Khó khăn của gà trống

07/05/2016 - 07:21

PNO - Khó khăn của gà trống nuôi con chưa chắc nằm ở sự chăm sóc tã bỉm mà còn là sự chăm sóc tinh thần.

Người ta hay nghĩ đến sự vất vả của những ông bố nuôi con một mình bằng tã bỉm, bằng bữa ăn. Nhưng đàn ông Việt Nam, hay người Việt nói chung giỏi xoay xở với những thứ ấy. Họ chỉ không giỏi xoay xở với tinh thần của chính mình.

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh có lần đi bar dành cho giới trẻ, với nhạc đập cực mạnh, những nam thanh nữ tú trong trang phục gợi cảm. Anh sinh năm 1968, đã ở độ tuổi trung niên. Anh đi bar không phải để “chơi trống bỏi” mà tìm gặp ông chủ quán bar.

Ông chủ quán bar cũng là một người khá trẻ, nhiều hình xăm, đang cuốn “cỏ” để hút. Họ ngồi với nhau bên ngoài ban công. Hai bên không hề quen biết. Anh kiến trúc sư có tiếng nhờ người bạn kết nối để gặp gỡ ông chủ: anh muốn biết con gái mình có đến đây chơi không, đến với ai, và có “nổi loạn” không.

Anh đừng lo lắng quá, ông chủ quán bar cười, thanh niên thì nó phải chơi. Ông kiến trúc sư vốn có tiếng là ăn nói mạnh bạo, vẻ khổ sở, vớt vát: "Thôi các chú để ý cháu nó hộ anh".

Đó không phải là một “hành trình” cá biệt của ông bố U50 ấy. Con gái anh đang tuổi lớn. Ông bố không còn cách nào khác là âm thầm đi theo, dò tung tích của con và nắm bắt hoạt động của nó. Nhiều người bảo anh lo lắng thái quá. Nhưng ông bố này không nghĩ thế.

Những ông bố, vì một lý do nào đó, loay hoay một mình trong cuộc nuôi dạy con, luôn có một vẻ rất riêng. Họ có thể đã góa vợ, hoặc ly hôn: ngay cả khi đứa trẻ vẫn còn mẹ, thì cuộc loay hoay cùng những đứa trẻ cũng thường là cuộc tư duy đơn độc của mỗi người - không còn sự trao đổi thầm thì bàn mưu tính kế mỗi đêm nữa. Khó khăn hơn, bởi bản năng của người đàn ông không sinh ra cho việc đó. Khó khăn hơn, bởi đứa trẻ bằng cách này hay cách khác mang tổn thất về tinh thần, và đôi lúc phản kháng.

Những cuộc đối thoại cha-con đôi lúc bất thành. Một nhà báo nổi tiếng, với giọng đọc trên sóng phát thanh khiến nhiều người mê mẩn, có lần đăng lên facebook một tấm ảnh chụp đầu gối và đôi dép tông của mình. Đó là khung cảnh một cuộc đối thoại cha-con, theo cách diễn đạt hơi chát của anh. Con gái anh đã vào cấp III, và đã đến lúc họ nói với nhau những câu chuyện “nghiêm trọng”. Nhưng rốt cục, thì người có thể thuyết phục cả triệu thính giả, ngồi đó, trên vỉa hè, và mang cảm giác mình đang nói chuyện với... cái đầu gối.

Kho khan cua ga trong
Ảnh mang tính minh họa

Con gái anh không thích sống trong cái bóng của cha. Anh dành sự chăm sóc cho con trong phạm vi năng lực và sở trường của mình: một người đàn ông. Anh đi ngoại giao để tìm cho cháu một suất học bổng tại châu Âu. Anh sắp xếp cho hai bố con một chuyến đi châu Âu vừa du lịch và vừa tham quan các trường đại học. Những tính toán rất tỉ mỉ. Nhưng rồi đến phút chót, anh đi châu Âu một mình. Con gái anh cương quyết nói không, và tuyên bố nếu đi thì nó sẽ tự tìm học bổng.

Khi nói đến những người đàn ông nuôi con, người ta hay nghĩ đến sự khó khăn trong những công việc vụn vặt, ăn uống, nấu nướng, tắm giặt. Nhưng thật ra, đó là những việc ai học rồi cũng làm được. Các ông bố ấy sẽ học chăm chỉ, bởi họ không có lựa chọn. Họ có sự trợ giúp của bà nội, người giúp việc... Nhưng có những khó khăn mang tính bản chất.

Người đàn ông trong xã hội Á Đông sẽ khó thể hiện tình cảm của mình theo cách có thể thay thế hoàn toàn người mẹ. Họ sẽ thô ráp, hướng ngoại, khó tạo ra sự tương thông tâm ý hoàn toàn với một đứa trẻ. “Bây giờ đi một bước cũng phải theo, nhỡ may nó làm con nhà người ta có bầu” - một nhà báo tên tuổi khác cười to bên bàn rượu. Anh cũng nuôi con một mình. Lần nào nói về đứa con đang học cấp III của mình, anh cũng nhắc đến chủ đề này. Cái sự “thô thiển” ấy, mang đặc tính suy nghĩ kiểu đàn ông. Anh sẽ chỉ có cách theo dõi con từng bước, chứ làm gì có cửa chờ con rủ rỉ với mình.

Có một đặc điểm quan trọng nữa làm nên sự khó khăn của những người đàn ông Việt Nam nuôi con một mình: họ trưởng thành trong một xã hội hoàn toàn khác. Trong 20 năm sau mở cửa, xã hội Việt Nam đã hoàn toàn biến đổi, cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Cái xã hội cơ cực và nhiều định kiến mà họ trưởng thành đã biến mất.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI