Không dễ 'đào vàng' trên mạng xã hội

10/11/2018 - 11:00

PNO - Ước mơ trở thành người nổi tiếng, kiếm tiền trên 'mỏ vàng' mạng xã hội tưởng chừng đơn giản nhưng lại chẳng dễ dàng.

Tạp chí Forbes vài tháng trước từng thống kê kênh YouTube giới thiệu đồ chơi Ryan ToysReview từ cậu bé 7 tuổi Ryan với hơn 16 triệu lượt người theo dõi đã thu về 11 triệu USD năm 2017. Kênh YouTube của cậu bé xếp thứ tám trong danh sách những kênh YouTube được xem nhiều nhất thế giới năm ngoái. 

Với gương mặt thông minh và đáng yêu, Ryan đã thu hút rất nhiều trẻ em theo dõi kênh giới thiệu, trải nghiệm đồ chơi chỉ bằng công việc đơn giản là… chơi thử tất cả các món đồ chơi.

Câu chuyện nam ca sĩ người Canada Justin Bieber cũng là một trong những câu chuyện truyền cảm hứng cho thanh thiếu niên về ước mơ đổi đời nhờ xuất hiện trên mạng xã hội. Nhờ những đoạn clip quay Justin hát lại các ca khúc của những danh ca như Stevie Wonder, Michael Jackson và Ne-Yo được đăng lên YouTube, cơ hội tìm đến tài năng trẻ và từ lúc ấy, Justin Bieber chính thức bước vào làng giải trí, trở thành một trong những ngôi sao nhạc pop ấn tượng nhất hiện nay. 

Khong de 'dao vang' tren mang xa hoi

Ryan thành công vì em xuất hiện đúng “điểm rơi”, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Chị Tanith Carey, một cây viết chuyên về thanh thiếu niên của báo Telegraph đã chia sẻ trải nghiệm cùng con gái Lily (14 tuổi) đi “học làm người nổi tiếng trên mạng xã hội”. Lily có khả năng chơi vĩ cầm và cô bé đến để học cách làm sao đăng những hình ảnh, đoạn clip mình trình diễn mà có thể thu hút người xem. Tanith cùng Lily tìm đến một trung tâm ở Shoreditch (Anh), nơi những chuyên gia mạng xã hội, đặc biệt là những người yêu thích mạng xã hội Instagram thường tập trung chia sẻ bí quyết “hút view”. Tại đây, Lily tham gia lớp học do nhóm chuyên gia từ trang YouTube “The Hook” sở hữu 10 triệu người theo dõi hướng dẫn.

Theo thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Internet Matters, cứ 3 trẻ Anh từ 6-17 tuổi thì có 1 em có mong muốn rất lớn trở thành người có thể kiếm tiền từ YouTube. Tỷ lệ trên cao gấp 3 lần ước mơ trở thành một bác sĩ hay y tá.

Trong lớp học đặc biệt có khoảng 15 học sinh được hướng dẫn cách làm clip gây sốt “ăn theo” những dịp đặc biệt trong năm như ngày Halloween, lễ Giáng sinh, mừng năm mới, sinh nhật… Các em tò mò và hứng thú với những chia sẻ từ những người hướng dẫn với yêu cầu “hãy mạnh dạn nghĩ khác đi”, “làm những điều độc lạ nhất có thể”... Một em trong lớp đã thực hành bài tập quay video và đạt con số đến 1,1 triệu lượt xem chỉ với nội dung mở quà sinh nhật. 

Khong de 'dao vang' tren mang xa hoi

Chị Tanith Carey và con gái Lily

Trong khi đó, một số người bạn cùng chung lớp học này với Lily chẳng biết thế mạnh của các em nằm ở đâu nhưng vẫn muốn trở thành người nổi tiếng và phải “chật vật” lắm mới có vài trăm lượt xem. Các em mơ hồ hình dung rằng tất cả người trẻ nổi tiếng trên mạng xã hội đều có chung một công thức, nhưng thực tế không phải vậy.

Giáo sư Mathias Bartl của Trường Khoa học ứng dụng Offenburg (Đức) cho biết, mạng xã hội có một quy luật rằng nó không thể thêm vào quá nhiều người nổi tiếng cùng lúc và không phải ai cũng có đúng “điểm rơi” để trở nên “hot”. 96,5% những ai đang cố kiếm tiền bằng cách trở thành nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội đều không đủ tiền để chạy quảng cáo đẩy tên tuổi mình lên. 

Giáo sư Mathias Bartl cho rằng, việc khuyến khích những đứa trẻ sáng tạo, thể hiện cá tính của mình là ý tưởng hay, nhưng lấy đó để làm bàn đạp trở thành người nổi tiếng bằng mọi giá thì đã lệch so với nhu cầu từ người dùng mạng xã hội. 

 (Theo )

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI