Hôm nay, ai 'thầu' đưa đón con?

10/09/2018 - 16:00

PNO - Một xã hội bình đẳng, văn minh, coi trọng phụ nữ thì không thể nào chấp nhận cảnh “cổng trường em giờ tan học chỉ toàn xe ôm và cánh đàn bà” được. Ba của lũ trẻ đâu?

1. Năm nay, con trai lớn nhà chị Hà vào lớp Một, đứa nhỏ bắt đầu vô mầm non. Cuối mùa hè, khi cùng tất tả ngược xuôi để lo cho con đi học, vợ chồng mới chưng hửng nhận ra một vấn đề mà bấy lâu chưa kịp nghĩ tới: ai sẽ lãnh phần đưa đón con đây?

Chồng Hà làm xây dựng, không quá bó buộc thời gian, nhưng lại thất thường lúc bận lúc rảnh, anh lo kinh tế chính trong nhà. Hà là công chức, sáng quẹt vân tay, chiều đúng giờ mới được rời khỏi chỗ. Chồng Hà vốn giữ quan điểm: con cái, gia đình là việc của đàn bà, vợ cáng đáng là đương nhiên. Nay đối mặt với việc đưa rước con, họ cãi nhau liên tục. Hà nói, mình hơi lùn, tay chân yếu ớt, sao có thể chống chọi nổi với hai đứa con chí chóe ngoài đường. Chưa kể, thâm tâm Hà muốn chồng có trách nhiệm hơn với gia đình, bớt tụ tập nhậu nhẹt. 

Hom nay, ai 'thau' dua don con?
 

Chồng Hà tuyên bố, không thể bắt đàn ông nơm nớp giờ giấc với lũ trẻ được, vợ phải chủ động thôi. Chia nhau hay là thuê người, nhờ hai bên nội ngoại? Mà vô lý quá, vợ chồng cố một chút là có thể đưa đón con, sao phải phiền người khác hoặc giao con cho người lạ, vừa không yên tâm vừa tốn kém chứ!

Cứ vậy, nhà chị Hà dần nâng quan điểm lên thành “không chia sẻ gánh nặng”, “cố tình tránh né bổn phận”, “bất bình đẳng giới” rồi dùng… võ mồm choảng nhau ồn ào, bất phân thắng bại…

2. Không phải về đón con à?

- Dạ không, ba nó “ôm sô” chuyện đưa rước bọn nhỏ rồi ạ.

- Ôi số sướng, bà vợ của năm là đây rồi. Hóa ra “được chồng cưng” là có thật.

Đoạn đối đáp ấy là ở văn phòng tôi lúc cuối chiều, khi chị em dáo dác vơ vội túi xách, chuẩn bị áo mưa để ra về. Họa hoằn mới có một hai chị em nào đấy an nhàn nhận sự trầm trồ xen chút ganh tỵ của đồng nghiệp. Từ bao giờ, người ta mặc định là mẹ phải đón con, chồng hết giờ làm thì có quyền la cà bù khú này nọ vậy?

May quá, ngày càng nhiều các ông bố cũng tất bật tranh thủ lao về đón con, hoặc buổi sớm vô trễ để có thể hoàn thành nhiệm vụ đưa quý tử đến trường. Là do họ tự nguyện hay được vợ “giáo dục” cưỡng ép mà ra? Tất cả các nguyên nhân trên đều có thể đúng.

Hom nay, ai 'thau' dua don con?
Ảnh minh họa

3. Nam giới, đợi họ tự giác nhận lãnh phần việc liên quan tới con cái chăng? Chẳng phải là không có, nhưng của hiếm, “hàng tuyển” ấy may mắn lắm thì mới tới lượt mình sở hữu. Còn lại, đều do các chị vợ “vận công” mà phân chia, đốc thúc, đánh vào tình phụ tử lẫn sĩ diện đàn ông, vào tình yêu thương vợ con hoặc cài họ “vô thế” chẳng thể khước từ. Áp dụng phương án nào, thì tùy từng hoàn cảnh. Nhẹ nhàng nhờ vả hay thẳng thừng áp đặt, đều phụ thuộc vào bản lĩnh của người trong cuộc…

Vấn đề là, ngọt nhạt hoặc sòng phẳng chia nhau ra sao để gia đình khỏi lục đục. Và đón con, thực ra là việc lớn trong nhà, đàn ông nên chủ động đưa vai gánh vác chính, chứ đừng một hai đẩy qua cho chị em. “Vợ đón con là chuẩn cơm mẹ nấu rồi, sao phải lăn tăn nữa”. Chân lý ấy, cánh đàn bà ngày càng không muốn nhận vơ vào người. Chở con ngoài đường, là một việc kinh khủng cho các “Ninja Lead” và cả xã hội. Cứ tưởng tượng cảnh bà vợ chân ngắn ngủn với cái xe kềnh càng cùng váy áo tùm lum và một hoặc hai đứa trẻ con loi nhoi mà coi! Vừa cảm thấy xót lại cũng vừa muốn tránh xa xa ra cho nó lành…

Hom nay, ai 'thau' dua don con?
Ảnh minh họa

Thời buổi bây giờ, đàn bà cuối ngày cũng bận tiệc tùng khách khứa xã giao. Sáng thì tắm gội, trang điểm rồi tranh thủ đến chỗ làm. Phải biết xài chiêu dỗ dành chồng. Gặp trường hợp chị vợ hay đi công tác vắng nhà, thì càng cần phải ngọt nhạt xài chiêu “dụ” chồng chia sẻ gánh nặng đưa đón con. Nhất là vào mùa mưa, vợ chồng thường ngại ngần đùn đẩy cho nhau. Rồi nhằm bữa đã thống nhất là chiều nay vợ đón, nhưng rồi vợ muốn tranh thủ gặp cô bạn ở xa mới về, thế là đành thẽ thọt gọi điện nhờ chồng hỗ trợ…

4. “Hôm rồi chồng đi công tác, em phải xin về sớm nửa tiếng, tranh thủ đón con. Gặp bữa xui, trời mưa tầm tã, về được tới nhà thì cả mẹ lẫn con đều ướt mèm, suýt té xe ở bậc thềm trước ngõ. Ngay lúc đó, em đã nghĩ, may là mình chưa kịp bỏ “nó”, chị à!”. Cô em họ của tôi hỉ hả tâm sự như thế, sau sự vụ phải thu xếp đón con đột xuất mấy ngày của mình. “Nó” ở đây tức là chồng em, một người đàn ông chậm chạp ề à, ít chí cầu tiến, cả đời chẳng làm nổi việc gì lớn cả. Ra đường thì lè phè, chẳng có chút hấp dẫn nào về mặt giới tính.

Đôi lúc em chẳng hiểu sao hồi đấy mình lại vội vàng kết hôn với “nó”. Nhưng giờ nghĩ lại, nếu không có “nó” chạy vòng trong, tức là lo đón con, chơi với chúng, làm mấy việc nhà lặt vặt, thì hẳn em cũng không thể thong dong mà sống, mà giữ dáng, mà thăng tiến công việc rồi quay qua chê bai như vậy. Cũng hiểu như thế, nhưng phải đến khi thật sự nếm trải nỗi vất vả của việc bươn bả sáng chiều, với chiếc xe và hai nhóc con đứa trước đứa sau, ngọ ngoạy liên tục, gặp cái gì cũng hỏi, thì em mới “thấm đòn”!

5. Chẳng ngạc nhiên lắm đâu, khi có những cuộc hôn nhân đã rạn tới mức chỉ cần một làn gió khẽ khàng thôi cũng đủ khiến nó vỡ nát. Thế nhưng, người trong cuộc, có khi là chị vợ đã chán ngán chồng tận cổ, vẫn cố chịu đựng, vì một lý do cứ tưởng như đùa: để còn có người đưa đón con. Không có chồng, ai lo cho chúng đi học sáng chiều, để mình có thể thong dong mà sống, mà thăng tiến, mà chứng tỏ bản lĩnh chị em với cuộc đời bây giờ? Thậm chí, có cặp đôi đã chia tay nhau, nhưng vẫn còn dây mơ rễ má rồi châu về hợp phố, cũng vì chồng (cũ) đón con rồi tiện thể ăn cơm và ngủ lại.

Một xã hội bình đẳng, văn minh, coi trọng phụ nữ thì không thể nào chấp nhận cảnh “cổng trường em giờ tan học chỉ toàn xe ôm và cánh đàn bà” được. Ba của lũ trẻ đâu? Đang bận say sưa sau giờ làm, hay khề khà ly cà phê sáng, hoặc nhàn hạ chơi thể thao trước khi bắt đầu một ngày làm việc ở văn phòng chăng? Nếu chỗ làm của bạn tiện đường, giờ giấc của bạn linh hoạt, và bạn tin vào khả năng cầm lái của mình, cảm thấy nhẹ nhõm với việc đưa đón con, thì bạn cứ chung tay.

Chứ bạn phải tất tả hết ngày này tháng nọ, bạn ấm ức với ý nghĩ là mình bị xử ép, bạn hớt hải đua từ cơ quan tới trường con trong giờ cao điểm, bạn quýnh quáng nên bị va quẹt ngoài đường thường xuyên, thì xin bạn đấy. Hãy đặt sự an toàn của mấy mẹ con lên hàng đầu, bạn cần nói chuyện với người đàn ông của mình, rằng anh ơi, chúng ta sẽ bàn bạc lại chuyện đưa đón con, anh nhé…

 Thùy Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI