Khúc hoan ca mùa xuân

21/01/2018 - 13:42

PNO - Tôi quyết định rời vòng tay mẹ từ năm 18 tuổi. Nhưng gần 20 năm qua, bất kể lý do, năm nào tôi cũng về nhà trước tết tầm 10 ngày.

Tôi đáp chuyến bay đến Geneva, Thụy Sĩ đầu giờ chiều, cái lạnh giữa thành phố hoa lệ làm mọi người thu mình lại. Xe bus vắng, chỉ có tôi và một người mẹ cùng cô con gái. Hôm nay là lễ tốt nghiệp đại học của cô gái trẻ, mẹ cô đến chúc mừng con gái.

Cô gái trẻ hỏi mẹ mình: "Hôm nay con rất hạnh phúc. Ngày xưa tốt nghiệp mẹ cũng hạnh phúc phải không?" - "Vui con ạ, nhưng không phải là giây phút vui nhất", người mẹ trả lời. "Thế vui nhất là lúc mẹ gặp bố đúng không?" - cô con gái lại hỏi. "Chưa vui nhất, vui nhất là khi con đến với bố mẹ", bà mẹ nói vừa dứt câu, cô con gái ngã vào vai mẹ, cười tươi tắn.

Xe bus chạy hút vào màn đêm, hình ảnh hai mẹ con sáng rực, tôi thấy ấm lòng dù cái lạnh bên ngoài trời xộc thẳng vào mũi, vào mặt. 

Khuc hoan ca mua xuan
Ảnh minh họa

Đứng đón tôi ở trạm xe bus là mẹ con Martine, người bạn lớn của tôi. Trông họ thật hạnh phúc, cười nói huyên thuyên trước khi xe bus chở tôi đỗ xịch. Cả hai vui mừng ôm tôi, chào hỏi rôm rả.

Những ngày sau đó, nhìn hai mẹ con Martine - Camelia chuyện trò, nấu nướng cùng nhau trong gian bếp nhỏ, tôi thấy sự gắn kết giữa mẹ và con gái quả là đặc biệt. Họ khiến tôi nhớ đến Nicoletta và con gái ở Rome, Ý hay Miriam, bạn tôi và mẹ cô ấy ở Oberkirch, Đức; dĩ nhiên, tôi nhớ đến mẹ mình, người đang ở cách tôi hàng chục ngàn cây số.

Tôi, đứa con đã có hai thứ tóc trên đầu nhưng mẹ vẫn kể về ngày tôi đến với bà. Câu chuyện về tôi thuở mới chỉ như quả trứng ngỗng đến khi sắp sửa chào đời, rồi ngày tôi tròn 1 tuổi, những trận ốm liên miên, ngày tôi bắt đầu đi học mẫu giáo hay buổi tựu trường đầu tiên... mẹ vẫn nhớ như in.

35 năm qua, những khổ cực mẹ đã trải qua vì tôi qua giọng kể ấm áp của mẹ luôn tràn ngập niềm vui xen lẫn chút lo lắng lại vô cùng trìu mến. Còn tôi, mười lần như chục, đều rơm rớm nước mắt và cười xấu hổ pha với hạnh phúc vì được là con của mẹ.

Tôi không giống mẹ, từ vẻ ngoài đến tính cách. Đôi khi tôi ghen tị với em gái vì được là cái khuôn đúc từ mẹ nên vừa xinh lại vừa hiền. Dù vậy, vì là con của mẹ nên tôi mới được là tôi như bây giờ - được chính là mình, sống đúng với sở nguyện của bản thân.

Khuc hoan ca mua xuan
Ảnh minh họa

Mẹ luôn bao dung, chở che, luôn lắng nghe và chiều theo những lựa chọn có phần cực đoan của tôi, đứa con đầu tiên có duyên lẫn nợ với bà. Mẹ bảo nếu tôi không thật sự muốn bám dính lấy mẹ, nhất định đòi mẹ ẵm bồng, bú mớm thì có thể tôi đã chia tay bà như anh tôi hay em tôi. 

Mẹ có phương pháp dạy con riêng, chỉ nói chuyện như một người lớn chứ không dùng đòn roi. Vì tôi bệnh liên miên nên từ năm 3 tuổi đã ở nhà một mình sau khi nghe mẹ giải thích đó là lựa chọn tốt nhất để tôi không bị bệnh, mẹ đỡ vất vả, yên tâm làm việc. Tôi đã quên hết những ký ức thuở lên ba nhưng mẹ thì không.

Hình ảnh tôi thường ngồi trên cầu thang được ghép bằng vài cây gỗ nhỏ ngóng mẹ về, xung quanh bóng tối bao trùm, ánh sáng hắt ra từ nhà hàng xóm, mùi thức ăn ngào ngạt làm mẹ càng vội mở cửa, ào vào ôm tôi như an ủi, như cảm ơn.

Tôi không ngờ mình đã có hai năm đóng vai ở nhà một mình ngoan ngoãn như thế, bởi khi lớn lên, tôi là đứa luôn tìm cách thuyết phục phụ huynh để được sống theo ý mình, khám phá thế giới, kiến tạo nhiều thứ khá dị biệt, bỏ ngoài tai những lời khuyên về một cuộc sống an ổn, bình lặng.

Bằng hành động, mẹ khiến tôi thấy việc thêu, móc, đan là kỹ năng cần thiết, chuyện nấu nướng trong gian bếp bé nhỏ là tình yêu dành cho chính mình và gia đình, tình cảm trân trọng từng ngọn rau, cây cỏ trong vườn là sống chan hòa với thiên nhiên. Mẹ bảo, được cho đi chính là đã nhận lại, nhún nhường một chút chẳng phải là chịu thiệt về mình mà là mở lòng, chia sẻ với người khác.

Mẹ kiên nhẫn thủ thỉ với con những điều về lẽ sống, về cuộc đời. Chúng tôi không chỉ nói những lời mà người khác cho là hơi sến như “con thương má nhiều”, “má yêu con” mà thi thoảng vẫn viết thư cho nhau. Đặc biệt những năm tôi đi học đại học, thời chưa có điện thoại cầm tay, thời gia đình tôi còn chạy lo từng bữa ăn, từng lá thư tuy ngắn gửi kèm vài loại thức ăn khô mẹ tự làm, hay tiền tiêu hằng tháng được mẹ chắt chiu từng ngày đã là nguồn động viên, khích lệ để tôi học tốt.

Khuc hoan ca mua xuan
Ảnh minh họa

Còn giờ, khi việc liên lạc trở nên dễ dàng, chúng tôi cập nhật tin tức của nhau thường xuyên hơn, tôi vẫn thường viết thư hay postcard cho mẹ mỗi khi rời khỏi Việt Nam.

Tôi quyết định rời vòng tay mẹ từ năm 18 tuổi. Nhưng gần 20 năm qua, bất kể lý do, năm nào tôi cũng về nhà trước tết tầm 10 ngày. Giáp tết là dịp tôi được chìm đắm trong không khí rộn ràng của hương vị những ngày cuối đông đầu xuân. Mẹ tôi vẫn giữ thói quen gói bánh chưng, làm ít bánh mứt.

Với bà, đó là cách giữ cho cái tết còn chút ý nghĩa, con cái được hưởng cảm giác thân thuộc bao lâu nay chứ không chỉ là lệ thường với sự tiện nghi đi kèm nhạt nhòa giữa thời đại “có tiền là có tất cả”. Thử hình dung mà xem, chị em tôi, đứa nào đứa nấy co ro trong manh áo ấm, đôi tất dày, xúm xít quanh mẹ, phụ bà sên mứt, nhào bột, đổ bánh, sấy trà, gói bánh chưng… Tiếng cười nói còn ấm hơn cả lò than đặt giữa nhà, còn gây nghiện hơn cả mùi thơm ngào ngạt của bánh mứt.

Những buổi cơm cuối năm, những giờ phút giao thừa, những lần cả nhà ngồi xuống cùng viết đôi dòng tâm tình dành cho mỗi thành viên và sẽ được mở ra vào ngày đầu tiên của năm mới, những lần đi chùa đầu năm, những kỳ viếng mộ… chính những ký ức mà mẹ chắt chiu hằng năm ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi thêm giàu có, kẻ luôn muốn giới thiệu không chỉ vẻ đẹp thiên nhiên mà còn bề dày văn hóa Việt Nam với thế giới. 

Trong khi tôi thoải mái giang cánh bay khắp muôn phương, làm những điều mình muốn, mẹ vẫn cần mẫn trong ngôi nhà xấp xỉ bằng tuổi tôi, ngày ngày làm bạn với lũ trẻ con, đàn gà, mảnh vườn be bé đợi tôi về.

Ngày tháng trôi đi, sau những lần về rồi lại đi để lại những cái ôm siết chặt, những lời thì thầm bên tai, những nụ hôn trìu mến vào má, tôi nhen nhóm ý định đưa mẹ đến những mảnh đất mình từng ghé đến. Mùa đông hai năm trước, trong lá thư dịp Giáng sinh, tôi thủ thỉ với mẹ rằng, mình hãy cùng nhau đi đâu đó và mùa hè năm 2015, tôi đã thực hiện lời hứa.

Có đi khỏi vùng an toàn mới thấy mình cần yêu thương cha mẹ nhiều hơn. Mẹ trong trái tim tôi lúc nào cũng giang đôi cánh thật rộng, thật ấm để ôm tôi vào lòng, mẹ luôn là cái âu thuyền an toàn cho con cái tránh những cơn bão cuộc đời, mẹ luôn biết tất cả.

Ấy vậy mà ở một nơi xa lạ, giữa những người nói ngôn ngữ khác, mẹ trở nên nhỏ bé, lo lắng, luôn níu tay con gái và bất cứ điều gì tôi làm được đều trở thành vĩ đại. Tôi không thể quên khoảnh khắc mẹ tò mò thử cây kem trái cây ở ven đường, thoáng giật mình khi bước lên tàu điện ngầm, cười nắc nẻ vì tự mua vé bằng máy thành công…

Mẹ tôi lúc ấy trông thật trẻ, thật hạnh phúc vì được dạo chơi, được thử cái mới và ở cạnh con cái. Tôi tin, bất cứ cha mẹ nào cũng muốn cùng con mình tạo nên những trải nghiệm thú vị và hơn ai hết, chính con cái là người hạnh phúc vì còn được chăm sóc, ôm ấp, sẻ chia cuộc đời này với đấng sinh thành. Mùa xuân này, tôi sẽ lại cùng mẹ tiếp tục duy trì những nếp nhà đáng quý và tạo nên nhiều kỷ niệm mới. 

 Cẩm Phô

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI