Em làm mẹ anh tới khi kiệt sức hay sao?

17/05/2019 - 05:30

PNO - Tôi bất lực, kiệt sức vì chồng quá ỷ lại vào vợ. Việc lớn việc nhỏ trong nhà tôi "ôm" hết, điều đáng nói, mẹ chồng tôi bình thản coi đó là phận sự của tôi.

Tôi không phải kiểu phụ nữ thích hơn thua với chồng. Bằng chứng là 16 năm nay, kể từ ngay kết hôn, cũng đi làm như anh nhưng tôi luôn chăm sóc anh còn hơn cả các con. Tất cả mọi việc ngay cả việc vệ sinh cá nhân anh cũng không có năng lực tự lo chu đáo.

Những lúc khỏe mạnh tôi vẫn cam tâm tình nguyện gánh vác cả anh lẫn gia đình gồm mẹ chồng cùng hai con thơ một cách vui vẻ. Thế nhưng mỗi khi kiệt sức, stress vì quá tải, tôi đã bật khóc. 

Tôi tự hỏi mình lấy chồng cũng như bao phụ nữ khác, mong có bờ vai vững chãi để tựa đầu mỗi lúc yếu lòng. Vậy mà giờ đây chẳng những phải chăm sóc anh như đứa trẻ, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều một tay mình vun vén.

Em lam me anh toi khi kiet suc hay sao?
Chồng tôi như một đứa trẻ, tất cả việc lớn nhỏ đều mình tôi gánh vác. (ảnh minh họa).

Quan niệm phụ nữ Á Đông phải nâng khăn sửa áo cho chồng, tôi răm rắp thực hiện chẳng dám sai. Sáng nào cũng vậy, anh la toáng lên: “Em ơi quần áo nào là của anh, sao anh không tìm ra cái quần của mình nhỉ. Ngăn tủ này có phải của anh không em ơi?” Đang nấu ăn sáng cho cả nhà, tôi lật đật chạy lên. Anh không nhớ nổi đâu là tủ quần áo của mình, lục nhầm ngăn đồ của thằng con trai lớn.

Anh ra khỏi nhà vệ sinh và đương nhiên thường xuyên quên dội nước bồn cầu, mặt cũng dính kem cạo râu chưa lau sạch. Tôi tất tả chạy theo cầm khăn lau cằm cho chồng.

Cô bán hàng đồ công sở ở trung tâm thương mại gần nhà đã quá quen với tôi, có lẽ vì tôi là khách hàng kỳ dị nhất cô từng thấy. Chồng tôi có thói quen không bao giờ đi mua quần áo. Trước đây mẹ anh mua mang về cho thử, nếu không vừa bà lại ra tiệm đổi tới khi quý tử mặc hài lòng mới thôi. Từ khi làm vợ anh tôi kế thừa việc này thay cho bà. Có những cái áo tôi phải đi tới đi lui tới mười mấy lần thay thay, đổi đổi, có ai tin không?

Em lam me anh toi khi kiet suc hay sao?
 Kiệt sức vì quá tải, tôi tự hỏi bao giờ chồng mình mới lớn. Ảnh minh họa. 

Đó là việc nhà, kể sơ sơ cũng phải nhiều kỳ mới hết. Tôi còn phải chịu cả áp lực mỗi lần cùng anh ra ngoài giải quyết công chuyện. Hai vợ chồng có căn nhà cho người nước ngoài thuê, theo luật phải đi đăng ký hộ kinh doanh cá thể. Anh là chủ hộ nên đứng tên giấy phép đăng ký kinh doanh.

Lúc ra cơ quan công quyền ký giấy làm thủ tục, anh nói tôi ghi sẵn tên cho anh, anh chỉ ký thôi. Cô nhân viên công chức tròn xoe mắt, hiểu lầm là chồng tôi không biết chữ.

Bóng đèn bị hư, tôi mua bóng nhờ anh thay giùm, anh trả lời tỉnh bơ như không liên quan: "Em ơi anh không phải thợ điện, thợ nước. Em đừng bắt anh làm những việc không đúng chuyên môn". Không lẽ thay có cái bóng đèn phải gọi hẳn thợ điện về thay, thế là tôi lại hì hụi vác thang, tự trèo lên làm.

Tôi được cơ quan cử đi công tác hai ngày, dặn anh ở nhà nhớ đặt đồ ăn cho cả nhà. Lúc tôi trở về bị mẹ chồng mắng vốn: "Sao con đi mà không thu xếp chuyện nhà. Con biết nó mua gì không? Cả ba bữa nó đều mua chè, khoai lang luộc và bắp. Nó là đàn ông sao biết được, con phải lo chứ?”

Hồi tôi đang ở cữ đứa con gái thứ hai, anh về nhà thấy có nồi móng giò hầm đu đủ xanh mẹ tôi nấu sẵn để chăm con gái đẻ. Anh hồn nhiên rủ bạn về mang hết nồi canh móng giò hầm ra nhậu. Mẹ tôi nhìn thấy giận quá nhưng chỉ vào chơi nên không dám nói thẳng. Bà đùng đùng bỏ về quê chẳng lời từ biệt.

Cuộc sống nhiều áp lực, là vợ chồng phải cùng nhau gánh vác, chia sẻ. Tôi vừa giận anh nhưng cũng còn thương. Anh là người tốt, hiền lành, không toan tính, thủ đoạn, và quan trọng tôi vẫn còn rất yêu chồng. Nhiều lúc mệt mỏi quá, tôi thở dài tự hỏi: "Chồng ơi bao giờ anh mới lớn?"

Kiều Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI