'Keo dính' hiệu... ông nhỏ

12/04/2018 - 09:16

PNO - Tối đến, tôi choàng tay ôm vợ thì có người chen vào nằm giữa: “Con nằm chỗ này, giữa ba và mẹ, ba tránh ra đi”.

Có lần, tôi và bà xã cất cao giọng, đấu lý để giành phần thắng cho một việc cỏn con. Hai bên đang lúc cao trào, bỗng cánh cửa bật mở, một giọng đanh thép vang lên: “Hai người im lặng, không được cãi nhau!”. 

'Keo dinh'  hieu... ong nho
Ảnh minh họa

Tôi và vợ im bặt, nhìn nhau rồi quay sang nhìn thằng con trai mới 5 tuổi, miệng còn thơm sữa. Mắt nó đăm đăm, môi mím chặt, đứng nghiêm túc như một trọng tài. Sau vài giây, chúng tôi tiếp tục lớn tiếng, “ông nhỏ” càng giận, gồng người lên: “Con đã bảo ba mẹ im lặng mà, không được cãi nhau...”. 

Tôi vội trả lời: “Ba mẹ đâu có cãi nhau, chỉ nói chuyện thôi mà”. “Ông nhỏ” tiếp lời: “Nói chuyện thì được, nhưng không được cãi nhau. Con nói rồi đó!”, rồi bỏ ra ngoài chơi xếp hình với chị.

Tối đến, tôi choàng tay ôm vợ thì có người chen vào nằm giữa: “Con nằm chỗ này, giữa ba và mẹ, ba tránh ra đi”. Tôi hỏi: “Tại sao ba mẹ cãi nhau, con không cho, mà ba ôm mẹ, con cũng không cho?”. Con làm mặt ngầu, cắt nghĩa: “Cãi nhau là không thương nhau. Còn ôm thì… con cũng không cho vì ba ôm mẹ mệt, vậy là ăn hiếp mẹ”. 

Ngẫm lại, đúng là có lúc mình có ăn hiếp vợ thật. Nhờ con trai gọi đúng tên hành vi khiến tôi giật mình. Có khi tôi chỉ nói hơi lớn tiếng nhưng cuối cùng cũng bị con trai khép tội “cãi nhau”, chứng tỏ “ông nhỏ” cực kỳ nhạy với bạo lực. Tôi mừng khi con tự nhận biết, phân xử những chuyện chưa tốt của cha mẹ. Có lẽ do nguyện vọng được sống hạnh phúc nên nó tự thân xây đắp một không gian an lành. 

Nhớ bộ dạng nó lúc xông vào can thiệp, “cắt cãi”, tôi thường phì cười dù đang đọc báo, làm việc hay chạy xe trên đường. Chuyện vợ chồng tôi đôi khi cũng gặp phiền toái khi “thích khách” đột nhập, nhưng không thể phủ nhận hiệu quả của “keo dính ba với mẹ” này, nhất là những lúc sóng gió.

Vai trò của “ông nhỏ” bắt đầu từ ngăn ngừa, dập tắt cuộc chiến đến sứ giả hòa bình. Cũng ít nhiều “ngán” cái thế lực hữu hình ấy mà tôi tập chỉnh âm thanh vừa đủ nghe với vợ, dịu nhẹ trong hành xử, quan tâm hơn để không bị “ông nhỏ” bênh mẹ, bắt lỗi ba. Những khi tranh luận chuyện gì gay gắt, vợ chồng rủ ra quán cà phê, công viên hoặc trốn trong góc nhà để làm điều cấm kỵ: “cãi nhau”. 

Nguyễn Thắng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI