'Giám đốc hạnh phúc' nhà mình

18/10/2019 - 15:30

PNO - Thử ví gia đình mình là một công ty, bạn có muốn nghiên cứu và vận dụng khoa học hạnh phúc để gia tăng sự lãng mạn, êm ấm?

Khoa học về hạnh phúc không còn mới lạ ở nhiều nước trên thế giới. Như ở Hà Lan, chuyên ngành hạnh phúc, bộ môn hạnh phúc được giảng dạy trong các trường đại học, có mã ngành hẳn hoi. Ở các công ty, có cả chức danh giám đốc hạnh phúc, bởi họ tin rằng hạnh phúc giúp cho nhân viên điều tiết cảm xúc tốt, kết nối tốt, hăng say làm việc, doanh số gia tăng và công ty phát triển bền vững. 

Thử ví gia đình mình là một công ty, bạn có muốn nghiên cứu và vận dụng khoa học hạnh phúc để gia tăng sự lãng mạn, êm ấm?  

'Giam doc hanh phuc' nha minh

Ảnh minh họa

Vui sướng + khổ đau = hạnh phúc

Ngày Quốc tế Hạnh phúc được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chọn là ngày 20/3 hằng năm. Một sự chọn lựa ngẫu nhiên? Thực ra, ngày này rất đặc biệt khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo nên có độ dài ngày và đêm bằng nhau. Một thông điệp được nhắn gửi từ ngày Quốc tế Hạnh phúc: hạnh phúc nảy nở trên nền của sự cân bằng và hài hòa của vũ trụ, giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực… 

'Giam doc hanh phuc' nha minh
PGS-TS Lê Ngọc Văn - người dành nhiều tâm huyết cho công trình nghiên cứu mang tên Hạnh phúc của mình

Gia đình ai cũng có lúc sóng gió, nhưng hạnh phúc vẫn hiện hữu trên chiếc giường, trên mâm cơm nhà mình. Hạnh phúc không chỉ là những điều tốt đẹp. Bài thơ hạnh phúc được ráp vần bằng niềm vui sướng và nỗi khổ đau. Cộng trừ thế nào, miễn niềm vui lấn át thì vẫn cảm thấy đáng sống. 

Chị Thùy Trang (H.Bình Chánh, TP.HCM) có chồng nghiện rượu, thường xuyên thất nghiệp. Chị phải gồng gánh gia đình, nuôi hai con ăn học. Ai hỏi: “Sao chị phải khổ vậy? Bỏ quách chồng cho xong để còn tận hưởng hạnh phúc riêng của mình”, chị chân thành đáp: “Khổ thì cũng có khổ, nhưng được cái anh thương chị lắm. Lần đưa chị đi mổ ruột thừa, ảnh cuống cuồng gom đồ, bắt xe, dìu chị đến bệnh viện. Giao chị cho bác sĩ rồi, ảnh mới tỉnh hồn, phát hiện chân chỉ mang… một chiếc dép. Đâu có ai hoàn hảo nên phải sống nương vào nhau. Chị giúp ảnh cai rượu, giờ ảnh đỡ hơn trước rồi. Vợ chồng cố gắng rồi sẽ ổn thôi”. 

Cuốn sách Hạnh phúc của người Việt Nam - khái niệm, cách tiếp cận và chỉ số đánh giá (nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM) được PGS-TS Lê Ngọc Văn biên soạn dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài độc lập cấp quốc gia “Hạnh phúc của người Việt Nam: quan niệm, thực trạng và chỉ số đánh giá”, do chính tác giả là chủ nhiệm đề tài, Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí, đã được “trình làng” vào quý III/2019. Đây được xem là một công trình nghiên cứu có hệ thống, quy mô quốc gia đầu tiên tại Việt Nam về hạnh phúc (với khảo sát gần 3.000 người).

 Hạnh phúc là cảm nhận chủ quan của cá nhân mỗi người, nên khó đo lường một cách trực tiếp, mà chỉ có thể đo lường gián tiếp thông qua trung gian. Trong nghiên cứu này, mức độ hạnh phúc được đo lường thông qua ba chỉ báo gộp trung gian là sự hài lòng về điều kiện kinh tế - vật chất, môi trường tự nhiên (ăn, mặc, ở, việc làm, thu nhập, tiện nghi sinh hoạt…); sự hài lòng về quan hệ gia đình - xã hội (quan hệ gia đình, con cái, họ hàng, láng giềng, bạn bè, nơi làm việc, vị thế, địa vị xã hội, an ninh…); sự hài lòng về đời sống cá nhân (sức khỏe, học vấn, năng lực, thời gian nghỉ ngơi, giải trí, niềm tin vào con người, xã hội, đời sống tinh thần, tâm linh…).

Người Việt Nam có “gen hạnh phúc”?

Một phát hiện từ quá trình nghiên cứu đề tài này khiến PGS-TS Lê Ngọc Văn cho rằng, người Việt Nam có “gen hạnh phúc”. Người Việt Nam thường dễ tính, thân thiện, hay cười, gặp khó cũng cười. Người Việt Nam rất lạc quan, yêu đời - và đó chính là yếu tố làm nên hạnh phúc. Họ đánh giá tích cực về tất cả các lĩnh vực cơ bản của cuộc sống, thông qua những trải nghiệm và mục tiêu đạt được, hay thỏa mãn các mong muốn và nhu cầu cá nhân.

'Giam doc hanh phuc' nha minh
Ảnh minh họa

Nghiên cứu sinh học về gen, người ta nói người hạnh phúc có sẵn tâm trạng hạnh phúc. Người nào vui vẻ, họ sẽ hạnh phúc. Gen di truyền chiếm đến 45%, còn lại thuộc về quan hệ xã hội, môi trường sống… Kết quả điều tra cho thấy người Việt Nam rất lạc quan, chỉ số hạnh phúc chung đạt mức tương đối cao: 6,477 điểm (thang điểm 10). 

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy các nhóm xã hội/dân số có những khác biệt nhất định về các mức độ hạnh phúc. Nhìn chung, nam giới hạnh phúc hơn nữ giới. Một giả thiết đặt ra là nam giới Việt Nam không gia trưởng, hoặc có gia trưởng mà không nhiều, hoặc có gia trưởng nhưng không đến mức mất hạnh phúc.

Thuận vợ thuận chồng, chia sẻ, bàn bạc, thống nhất cùng giải quyết vấn đề là những yếu tố mang lại hạnh phúc cho gia đình. Ngược lại, gia trưởng, độc đoán là rào cản của hạnh phúc. Trong một nghiên cứu khác, đàn ông Hàn Quốc có mức độ hạnh phúc kém hơn nhiều so với phụ nữ vì nhiều ông quá gia trưởng, trong khi mức độ hạnh phúc của đàn ông Việt Nam lại nhỉnh hơn phụ nữ một ít. 

Kết quả điều tra còn cho thấy thanh niên hạnh phúc hơn trung niên và người cao tuổi; người có trình độ học vấn THCS và THPT hạnh phúc hơn cao đẳng/đại học, tiểu học trở xuống và trung cấp nghề; người sống ở nông thôn đồng bằng hạnh phúc hơn người sống ở nông thôn miền núi, người có mức sống khá giả hạnh phúc hơn người có mức sống trung bình và nghèo…

Riêng ở lĩnh vực quan hệ gia đình - xã hội, hạnh phúc trong đời thực của người được khảo sát có mức độ hài lòng và rất hài lòng về sự hòa thuận của gia đình là 83%, hài lòng về con cháu của mình là 79,6%, hài lòng về quan hệ của mình với họ hàng là 83,6%, hài lòng về quan hệ của mình với láng giềng là 79,3%, hài lòng về quan hệ của mình với bạn bè là 80,3%.

Khi thăm dò về sự buồn phiền - trạng thái cảm xúc đối lập với hạnh phúc, vui vẻ, thì chọn “hoàn toàn không buồn phiền” về vợ/chồng, con cái, họ hàng, bạn bè chiếm tỷ lệ rất cao. Trả lời câu hỏi về những yếu tố gây ra đau khổ, bất hạnh, một tỷ lệ lớn ý kiến tập trung vào yếu tố “gia đình bất hòa” (92,8%), “con cháu hư hỏng” (78%)… Yếu tố có tác động thấp nhất đến đau khổ, bất hạnh là “không có địa vị xã hội” (chỉ 18,6%). 

Để bản thân và cả gia đình, họ hàng, khu phố, công ty… được hạnh phúc thì mỗi người chủ động là “giám đốc hạnh phúc” bằng lối sống lành mạnh, trách nhiệm, quan tâm, yêu thương và tương tác tích cực… Lý tưởng là tất cả “cổ đông” góp vốn như nhau và cùng hưởng niềm vui chung. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI