Hành xử với con nơi đông người cần khéo léo vì bị tổn thương trẻ sẽ trả thù

21/06/2017 - 15:26

PNO - Clip “Con trai tung song phi vào cha khi bị cha đánh tại tiệm net” đang thu hút sự chú ý của các bậc làm cha mẹ lẫn các bạn trẻ.

Có người trách người bố quá hồ đồ, có người xót xa cho ông bố không kiềm chế được cơn nóng giận.

Song, người xem tập trung nhiều hơn vào đứa con trai đang tuổi lớn. Khi bị bố làm mất mặt trước đám đông, dường như cậu ta chẳng còn coi ông là bố. Xem clip, các bậc làm cha mẹ có dịp nhìn lại cách hành xử với con mình nơi đông người.

Một lần làm nhục con, cả đời gần như mất con

Đó là nỗi đau của anh Nguyễn Thanh (An Giang). Anh kể: Năm ngoái, khi vợ bệnh nặng, vợ tôi cố nói với tôi: “Ráng đi tìm con về”…. Câu nói ấy làm tôi bật khóc.

Cách đây 5 năm, tôi đang làm công nhân ngành xây dựng, công ty thua lỗ, tôi bị thất nghiệp. Ở nhà buồn quá, tôi nuôi gà, để kiếm tiền nhiều hơn, tôi nuôi gà đá. Rồi dần dần, tôi mê đá gà. Phải nói, suốt ngày, tôi chỉ biết quanh quẩn với mấy con gà đá, say sưa nhìn ngắm, o bế chúng. Tôi chẳng còn quan tâm đến vợ con như trước.

Trong đám gà đá, có một con rất chiến, tôi rất cưng, chăm sóc cẩn thận. Một lần phải về quê dự đám ma ông chú, tôi bảo thằng con ở nhà trông con gà cẩn thận. Vậy mà khi tôi về đến nhà, con gà biến mất. Tôi tức điên người, con gà bị kẻ trộm bắt lúc nào vợ tôi cũng không biết.

Đến giờ trưa, vẫn không thấy con trai đi học về, tôi không thể chịu đựng được, chạy thẳng lên trường học của nó. Tôi thấy nó đang ngồi tập hát với một đám bạn. Thấy tôi, nó hơi hoảng. Tôi nghĩ là nó đã biết con gà bị mất là do nó lơ là, nên tôi quát luôn: “Mày làm gì mà để con gà bị mất?”. Nó lí nhí nói gì đó tôi không nghe rõ, nên tôi tát nó một cái “mày bị mất lưỡi rồi hả?”.

Nó im bặt, đám bạn nó lãng ra hết, chỉ còn vài đứa. Tôi la to cốt cho bạn nó nghe: “Mày sướng quá, ở nhà không làm gì, chỉ giữ con gà cũng không được. Con gà có giá hơn mày, nó nuôi được mày, chứ mày thì có lợi ích gì cho tao”.

Tự nhiên, con tôi hét lớn lên: “Ông là ba của con gà, chứ không phải ba tui”, rồi nó bỏ chạy. Tôi cũng không cần biết nó có về nhà hay không. Ba hôm sau, vợ tôi hốt hoảng đưa cho tôi xem lá thư, con tôi viết cho mẹ, bảo rằng nó không muốn gặp mặt ba nữa, vì đối với ba, nó không đáng giá bằng một con gà…. Vợ tôi khóc lóc đi báo công an.

Hanh xu voi con noi dong nguoi can kheo leo vi bi ton thuong tre se tra thu
Đừng làm trẻ cảm thấy nhục trước đám đông. Ảnh minh họa

Mọi người bảo chắc nó đi đâu đó rồi cũng về nhà thôi. Có người bảo thấy nó ở Sài gòn, có người lại bảo thấy nó ở Cà Mau…Lúc đi, nó mới học lớp 7, 13 tuổi. Đôi lần, tôi cũng đi tìm con, lên Sài gòn đăng tin ở Đài truyền hình, nhưng chẳng thấy phản hồi. Vợ tôi khóc suốt, ngã bệnh, nằm chiêm bao cứ thấy con chết. Tôi có 2 đứa con, còn đứa con gái út ở nhà với cha mẹ lại bị tim bẩm sinh, chẳng học hành gì được. Sau khi con trai bỏ đi, tôi bỏ luôn đám gà đá, đi làm thợ hồ, cũng là để được đi nhiều nơi để tìm con.

Khi vợ tôi vào bệnh viện cấp cứu, bỗng nhiên con tôi xuất hiện, nó đen đúa, bảo nằm mơ thấy mẹ khóc quá nhiều, nên về nhà. Vợ tôi chỉ kịp nắm tay con, rồi nhắm mắt. Có vậy thôi, mà tôi cũng cảm thấy gánh nặng bao lâu nay được giảm bớt. Con trai tôi chưa tròn 20 tuổi, lại đi tiếp, nó bảo nó quen cuộc sống tự do rồi. Tôi cũng chẳng rõ nó làm gì, nhưng nó bảo tôi đừng lo cho nó, hãy chăm sóc em gái của nó.

Con tôi như biến thành một người khác

Chị Trần Thị Thanh (Phú Yên) chỉ có một cậu con trai duy nhất, chồng chị đi làm xa, thỉnh thoảng mới về nhà. Từ lúc con còn nhỏ, chị luôn chăm chút việc học cho con, vì nghĩ chỉ có học con mới có việc làm tốt, mới không nghèo như ba mẹ. Chị nhịn ăn, nhịn mặc để dành tiền để tìm thầy giỏi cho con học thêm, đưa đón con đi học…Chị tâm sự: “Vì đã hết lòng cho con, nên tôi có quyền kỳ vọng vào con, kiểm tra bài thấy điểm thấp là tôi la mắng con, dẹp hết ti vi, máy tính... bắt con học. Mặt của tôi chỉ vui khi con đạt điểm cao.

Một lần, đến trường đón con, tôi chờ hoài không thấy. Một lát sau, con tôi xuất hiện. Thì ra, nó dám bỏ một tiết học để đi coi phim với đám bạn. Tôi quát ầm lên, lấy chiếc dép quất vào vai con, bắt nó quỳ xuống và xin lỗi mẹ. Con tôi làm theo.

Nhưng những ngày sau đó, nó như biến thành một người khác trong nhà. Buổi tối, nó không học bài, ngồi dán mắt vào máy tính. Sáng, nó bảo nhức đầu, không chịu đi học. Chiều, tôi đi làm về không thấy nó đâu. Nó không nói chuyện với mẹ, những lúc tôi gắt lên, nó bỏ ra khỏi nhà. Tôi sợ quá, đi hỏi mấy người bạn thân, họ phân tích, con tôi đang ở tuổi lớn, nó biết mắc cỡ, sao tôi lại bắt nó quỳ giữa đường xin lỗi.

Tôi mất một năm trời để làm lành sự tổn thương của con và hàn gắn mối quan hệ mẹ con. Trong suốt thời gian đó, tôi luôn tôn trọng con, trò chuyện chứ không bắt con phải ăn, ngủ đúng giờ… Thậm chí, con tôi không muốn học, tôi cũng chẳng ép nữa. Tôi cố gắng trở thành bạn của con, để trên bàn con những cuốn sách hay. Tôi làm quen với một vài đứa bạn thân của con để hiểu con. Khi đó, tôi mới biết con trai tôi hay tâm sự với bạn: “Nếu mình thi rớt, chắc mình chết, chứ không sống nổi với mẹ”. Tôi nghe, mà ứa nước mắt, thương con mình quá chừng!”

Tôi luôn biết ơn người cha tinh tế, dịu dàng

Cũng có không ít ông bố dạy con rất nghiêm nhưng không làm mất lòng tự trọng của con. Võ sĩ nổi tiếng Nguyễn Trần Duy Nhất (huy chương Vàng giải vô địch Muay Thái và cúp Muay Thái toàn quốc từ 2009 đến 2015) luôn nhắc đến cha với tình yêu thương và lòng biết ơn.

Hanh xu voi con noi dong nguoi can kheo leo vi bi ton thuong tre se tra thu
Võ sĩ Duy Nhất (áo sọc xanh) cùng ba mẹ và anh chị em

Cha anh, võ sĩ Nguyễn Trần Diệu, là người cởi mở, vui vẻ nhưng rất nghiêm khắc với con. Duy Nhất nhớ nhất cây roi của ba. “Năm học lớp 9, tôi đi chơi cách nhà khoảng 8 cây số, về khuya. Vào nhà, thấy ba ngồi im, tôi rón rén đi ngủ, ông lẳng lặng đóng cửa. Ngày hôm sau, tôi lại đi chơi tiếp, ba tôi chạy xe đến tận nơi, không hề giận dữ, la mắng, chỉ chở con trai về.

Khi vào nhà, ba bắt tôi nằm xuống giường, quật 3 roi vào mông. Tôi nhận ra mình sai, đi chơi khuya, không xin phép. Ba đã bỏ qua một lần, nhưng vẫn sai phạm, nên bị đòn là đúng”.

Vào tuổi nhổ giò ham chơi, nên tuần nào Nhất cũng… bị đòn. Nhưng chưa bao giờ, ông bố làm con trai bẽ mặt trước đám đông. Một lần, sau khi cho cậu con vài roi, thấy mặt con trai “trơ trơ”, theo kiểu từng trải trong “va chạm thi đấu”, không còn cảm giác sợ sệt, ông bố bẻ cái roi, vứt luôn. Không dè, đó lại là một tuyệt chiêu trị được cậu con trai ham chơi khi gieo vào tâm trí con suy nghĩ: “Con lớn rồi, đừng làm cho ba phải đánh con nữa”.

Quả nhiên, Nhất ngoan hẳn, làm gì cũng cân nhắc “ba có vui không, có hài lòng không”. Nhắc lại chuyện cái roi, Nhất cười: “Hồi nhỏ bị ba kiểm soát, tức lắm, nhưng lớn lên tôi mới biết được ba kèm cặp cặn kẽ là một vận may trong đời. Có tài, phải có đức. Có võ phải có đạo, câu này ba không nói nhiều, chỉ nói một lần thôi, vậy mà tôi nhớ đến tận bây giờ”. 

Tuấn Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI