Đừng sống vô tình

13/02/2017 - 10:57

PNO - Tự nhủ, việc gì trên đời cũng có cái giá của nó, đừng sống vô tình để không bị dằn vặt day dứt.

Trong cuộc sống bận rộn, đôi khi mải chạy theo cơm áo, thời gian cứ thế trôi, một ngày nhìn lại bỗng thấy những người gần gũi  trở thành xa lạ!  Chúng ta thường đổ lỗi cho sự bộn bề công việc như mỗi ngày phải trèo lên chiếc xe và chạy miết không hề nhìn lại phía sau hay sang phải, sang trái. Để có một ngày , chính sự vô tình ấy đã để lại cho chúng ta  ít nhiều ray rứt. Trong câu chuyện tôi kể sau đây, tôi đã biết kịp nhìn lại.

Ngày xưa, ba tôi là con một nên ông rất thích kết bạn làm “anh em” với nhiều người. Trong số những người “anh em” với ông, có chú Tâm thường xuyên đến nhà chơi. Ba tôi chỉ nói chú Tâm là em họ của ba mà không hề giải thích với chúng tôi em họ như thế nào.

Dung song vo tinh
 

Tuy nhiên, có lần chú Tâm nói với tôi  về mối quan hệ bà con này: “Chú với ba thật ra đâu có họ hàng gì. Con của một người dì họ xa của bố cháu lấy con một người dì của chú”. Câu giải thích loằng ngoằng của chú Tâm cho tôi hiểu ba và chú chỉ là người cùng làng, có mối quan hệ bà con rất lỏng lẻo thông qua một mối quan hệ sui gia lòng vòng theo kiểu nói vui “bắn canh nông không tới”.

Ba tôi rất thương chú Tâm, vì chú nghèo nhưng sống chân thật, biết anh, biết em. Ba cần gì chưa kịp ngỏ lời có chú đến giúp ngay.

Ba tôi mất, mối quan hệ của chú Tâm với gia đình cũng nhợt nhạt dần. Lâu lâu mới thấy chú ghé đến. Thời gian dần trôi, chúng tôi ra  riêng. Bận  bịu bao cơm áo đời thường tôi cũng quên bẵng có chú Tâm là người “anh em” của ba.

Một lần tình cờ gặp lại chú trên phố, thấy chú đang mài dao kéo cho người ta. Tôi mừng rỡ gọi chú hỏi han và được biết, gia đình chú cũng nhiều phen lên bãi xuống gềnh. Đi kinh tế mới, rồi từ kinh tế mới về lại thành phố. Các con chú cũng đã lớn, vợ chú làm nghề giữ trẻ, chú mài dao kéo đắp đỗi qua ngày.

Từ đó, thỉnh thoảng chú Tâm ghé đến nhà tôi chơi. Giống như  ngày xưa chú vẫn đến thăm ba, khi thì mài cho tôi con dao, cái kéo, khi thì sửa cho tôi cái chạn…  Chú ra về  tôi lại biếu chú ít tiền gọi là để chú uống nước hay đi xe ôm, khỏi vác cái đòn đi bộ. Thỉnh thoảng tôi soạn cho chú ít quần áo cũ… 

Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng niềm nở đón chú. Cụôc sống có đôi lúc không thuận lợi, có những lần gặp buồn phiền, hay có những buổi trưa đi làm về mệt  thấy chú dựng cái đòn đứng chờ trước cửa, trong bụng tôi có lúc không hài lòng. Bẵng đi một thời gian dài không thấy chú Tâm đến nhà. Không chỉ tôi thắc mắc mà chồng tôi và các con cũng ngạc nhiên.

Chồng tôi nói: “Sao không thấy  chú Tâm đến, hay là chú mất rồi mà mình không biết!”. Tôi thầm trách mình vô tâm không hỏi nhà cửa chú ở đâu. Có một nỗi  day dứt mơ hồ dằn vặt mãi. 

Trưa nay đi làm về, trước cửa nhà tôi có cái đòn mài dao, kéo chắn ngang.  Tôi lật  đật bước vòng ra sau thấy chú Tâm đang đứng nói chuyện với người hàng xóm. Chưa bao giờ tôi mừng khi gặp chú như lúc này. Chú giải thích lý do lâu nay không đến:

“Vợ chú đau cả nửa năm nay, chú phải ở nhà chăm sóc vợ. Nay thì thím khoẻ rồi, chú mới đi mài dao được”. Tôi hỏi cặn kẽ địa chỉ nhà chú và hứa sẽ ghé thăm vợ chú.

Chẳng phải có mình tôi mừng khi gặp chú Tâm. Chồng tôi về nhà, vừa thấy chú anh buột miệng hỏi to:

“Lâu không thấy chú ghé?”.

Tôi có cảm tưởng câu nói của anh như đã trả lời cho một câu hỏi từ lâu nay vẫn đè nặng trong lòng. Tiễn chú Tâm về tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm làm sao! Tự nhủ, việc gì trên đời cũng có cái giá của nó, đừng sống vô tình để không bị dằn vặt day dứt.

Và cũng từ đó, trong tôi luôn thường trực những câu hỏi bắt buộc phải trả lời:

Ngày nay mình đã nói chuyện với con cái chưa, hay đã ngồi lại bên mẹ lần nào chưa? 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI