Làm đàn ông ở nhà là làm sao hả ba?

23/03/2017 - 06:30

PNO - Một lần, tôi đến chơi nhà người bạn, chồng bạn đang đi công tác xa. Bạn tiếp tôi trong phòng khách, cậu con trai khoảng 5-6 tuổi ngồi bên cạnh.

Một lần, tôi đến chơi nhà người bạn, chồng bạn đang đi công tác xa. Bạn tiếp tôi trong phòng khách, cậu con trai khoảng 5-6 tuổi ngồi bên cạnh. Có điện thoại, bạn bước ra ngoài nói chuyện. Người giúp việc bưng đĩa trái cây vào, đặt trước mặt tôi và cậu bé. Theo phép lịch sự thông thường, tôi phải chờ bạn - chủ nhà mời.

Lam dan ong o nha la lam sao ha ba?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thật bất ngờ, cậu bé đứng dậy, nhón lấy một chùm nho đưa hai tay mời tôi một cách lễ phép, trịnh trọng. Tôi cầm chùm nho, chờ xem tiếp theo cậu bé sẽ làm gì, có "alaxo" vào đĩa trái cây như những đứa trẻ khác không. Đúng là cậu bé cũng ăn, nhưng chỉ lấy một trái, ăn rất từ tốn, nhẹ nhàng, đúng kiểu là để cho khách được tự nhiên. 

Cha mẹ là hình mẫu

Những lần sau đó, đến chơi nhà bạn nhiều hơn, tôi càng bất ngờ trước sự đĩnh đạc của cậu bé khi cậu mở cửa xe cho mẹ, lấy cho chị gái chiếc ghế để ngồi hay đôi dép đi trong nhà khi cả hai đi học về. Nhìn cậu cư xử như một quý ông thực thụ, chững chạc, tự tin và rất ân cần. Quan trọng là cậu có vẻ hiểu và thích thú khi làm những điều ấy, chứ không phải làm một cách hời hợt, qua quít cho xong. 

Bất ngờ về cậu bé, tôi hỏi bạn: 'Sao con trai bạn lại có được những cử chỉ lịch lãm đáng yêu như vậy? Tôi chưa từng thấy đứa bé trai nào được như thế'. Bạn cười phá lên: 'Chị gặp chồng em là biết. Nó là bản sao của anh ấy đấy. Anh ấy thường đi công tác xa, thằng bé quấn bố nên lúc anh ấy đi là nó khóc.

Có lần, lúc bé khoảng bốn tuổi, anh đặt con ngồi ngay ngắn trước mặt và bảo: 'Ba cũng rất muốn cho con đi theo. Mình là đàn ông mà, luôn thích những chuyến phiêu lưu. Nhưng, ở nhà lúc nào cũng cần có một người đàn ông để bảo vệ và giúp đỡ mẹ với chị, nên ba đành phải để con ở nhà. Mình tạm phân chia nhiệm vụ như vậy, khi nào con lớn, mình sẽ đổi vị trí cho nhau'.

Thằng bé hỏi: 'Làm đàn ông ở nhà là làm sao hả ba?'. Anh bảo, con cứ làm theo những gì ba làm: chăm sóc, quan tâm mẹ và chị; lịch sự, ân cần với mọi phụ nữ khác. Vậy là được. Từ đó, thằng bé cứ trông theo ba mà ứng xử, không cần phải nhắc nhở vì trong nhà luôn có những bài học trực quan sinh động'.

Lam dan ong o nha la lam sao ha ba?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi biết những gì bạn kể hoàn toàn không cường điệu, bởi vợ chồng bạn là một điển hình về hạnh phúc trong số những gia đình tôi quen biết. Vợ chồng bạn không bao giờ phân biệt việc đàn ông hay đàn bà. Từ khi kinh tế gia đình còn khó khăn, hai người đã luôn chia sẻ mọi trách nhiệm, nghĩa vụ trong cuộc sống với nhau.

Không bao giờ có chuyện đi làm về thì chồng nằm đọc báo, xem ti vi; vợ phải nấu ăn, tắm rửa cho con, dọn dẹp quần quật cho đến lúc đi ngủ. Thậm chí, chồng bạn còn tranh việc làm nhiều hơn vợ. Anh thường bảo, đàn ông mạnh hơn phụ nữ. Sức mạnh đó để làm gì nếu không phải là để lo cho những người thân của mình. Không chỉ việc nhà, chồng bạn còn luôn tôn trọng lắng nghe những ý kiến của vợ; bàn bạc bình đẳng.

Anh không bao giờ to tiếng với vợ, hay tự mình cho mình cái quyền quyết định tất cả. Anh luôn giữ cho vợ một vị trí hoàn hảo trong mắt các con. Bản thân bạn cũng ý thức nỗ lực hết sức mình để chu toàn trách nhiệm với chồng con.

Bạn nói: 'Muốn được tôn trọng thì trước tiên là mình phải chứng tỏ mình xứng đáng được tôn trọng. Người mẹ giỏi giang, dịu dàng và đầy yêu thương cũng là hình mẫu để các con tự hào và tôn trọng'.

Dạy con thoát khỏi những nếp cũ không còn phù hợp

Đến chơi nhà bạn bè, hẳn bạn từng nhiều lần thấy cảnh những đứa con gái vào bếp phụ mẹ nấu nướng, dọn dẹp; trong khi con trai ngồi chơi game hay nằm dài xem ti vi. Đó là một cảnh rất quen thuộc, hầu như đã thành chuyện tự nhiên trong nhiều gia đình.

Theo nếp cũ, con trai thì không cần phải làm việc nhà, chỉ làm việc lớn. Việc nhà là chuyện của đàn bà. Bạn cũng sẽ dễ nhìn thấy cảnh, nếu vợ chồng sống chung với nhà chồng thì khi muốn giúp đỡ vợ việc nhà, người chồng luôn phải lén lén, lút lút, nếu không muốn mẹ mình khó chịu.

Không hiếm những bà mẹ chồng, dù hiện đại mấy, cũng xót thầm, thậm chí ra mặt phản ứng khi thấy con trai làm việc nhà. Các bà không muốn con trai mình… hầu vợ! Vậy là nếu không lẳng lặng tranh làm hết những việc con trai định làm, thì các bà cũng nói thẳng vào mặt con dâu để dằn mặt. 

Chắc bạn còn thường nghe các bà mẹ, ông bố dạy con: 'Đàn ông là không được khóc. Phải cứng rắn!'. Nếu con trai họ có vẻ yêu một bông hoa, nâng niu một cái gì đó hơn bình thường là họ đã cuống lên, sợ con không mạnh mẽ, rồi sẽ ủy mị, yếu đuối 'như đàn bà'.

Cái câu mắng 'như đàn bà' ấy có thể sẽ khắc sâu vào đầu con bạn những nguyên tắc cổ hủ được định dạng cho đàn ông và sẽ dần hình thành tính cách của con bạn. Khi trưởng thành, con trai bạn sẽ thành người vô cảm và không biết tôn trọng phụ nữ.

Hãy dạy con biết rung động trước cái đẹp, dạy con biết gói một gói quà, biết tặng một cành hoa cho những người phụ nữ gần gũi mình. Hãy khuyến khích con luôn biết mang lại niềm vui cho người khác và biết nhận lại niềm vui…

Lam dan ong o nha la lam sao ha ba?
Ảnh minh họa. Nguồn: FB

Bạn đừng sợ con mình bị lợi dụng khi giúp một bạn gái mang những chồng sách nặng, lấm lem vì sửa giùm bạn cái xích xe đạp bị tuột hay đưa một cô bạn cùng lớp về nhà khi cô bất ngờ bị mệt. Đừng vội mắng con là ngốc, là dại gái khi con có những hành động nghĩa hiệp.

Làm như thế, bạn sẽ dập tắt trong con những mầm tốt đẹp của sự yêu thương và trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc những người đang sống quanh mình. Còn việc làm thế nào để không bị lợi dụng, lừa gạt lại là bài học thứ hai mà con bạn cần nhiều kinh nghiệm và thời gian để thấu hiểu.

Nếu thật lòng muốn dạy con trai biết yêu thương và tôn trọng phụ nữ, việc cần làm của bạn cũng rất đơn giản, bởi bài học đầu tiên cho con chính là cảm nhận được hạnh phúc trong chính gia đình mình, ngay từ cha mẹ mình. Không bao giờ là muộn cho bạn bắt đầu.

Khánh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI