Khi trẻ bị tống tiền

11/02/2017 - 14:32

PNO - Liên tiếp hai tuần nay, tôi phát hiện mình bị mất tiền. Số tiền không nhiều, hôm thì 20.000đ, lúc thì 50.000đ.

Tôi im lặng tìm hiểu vì nhà cũng neo người, dễ xác định được thủ phạm. Thật sốc vì đó là đứa con trai học lớp 7 của tôi. Truy hỏi ráo riết, cháu nói bị một bạn “đầu gấu” ở trường bắt cống nạp tiền nếu không muốn ăn đòn. Tôi muốn đến trường báo cáo hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm thì cháu đòi chết đòi sống, đòi bỏ học.

Khi tre bi tong tien
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo lời cháu kể, đã có nhiều bạn đưa phụ huynh vào trình báo với giáo viên thì sau đó bị xì bánh xe, bị mất tập, thậm chí mất nguyên chiếc cặp, phải chép bài lại nhiều môn. Dĩ nhiên ai cũng biết thủ phạm và nguyên nhân nhưng không làm gì được. Tôi cũng hoang mang quá, vì cháu đang độ tuổi ẩm ương, xử lý không khéo bất cứ vấn đề gì, đặc biệt là chuyện bạn bè sẽ làm hỏng chuyện lớn.

Thanh Nhi

(Q.Bình Tân, TP.HCM)

Cần tìm hiểu rõ thực hư

Chị Thanh Nhi mến,

Trẻ con, đôi khi có những việc chúng có thể phóng đại lên một chút để nâng tầm vấn đề, hoặc để tránh lỗi lầm đổ ập xuống đầu mình. Đó là tôi nghiệm ra từ chuyện của cháu gái mình. Một thời gian cháu cũng thường ăn cắp vặt, 5.000đ, 10.000đ. Ban đầu người lớn trong nhà không ai để ý. Dần dần số tiền mất ngày càng nhiều, để ý mãi mới biết là cháu lấy. Tra hỏi vặn vẹo cỡ nào cháu cũng không nhận. Mãi đến khi bị bắt quả tang, cháu mới đổ vấy nguyên nhân là lấy tiền để giúp bạn mua cơm ăn. Nghe câu chuyện cháu kể rất lâm ly, mẹ cháu nhân dịp họp phụ huynh có trao đổi cùng giáo viên chủ nhiệm, hòng tìm ra phương cách lâu dài giúp đỡ cô bé học trò nghèo.

Đến đây thì mọi chuyện mới vỡ lở, hoàn toàn không có nhân vật như vậy tồn tại trong lớp cháu. Và đã có nhiều trường hợp các học sinh khác cũng trộm tiền cha mẹ rồi đưa ra cùng một lý do. Hóa ra các cháu lấy tiền để đi chơi game online ngoài tiệm. Thế đấy chị ạ. Theo tôi, chị nên thẳng thắn trao đổi cùng giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu để biết rõ thực hư, đừng chỉ nghe một chiều. Đồng ý là tâm lý các cháu độ tuổi này khá nhạy cảm, nhưng không có nghĩa là chúng ta bao che, dung dưỡng cho cái xấu.

Minh Tri
(nhân viên văn phòng, Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ...

Nghe câu chuyện của chị, tôi nhớ một chuyện buồn trong gia đình chúng tôi, đã khá lâu. Ròng rã bốn năm cấp II, con trai tôi đã vướng phải nạn bạo lực học đường. Thủ phạm là cậu học sinh lớp trên. Bị bắt nạt, tống tiền, trêu ghẹo, nên con tôi sinh ra sợ hãi, thường xuyên trốn học. Truy hỏi con, nghe cháu kể chuyện, tôi đã không tin. Vào trường, trao đổi cùng giáo viên chủ nhiệm thì nhận được câu trả lời là không bao giờ có chuyện tồi tệ ấy xảy ra.

Nói chuyện cùng ban giám hiệu, tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự. Tôi không ngờ rằng, vì sợ ảnh hưởng đến thành tích thi đua của trường, vì ngại mang tiếng xấu với phụ huynh mà nhà trường, dù biết rõ mười mươi sự việc vẫn quyết không công khai. Đáng tiếc là tôi đã không tin tưởng con mình. Tôi đã không đứng về phía cháu. Con tôi từ đó trở nên lầm lì, cau có, học hành sa sút và rốt cuộc đã bỏ học. Chúng tôi phải cho cháu theo học ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Vô tình, có lần gặp cậu bạn thân của cháu tại ga xe lửa. Chúng tôi cùng ngồi chờ tàu, trò chuyện, mới hay những điều cháu kể và phải chịu đựng đều là sự thật. Tiếc là mọi chuyện đã đi quá xa…

Chị ạ, nạn bạo lực, ỷ mạnh hiếp yếu, là có thật, trong học đường. Tôi hy vọng chị sẽ nắm tay cháu thật chặt để đi tìm sự thật. Hoặc chí ít là ở bên cạnh và tin tưởng cháu tuyệt đối, để cháu biết rằng dẫu có chuyện gì xảy ra chăng nữa vẫn có một nơi chốn an toàn. Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ, để thấu hiểu rằng có những nỗi sợ rất kinh khủng, có những vấn đề rất đau buồn, mà ở độ tuổi ấy, con trẻ thường nghĩ rằng có thể chết đi được…

Thanh Thảo

(họa sĩ, công ty thiết kế D.A.C.)

Cần gióng hồi chuông báo động

Gần đây, hiện tượng này khá phổ biến. Do đó, cần gióng một hồi chuông cho gia đình, nhà trường và xã hội. Trong nhiều ca tôi đã tư vấn, có những trường hợp trẻ bị tống tiền thời gian dài: suốt cả một cấp học. Có khá nhiều nguyên nhân nhưng tựu trung ở hai yếu tố chính.

Thứ nhất, trẻ tống tiền thường xuất phát từ gia đình có người lớn không làm gương tốt, nên trẻ bị ảnh hưởng, bắt chước. Hoặc các em sống trong những mái ấm không hòa thuận, cha mẹ ly hôn, nên chúng không được quan tâm, chăm sóc đầy đủ, cả về vật chất lẫn tinh thần. Thứ hai, trẻ bị tống tiền, các em đã không được cha mẹ, người lớn chỉ dạy kỹ càng những kỹ năng xã hội để kịp thời ứng phó, báo ngay cho cha mẹ, thầy cô.

Đặc biệt, người lớn chúng ta, khi xử lý tình trạng này, tuyệt đối không được trừng phạt, kỷ luật hay đuổi học trẻ. Chúng ta cần phải uốn nắn từ từ, nếu không sẽ “hư bột hư đường”, trẻ sẽ trượt dài trong hố sâu tội lỗi.

Hồ Thị Tuyết Mai

(chuyên viên tư vấn tâm lý Trung tâm tư vấn tâm lý Tình yêu HNGĐG Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) 

Khánh Thủy

(Thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI