Gương sáng mẹ chồng

21/02/2019 - 06:00

PNO - Một mùa xuân nữa lại về, mẹ chồng lại thêm tuổi, sức khỏe ngày càng giảm. Sinh-lão-bệnh-tử là quy luật khó tránh, phận con cháu, chúng tôi chỉ biết noi gương mẹ sống tốt, chắc mẹ vui rồi.

Tôi về làm dâu, sống chung với mẹ chồng. Ba chồng mất trước khi chúng tôi cưới hai năm. Nhà mẹ chồng thường xuyên có khách tới thăm. Ban đầu, tôi cảm thấy không thoải mái vì sự xuất hiện của họ. Sau tôi dần cảm nhận họ không phải là khách, mà như người nhà: tự nhiên, chân thành. Họ là đám cháu chồng của mẹ. Ngày trước, ba mẹ chồng từng cưu mang hết đứa cháu này đến đứa cháu khác nên họ mang ơn.

Quê ba chồng tôi ở miền Trung, đứa cháu nào vào Sài Gòn làm việc hay học tập, đều về nhà ba mẹ ở. Mẹ chồng không quan trọng chuyện tiền bạc, miễn được giúp các cháu một phần, dù khi ấy ba mẹ không khá giả gì. Tuy vậy, hằng tháng, ở quê đều đặn chuyển gạo vào, thỉnh thoảng đóng thùng gửi thịt heo, gà, vịt, có khi rau củ nữa. Đôi bên cứ biết điều như thế nên các cháu rất thoải mái ở với ba mẹ chồng tôi, thậm chí có đứa ở tới lúc lấy chồng mới chịu rời đi. Các anh chị ấy luôn nhắc rằng, suốt đời mang ơn ba mẹ chồng tôi, vì ngày trẻ được sống một nơi an toàn, được dạy bảo, nhờ thế mà nên người. Mẹ chồng tôi thì chẳng cần ai mang ơn, mà luôn tự dặn mình biết hỷ xả, sống cho đi. 

Guong sang me chong
 

Mẹ chồng tôi bây giờ đã già. Tuy chưa lú lẫn nhưng xương khớp, tiểu đường, huyết áp, máu nhiễm mỡ, toàn bệnh khó nhằn “vận” đồng loạt vào mẹ. Cộng thêm mắt mờ, nghe kém, tay chân yếu đã nuốt chửng sự nhanh nhẹn, hoạt bát của mẹ. Chưa kể, từ ngày chồng mất, tưởng chừng bà không thể sống nốt quãng đời còn lại. Dù thời gian đã xoa dịu nỗi đau nhưng nỗi nhớ chồng vẫn kéo dài, mà với bà là dài tới lúc nhắm mắt. Sống với người có tấm lòng độ lượng như mẹ chồng, bao nhiêu suy nghĩ tiêu cực của tôi tan biến. Tôi luôn dặn lòng không làm mẹ buồn, vì mẹ vốn nhạy cảm, hay nghĩ ngợi, nhất là khi thấy mình già, bất lực, sống phụ thuộc con cháu. 

Sau tết, tôi thường có thói quen đi mười chùa mới cảm thấy lòng nhẹ nhõm. Nhưng sau mấy năm làm dâu mẹ, tôi bỏ thói quen đó. Bởi vì, sống với mẹ, tôi tin rằng đi bao nhiêu chùa, đốt bao nhiêu nén nhang cũng không bằng giúp người, với những việc làm cụ thể, thiết thực. May mắn không phải bỗng dưng có, mà chính từ nỗ lực cải thiện tâm tính bản thân. Như chuyện hai đứa cháu của ba chồng tôi, có quan hệ họ hàng xa lắc xa lơ, cũng từng được tôi chăm sóc, chỉ dạy, để bây giờ, đối với gia đình nhà chồng, tôi nổi như cồn vì sự độ lượng, rộng rãi. Học hỏi cách sống của mẹ chồng, tôi nghiệm ra rằng, nhà có thêm người, có thể chật hơn chút xíu, đôi khi thiếu tự do chút xíu, nhưng nếu vô tư nghĩ mình đang giúp người thì mọi cân nhắc, suy xét, bực dọc sẽ từ từ rời khỏi ta. Nhà có thêm người, việc nhà các cháu chia nhau làm, nhiều năm nay tôi ít động tay lau nhà, dọn dẹp, nên có thời gian để thư giãn, chăm sóc mẹ chồng. 

Trong gia đình, tôi là tay hòm chìa khóa, mọi chuyện các cháu đều về thưa trình cung kính. Nhưng tôi không bao giờ quên thưa lại với mẹ chồng, bởi trong nhà, không kính mẹ thì ai kính tôi? Cách tôi thể hiện với mẹ chồng, không cần chỉ dạy, con cháu cũng cảm nhận được, tự chúng đã thay đổi cách xử sự sao cho đúng đắn nhất. Đó chẳng phải là cái tôi nhận lại, là niềm vui hay sao? Ở đời, chia sẻ, cho đi mới quý, nhưng không phải ai cũng làm được. Tôi may mắn đã học được điều ấy từ mẹ chồng. Chuyện gì của ai, mẹ đều nghe với thái độ thông cảm chứ không trách móc. Mẹ hay tìm những điểm tốt của người khác để san lấp lỗi lầm nếu có của họ. 

Một mùa xuân nữa lại về, mẹ chồng lại thêm tuổi, sức khỏe ngày càng giảm. Sinh-lão-bệnh-tử là quy luật khó tránh, phận con cháu, chúng tôi chỉ biết noi gương mẹ sống tốt, chắc mẹ vui rồi. 

Thái Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI