Già mới cần người thương mình!

14/04/2017 - 17:04

PNO - Có lần mẹ tôi gặng hỏi chuyện đi bước nữa thì Năm bật khóc, nói mình thương người ta, người ta cũng thương mình nhưng con cái người ta không chịu.

Ký ức của tôi về Năm là hình ảnh một phụ nữ gầy gò, lóc cóc chiếc xe đạp cũ, trước ghi đông treo lủng lẳng những túm bánh tráng muối ớt, bánh phồng tôm, sau xe là thúng chuối sáp luộc, giọng rao trong trẻo.

Gia moi can nguoi thuong minh!
 

Năm rạc người trên chiếc xe ấy đi khắp hang cùng ngõ hẻm của cái phố thị con con này để nuôi hai người con trai ăn học. Mất chồng khi con út còn ẵm ngửa, mấy mẹ con rơi vào cảnh đói nghèo. Năm kể, có lần hai mẹ con ngồi bán chuối sáp ở lề đường, ẵm con trong tay mà mẹ thì đói, con nhỏ nằm nhai rứt núm vú mãi mà chẳng còn giọt sữa nào...

Mẹ tôi có cửa hàng bán quần áo học sinh, năm nào tựu trường Năm cũng đến mua chịu quần áo cho hai con đi học. Mẹ tôi chỉ bán vốn cho Năm, lại bán chịu, Năm trả lần hồi mấy bận mới hết. Mỗi lần đi bán ngang nhà tôi, Năm đều bứt cho tôi khi trái chuối sáp, lúc bịch bánh phồng tôm nhỏ.

Hồi đó Năm còn trẻ, răng đều tăm tắp, gương mặt phúc hậu lắm. Có lần bán hết hàng sớm, Năm qua nhà tôi ngồi nghỉ mệt trò chuyện với mẹ tôi. Trong câu chuyện của Năm, tôi nghe loáng thoáng bác Hai nhà ở xóm trên thương Năm, bác ấy góa vợ, gà trống nuôi con nghĩ cũng tội. Bác Hai làm nghề bốc thuốc Nam, tính cũng hiền hòa dễ mến.

Nhưng Năm còn dò ý hai cậu con trai. Bẵng đi một thời gian, có lần mẹ tôi gặng hỏi chuyện đi bước nữa thì Năm bật khóc, nói mình thương người ta, người ta cũng thương mình nhưng con cái người ta không chịu. Mình thì nghèo nên họ sợ mình bòn rút của cải nhà họ mà ăn. Từ đó, Năm không nhìn đến ai nữa, dù cũng có mấy đám ướm hỏi.

Hơn chục năm sau, các con trai của Năm học thành tài, ai cũng có nhà cửa khang trang trên thành phố. Năm lên ở với cậu con trai út. Thi thoảng mẹ tôi vẫn qua ngó chừng nhà cửa cho Năm. Tôi mừng cho Năm, sau bao cơ cực giờ có thể ung dung an hưởng tuổi già.

Nhưng, mẹ tôi nói Năm cũng chẳng vui gì, sống chung với con dâu cũng phải giữ ý giữ tứ. Bọn trẻ bây giờ hầu như đứa nào cũng mang trong mình những cái xấu của người hiện đại: ích kỷ, suy nghĩ nông cạn. Vì thế, Năm đã bao phen tủi thân. Năm than, ngày nào cũng quanh quẩn lau dọn nhà cửa, nấu nướng rồi chờ các con các cháu đi làm đi học về.

Thức ăn Năm nấu hôm thì chúng chê mặn, hôm kêu nhạt, lúc lại chê Năm chiên cá không giòn... Đúng là “một mẹ già bằng ba con ở”. Nhiều hôm Năm nấu nướng bày biện xong thì bọn chúng kéo nhau đi ăn nhà hàng, Năm giận không đi chung, ở nhà vừa thu dọn vừa khóc.

Một hôm Năm về lại nhà cũ, kêu người tới sửa sang lại. Năm nói, Năm không ở với đứa nào nữa. Con cái về năn nỉ Năm cũng dứt khoát không đi. Năm không giận ai nhưng hai thế hệ khác nhau, khó mà dung hòa. Lại còn chuyện mẹ chồng nàng dâu không thoải mái, nhiều khi ảnh hưởng đến hạnh phúc của các con.

Gia moi can nguoi thuong minh!
 

Năm về đây còn có bà con chòm xóm, đi chợ hỏi thăm người này người kia một chút cũng đỡ buồn. Năm vỡ mãnh đất nhỏ sau vườn trồng rau. Một mình ăn không hết, thi thoảng Năm đem cho mẹ tôi trái mướp hương, bó rau dền. Từ ngày Năm về, bác Hai hay lui tới thăm nom; lần nào cũng mang theo khi thì ít táo đỏ cho Năm nấu gừng trừ ho giải cảm, khi nắm cây chó đẻ uống cho mát gan...

Thi thoảng bác Hai ở lại dùng bữa với Năm. Năm vui lắm. Hôm nào bác Hai đến là Năm đi chợ mua nhiều đồ ăn một chút, ngang qua cửa hàng của mẹ tôi thế nào Năm cũng khoe hôm nay mua món gì đãi bác Hai. Hôm sau đi chợ, Năm lại kể thêm một chặp. Năm khen bác Hai bốc thuốc trị bệnh đau đầu của Năm thiệt hay.

Có hôm Năm trúng gió nằm ngay đơ, bác Hai tới nấu cho nồi nước lá xông, day ấn huyệt một lúc là Năm khỏe hẳn. Bác Hai thường khen Năm nấu cơm ngon, ăn mỗi bữa đầy ba chén; khen món canh chua cá lóc, khen mắm chưng, khen kho quẹt...

 Con cái hai bên giờ đã lớn, thấy mẹ cha cô quạnh cũng ân hận vì ngày xưa đã cản trở hai người đến với nhau. Nhưng lớn tuổi rồi, ai lại cưới xin rùm beng. Năm vừa rưng rưng nước mắt vừa cười khi mẹ tôi nói vui, hay là hai người dọn về ở chung. Năm bảo, thôi thì cứ vui với nhau ngày nào là biết ơn nhau ngày đó, từ nhà Năm tới xóm trên cũng đâu xa xôi gì. 

Hoàng Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI