, từng khuyên mẹ bỏ đi cho rộng tủ, nhưng mẹ cứ trung thành với kỷ niệm “Cái áo này mẹ may lúc mới có chị Hai con, cái áo kia may lúc đi ăn hỏi cô Út…”. Những chiếc áo mà chị em tôi thường gọi là cổ lỗ sĩ ấy, giờ hóa ra thành… áo dài cách tân, đẹp và lạ, chúng tôi đứa giành cái này, đứa tranh cái kia, như chia gia tài.

Đang dọn dẹp, thì đứa cháu phát hiện, la toáng lên: “Mấy dì đụng vào… lãnh địa bất khả xâm phạm này là không xong với bà ngoại đâu”. Làm ra vẻ mọi thứ trên gác là những bí mật của ngoại, nó làm mặt trịnh trọng kể: “Mớ chén đĩa này tuy cũ nhưng do chính ông ngoại chọn mua về, từ thời dì Hai mới lên ba, nay dì đã 45 tuổi.

Vì thế, ngoại xem đó là “chứng nhân tình yêu” chứ không phải chỉ là chén bát đơn thuần đâu”. Nghe cháu nói, chị em tôi nhìn nhau, mới hay mẹ có những kỷ niệm mà không phải đứa con nào cũng biết, rồi tự nhiên cảm phục đứa cháu vô cùng, hẳn cháu phải “có gì đó” mới được ngoại chia sẻ nhiều như vậy…

Chúng tôi lại nhìn nhau, thôi thì quét bụi, sắp xếp lại y như cũ, để có nhắm mắt mẹ cũng biết chỗ lấy từng vật dụng thật dễ dàng. Biết đâu căn gác là linh hồn của mẹ, không dời đổi, bôi xóa kỷ niệm, mẹ mà hay được có khi còn đổ bệnh nặng hơn.

Những vật dụng giá trị chưa hẳn là đắt tiền mà có khi chỉ là những vật dụng lỗi thời, cũ kỹ nhưng chứa đựng bao giá trị tinh thần. Những vật dụng trên căn gác của mẹ, theo đứa cháu thì “toàn là ký ức vô giá của ngoại, không thể cân đong đo đếm được nghen mấy dì”. 

Song Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI