“Công tử Bạc Liêu thứ 2”:Ly hôn, sài hết tiền rồi cùng nhân tình về xin ở nhà vợ cũ

24/07/2016 - 11:22

PNO - Tiêu tiền không tiếc tay, được mệnh danh là “Công tử Bạc Liêu thứ 2”. Ông còn bỏ vợ rồi cặp kè với một người phụ nữ khác, đến khi tiêu hết tiền, ông đành đưa nhân tình về ở nhờ nhà vợ cũ...

Là một trong những nạn nhân của vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, ông K. bị gẫy chân, sai khớp vai và được hưởng khá nhiều tiền đền bù và hỗ trợ. Tuy nhiên sau tai nạn ấy, ông như trở thành một người khác, tiêu tiền không tiếc tay, được mệnh danh là “Công tử Bạc Liêu thứ 2”. Ông còn bỏ vợ rồi cặp kè với một người phụ nữ khác, đến khi tiêu hết tiền, ông đành đưa nhân tình về ở nhờ nhà vợ cũ và cũng được người này chấp nhận.

“Công tử Bạc Liêu thứ 2”

Hoàn cảnh bi hài này là của ông Lưu Văn K. (SN 1964, trú tại ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Mấy chục năm trước, ông K. xây dựng gia đình với bà Lê Thị D. (SN 1962). Ngày đó hai vợ chồng ông ra ở riêng với hoàn cảnh vô cùng nghèo khó. Không có ruộng đất, đến mảnh đất cất nhà cũng không có nên họ phải đi mướn một mảnh đất nhỏ ở vị trí gần chân cầu Cần Thơ ngày nay để dựng căn nhà tạm sống qua ngày.

“Cong tu Bac Lieu thu 2”:Ly hon, sai het tien roi cung nhan tinh ve xin o nha vo cu
Bà D. được nhiều người khâm phụ vì sống bao dung

Trong căn nhà tạm bợ đó, hai vợ chồng ông cũng có thời gian khá hạnh phúc. Hai người sinh được 3 cậu con trai. Hàng ngày hai vợ chồng đi mò cua bắt ốc trên sông rạch về bán lấy tiền nuôi con. Cuộc sống cứ thế trôi đi, 3 người con của ông cũng trở thành những chàng thanh niên sức dài vai rộng.

Khi dự án cầu Cần Thơ khởi công, ông cùng cả 3 người con tới xin làm việc tại công trường theo công nhật. Công việc của cha con ông phụ thuộc vào sự chỉ đạo của chỉ huy công trường, khi thì làm phụ hồ, khi thì dọn dẹp công trường. Thu nhập một người mỗi ngày cũng được 150.000 đồng. Tiền công như vậy là tương đối cao so với giá vàng khi đó chỉ 1,5 triệu đồng/chỉ.

“Khi đó tôi đã nhẩm tính, với việc cả 4 cha con cùng đi làm như vậy thì sau khi cây cầu hoàn thành, gia đình tôi cũng có được một khoản tiền kha khá. Vậy nhưng không ngờ, khi vừa làm được một thời gian ngắn, còn 2 ngày nữa là lĩnh tiền lương của tháng thứ 3 thì xảy ra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ”- ông K. chia sẻ.

Theo ông K. khi đó cả 4 cha con ông đang làm việc ở độ cao khoảng 30m so với mặt đất, bỗng nhiên tất cả đổ sập xuống và ông ngất lịm đi không biết gì nữa, tới khi tỉnh lại thì thấy mình đang trong bệnh viện. Hậu quả của vụ sập cầu đó khiến 2 người con của ông K. tử vong tại chỗ; ông K. bị gẫy chân và sai khớp bả vai; một người con còn lại của ông K. may mắn chỉ bị thương nhẹ.

Ngày ông Khởi được xuất viện cũng là ngày hàng loạt nhà hảo tâm về xã Mỹ Hòa (TX. Bình Minh , Vĩnh Long) làm từ thiện. Họ về đây để cảm thông, chia sẻ với nỗi đau của những nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ.

“Cong tu Bac Lieu thu 2”:Ly hon, sai het tien roi cung nhan tinh ve xin o nha vo cu
Căn nhà của bà D. ngay sát nhà ông K và bà L. ở nhờ

Hơn ai hết, ông K. chính là nạn nhân được nhiều người tìm đến nhất. Nhận được tiền hỗ trợ từ nhà nước, mạnh thường quân những tưởng ông K. sẽ tập trung lo cho kinh tế gia đình, cho người vợ vốn đã phải chịu trăm ngàn nỗi đau thì ông K. lại dùng nó để biến mình thành một con người hoàn toàn khác.

Từ một lão cố nông, lo ăn từng bữa và suýt chút nữa thì về gặp Diêm Vương thì nay ông đã trở thành một người có tiền, một đại gia xứ miệt vườn. Có tiền trong tay, ông K. lại quên luôn cái mơ ước rất bình dị khi xưa là sửa lại cái nhà, mua vài công đất trồng hoa quả để hưởng nốt quãng tuổi già an nhàn. Cũng từ ngày có tiền, ông K. cũng biết ăn diện, tỏ ra sành sỏi hơn với đời. Trong dư luận đến nay vẫn còn tồn tại một câu chuyện về ông rằng ông từng lấy một đồng tiền làm mồi lửa để châm lửa hút thuốc lá. Người ta còn đặt cho ông K biệt danh là “Công tử Bạc Liêu thứ 2”.

Cũng từ khi có tiền, cuộc sống gia đình ông K. xảy ra rất nhiều xáo trộn, ông mặc sức ăn chơi, bỏ bê luôn cả vợ con. Có thời gian, ông K. còn bỏ đi khỏi nhà một thời gian dài, tiêu sài hết rất nhiều tiền. Và đặc biệt là sau khi trở về, ông liền đòi ly hôn với vợ để sống chung với một người phụ nữ khác.

Đưa nhân tình về ở nhờ nhà vợ cũ

Người phụ nữ mà ông K. quyết bỏ vợ để sống cùng cũng là vợ của một nạn nhân trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, đó là bà Nguyễn Thị L. (SN 1975). Bà L. trẻ trung và có nhan sắc hơn hẳn người vợ già của ông K. khiến ông mê mẩn. Từ khi gặp bà L., ông K. dường như quên hết những tình cảm với người đã từng “đầu ấp tay gối”, từng cùng ông vượt qua bao khó khăn gian khổ. Còn bà L. thì chấp nhận sống chung với ông K. như vợ chồng mà không cần cưới hỏi hay đăng ký kết hôn gì, mặc cho mọi người phản đối.

Khi chồng tuyên bố ly hôn, bà D. đã dùng mọi cách níu kéo, bà còn mạnh tay bỏ ra hàng chục triệu đồng để “trùng tu” nhan sắc nhưng rồi bà cũng đành chấp nhận rằng mình vẫn không thể đẹp được bằng bà L.. Sau khi ly hôn, bà D. ở vậy nuôi con. Số tiền được đền bù và hỗ trợ trong việc 3 người con thương vong được bà D. chi tiêu rất hợp lý. Ngoài việc xây dựng dựng 2 căn nhà, (một cho mình, một cho con trai) bà D. dành hết để mua đất vườn trồng cây ăn trái. Từ chỗ phải đi ở nhà, bà D. có 2 căn nhà khang trang, và có một vườn cây ăn trái cho thu nhập ổn định.

“Cong tu Bac Lieu thu 2”:Ly hon, sai het tien roi cung nhan tinh ve xin o nha vo cu
Ông K. chia sẻ với PV

Trong khi đó, về phần ông K. sau khi ly hôn vợ để sống cùng nhân tình, ông cũng được hưởng toàn bộ số tiền đền bù và hỗ trợ cho việc ông bị thương sau tai nạn, tổng cộng lên tới khoảng 400 triệu đồng. Tuy nhiên trong một thời gian ông chỉ ăn chơi nên số tiền này cũng tiêu tan hết. Mặc dù bà L. cũng là người chí thú làm ăn và khuyên ông K. nên tiết kiệm nhưng ông này không chịu nghe lời.

Trong quá trình chung sống với bà L., bà này đã sinh với ông K. 2 đứa con, một đứa năm nay mới 5 tuổi, còn đứa nhỏ vừa được 2 tuổi. Do bị mất sức lao động nên giờ đây ông K. chỉ có thể ở nhà chăm con. Thu nhập hàng ngày đều trông chờ vào công việc nuôi gà vịt và làm thuê làm mướn của bà L.

Cách đây hơn một năm, căn nhà tạm bợ của ông K. cũng bị sập mà không có tiền sửa chữa nên không có nhà ở. Không tiền bạc, nhà cửa, ông K. và bà L. đã sống nhờ vả khắp nơi. Đã có lúc ông Khởi còn phải ngủ trong chuồng bò của nhà hàng xóm. Cuối cùng, không còn cách nào khác, ông K. đành đưa nhân tình về xin ở nhờ nhà vợ cũ mà ông đã nhẫn tâm phụ bạc.

Là người phụ nữ rộng lượng nên bà D. đã chấp nhận cho chồng cùng “tình địch” ở nhờ. “Tôi nghĩ tôi với ông K. dù đã hết tình thì cũng còn nghĩa, lại thấy các con của cô L. còn nhỏ nên tôi chấp nhận cho ông K. ở nhờ. Tôi bảo người con trai dọn sang ở cùng trong căn nhà của mình, để dành trọn cả căn nhà người con cho ông K. và nhân tình mượn”.- bà D. chia sẻ.

Bà D. cũng cho biết, bà không giận ông K. đã bỏ bà, cũng không hận bà K. đã “giật” chồng của bà. Bà nghĩ mình già rồi nên chỉ cần sống an phận, có con cháu hiếu thảo là vui rồi. Hiện tại bà D. và bà L. sinh sống rất hòa thuận, hàng ngày bà D. còn thường xuyên sang tâm sự, giúp đỡ bà L chăm sóc những đứa con nhỏ.

Bà L. cho biết ban đầu bà cũng có chút ái ngại với người vợ cũ của ông K. nhưng rồi thấy bà D. sống bao dung nên bà cũng thấy thoải mái. “Trước khi đến với ông K, tôi cũng không bao giờ nghĩ ra cảnh tượng éo le như vậy. May là chị D. là người rộng lượng, cho ở nhờ chứ không thì tôi và ông K. cùng các con chưa biết sẽ phải sống khổ sở thế nào”.- bà Loan chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng ấp Mỹ Hưng 1 cho biết: “Việc ông K. tiêu sài hoang phí như Công tử Bạc Liêu ở đây ai cũng biết. Bà L. sống cùng với ông K. cũng chẳng nhờ và được gì vì tiền bạc ông ấy đã tiêu gần hết từ trước đó. Việc bà D. cho ông K. và nhân tình ở nhờ là một việc khiến nhiều người khâm phục. Hiếm thấy có người phụ nữ nào có lòng bao dung, rộng lượng như vậy”.

Mạnh Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI