Hãy đứng bằng với con

12/03/2018 - 10:58

PNO - Ba muốn hiểu con thì phải “đứng ngang bằng” với con. Ba không được nhìn từ trên cao xuống. Ba phải nhìn ngang đúng tầm mắt mà con đang nhìn.

Mỗi buổi chiều con tan trường, ba luôn có một thói quen đơn giản, khuỵu một chân xuống mặt sàn để đón con chạy ra từ cửa lớp. Khi ấy, bao giờ cũng vậy, gương mặt con vừa ngang tầm gương mặt ba…

Hay dung bang voi con
Ảnh minh họa

Ba may mắn có cơ hội đọc rất nhiều. Có không biết bao nhiêu lời khuyên từ những cuốn sách dành cho các bậc cha mẹ là hãy cố gắng làm bạn với con. Để con có thể chia sẻ tất cả buồn vui từ thuở còn bé xíu, để con không cảm thấy lẻ loi nếu vô tình có biến cố nào đó xảy ra trong cuộc đời…

Tuy nhiên, sự đời chẳng bao giờ đơn giản như vậy. 

Ba vẫn nhớ có những ngày nhìn con bày đồ chơi khắp nhà mà ba… cáu không chịu được. Những ngày đón con tan trường, 45 phút từ trường về nhà gần như không phút nào con ngơi nghỉ với việc đặt câu hỏi về chuyện xe cộ, đám mây, chiếc lá, nón bảo hiểm, bảng tên đường… khiến não ba như muốn nổ tung.

Những hôm con chơi trò đố toán cộng và trừ bất kể giờ giấc khiến ba mệt nhoài vì phải tìm ra câu trả lời nhanh nhất. Những buổi tối con tìm mọi cách lôi kéo ba vào trò chơi trốn tìm, đánh trận giả, đoán chữ cái… mặc kệ ba có bận rộn với công việc tới đâu…

Nhưng thật may mắn, với phần lớn những chuyện xảy ra, ba đều tìm được lời giải thích hợp lý cho những ứng xử từ con. 

Ba cáu giận, mệt nhoài hay stress… là do dùng suy nghĩ của một người lớn để “phán quyết” các hành động của con. Ba dùng quyền lực của một người làm cha mà bắt con nên thế này hay như thế kia. Ba dùng trải nghiệm của một người đi qua nhiều biến cố rồi áp lên “một tờ giấy trắng” chỉ mới nguệch ngoạc vài nét chữ đầu đời.

Vậy nếu ba là con thì sẽ như thế nào? Thì… chắc ba cũng sẽ là như vậy!

Ba muốn hiểu con thì phải “đứng ngang bằng” với con. Ba không được nhìn từ trên cao xuống. Ba phải nhìn ngang đúng tầm mắt mà con đang nhìn. 

Thế nên ba bắt đầu học cách thỏa thuận với con. Khi nào con sẽ được thoải mái hỏi, thoải mái chơi. Khi nào thì phải cho ba làm việc và con tự chơi một mình. Khi nào con làm xong một việc gì đó (như ăn tối, làm bài tập toán cộng trừ…) thì có thể yêu cầu ba làm một việc gì đó cùng con… Chúng ta cùng thỏa thuận với nhau trong rất nhiều chuyện, gần như không ai áp đặt ai điều gì. 

Hay dung bang voi con
Ảnh minh họa

Khi buồn, con chọn cách ra trước cửa ngồi lặng người trên chiếc ghế nhựa nhỏ. Con không thèm nói chuyện cũng chẳng đoái hoài những ánh mắt quan tâm khác. Cho đến khi người gây ra lỗi với con mở lời. Ba thích cách chúng ta làm hòa sau khi xảy ra hiềm khích là móc ngoéo ngón tay út vào nhau.

Chỉ cần đưa ngón tay út ra, mặc nhiên người kia sẽ hiểu là người này đang muốn làm hòa. Nếu đã hòa thì sau lời xin lỗi, đừng nhắc về lỗi lầm đã qua vì khi chủ động đưa ngón tay ra là người kia đã nhận mình sai, ngầm hứa sẽ cố gắng không tái phạm. 

Sẽ chẳng ai có thể tự tin nói rằng, cách dạy con của mình là tốt nhất hay hiệu quả nhất. Mỗi đứa trẻ là một tính cách, một bối cảnh trưởng thành. Nên ba làm theo cách của mình, cố gắng để làm sao hiểu rõ con nhất. Hiểu con rồi thì cứ thuận theo cách ấy, nương theo con mà “sống” cùng con. 

Có thể trong lần đầu tiên đón con tan học, ba khuỵu một chân xuống đơn giản vì sợ con mỏi cổ nếu cứ phải ngước nhìn ba. Lâu dần thì thành thói quen. Để rồi bây giờ, ba nghĩ sẽ thật kỳ lạ khi đón con mà không khuỵu một chân xuống. Vì như thế ba sẽ không thể nào nhìn hết được nét hân hoan của con khi rời bàn tay cô giáo và nhào vào lòng ba, như thể con đã chờ cả một ngày dài cho khoảnh khắc này.

Chỉ vậy thôi mà đôi khi trái tim của một người cha vẫn thấy rưng rưng…

 Nguyễn Phong Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI