Giấc mơ hồi hương sau 10 năm trên đất khách

28/10/2019 - 18:00

PNO - Năm đó, tốt nghiệp ngành điều dưỡng và có vốn ngoại ngữ tốt, Ân đi hợp tác lao động rồi lập gia đình với một người bản xứ.

Sinh ba đứa con, hai vợ chồng cũng chỉ đủ ăn đủ mặc nên hơn mười năm sau, Ân mới đưa các con về thăm ngoại.

Đi qua xóm cũ, Ân không tin vào mắt mình. Vùng ngoại ô toàn nhà lá xập xệ năm xưa, bây giờ san sát những ngôi nhà khang trang hiện đại. Tổ ấm cũ giờ đã là ngôi nhà hai tầng. Cơ ngơi này do một tay mẹ gầy dựng, từ thu nhập của quán ăn nhỏ nâng cấp thành nhà hàng tiệc cưới, khi nơi đây đô thị hóa.

Giac mo hoi huong sau 10 nam tren dat khach
Ảnh minh họa

Những người nông dân năm nào bây giờ chộn rộn kinh doanh. Hầu như ai cũng mua bán hoặc mở cơ sở sản xuất gì đó tại nhà. Người xứ mình ân cần vui vẻ, ra đường không quen biết cũng chào hỏi thân tình. Ân nhớ mùa đông lạnh buốt xứ người, sau giờ làm, cúi mặt nhìn tuyết trắng xóa mà bước. 

Cuộc sống chất lượng nhưng phải trả nhiều chi phí, tiết kiệm từng đồng mà cuối tháng không dư bao nhiêu. Nhiều lần Ân rủ chồng về quê vợ sinh sống, anh không bằng lòng. Nghề nghiệp của anh gắn chặt nơi đây, sang Việt Nam anh không biết làm gì để sống.

Ân muốn hồi hương. Mẹ vẫn chừa một khoảng nền mặt tiền để dành cho Ân, các chị em khác đều đã có phần. Ân có thể xây một ngôi nhà, phụ mẹ trông coi nhà hàng hoặc kinh doanh. Nhưng hồi hương có nghĩa là bỏ chồng. Chồng rất thương Ân. Những năm đầu cưới nhau, Ân nhớ nhà, khóc hoài. Anh hồn nhiên bảo Ân không thể cô đơn vì có anh ấy yêu thương và bảo vệ. Những ngày nghỉ, anh đi bộ tập thể dục ven rừng, tranh thủ lượm từng hạt dẻ, hái mớ rau non vì biết vợ thích ăn. Anh dậy sớm lo bữa sáng cho con vì muốn Ân được ngủ thêm một chút.

Hồi hương cũng có nghĩa là làm xáo trộn tất cả cuộc sống của ba đứa trẻ. Các con sẽ xa người cha mà chúng rất đỗi yêu thương. Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của Ân, nhưng chỉ là ngôn ngữ thứ hai của các con. Chúng sẽ chật vật ở trường để có cơ may đuổi kịp bạn bè. Hơn nữa, bọn trẻ sẽ rất buồn khi phải xa những người bạn thân thiết của chúng.

Giac mo hoi huong sau 10 nam tren dat khach
Ảnh minh họa

Hồi hương là sống cho riêng bản thân Ân. Nhưng Ân có chồng, con, một ngôi nhà, một mảnh vườn, công việc và bao nhiêu thứ đang chờ đợi ở mảnh đất đã gắn bó hơn một thập niên. Buổi tối ngồi nói chuyện với mẹ, mẹ lắc đầu sụt sùi: “Không được đâu con. Là phụ nữ có gia đình, gì thì gì, nên nghĩ tới chồng con trước. Con cái của con ở đâu, con phải ở đó. Nhà con là nơi các con của con thuộc về. Miếng đất mẹ cho, con cứ để đó làm của, khi nào muốn bán hoặc xây cất cho thuê thì tùy”.

Lời của mẹ khiến Ân bừng tỉnh. Mẹ cũng đã một thân một mình từ Bắc vào Nam rồi gặp ba. Mẹ ở lại nơi này tảo tần vì ba và chị em Ân. “Nhà là nơi các con của con thuộc về…”. Ân nhổm dậy, với lấy điện thoại trên bàn, mở xem lần nữa các tin nhắn của chồng. Từ hôm mấy mẹ con về Việt Nam, tối nào cha bọn trẻ cũng gọi và nhắn tin thăm hỏi. Ân biết chồng rất cô đơn vì chưa bao giờ ở nhà một mình. 

Khẽ bước sang phòng bên cạnh, Ân đẩy nhẹ cánh cửa, đưa mắt nhìn vào. Ba đứa trẻ tóc vàng xinh đẹp của Ân đang say ngủ; nhìn con Ân lại nhớ chồng. Có quyến luyến quê mẹ bao nhiêu thì Ân cũng phải sắp xếp trở về nhà sớm thôi. 

Quỳnh An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI