Đừng để mạng ảo 'giết' trẻ thật - Bài 2

30/05/2018 - 11:49

PNO - Trước đây, xâm hại ngoài đời và trên môi trường mạng còn có khoảng cách. Nhưng hiện nay, trẻ bị xâm hại trực tiếp trên mạng bằng nhiều thông tin, hình ảnh mang tính bí mật đời tư, thậm chí xuyên tạc.

Bài 1Tuyệt vọng giành con với mạng

“Trước đây, xâm hại ngoài đời và trên môi trường mạng còn có khoảng cách. Nhưng hiện nay, trẻ bị xâm hại trực tiếp trên mạng bằng nhiều thông tin, hình ảnh mang tính bí mật đời tư, thậm chí xuyên tạc. Thế giới mạng gần như không còn phân biệt giữa ảo và thật. Đấy là những vấn đề đặt ra rất cấp bách…”, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng  Cục Trẻ em - báo động về tình trạng xâm hại trẻ trên môi trường mạng. 

Dung de mang ao 'giet' tre that - Bai 2
Ngay khi bé N. tuyệt vọng sinh, nuôi con ở tuổi 14 và từng ngày chờ T. bị pháp luật trừng trị, thì nạn nhân một lần nữa bị xâm hại vì thông tin sai sự thật trên báo mạng.

Xâm hại trẻ bằng tin giả 

Ngày 23/4, bé Đ.T.T.N. (14 tuổi, quê Kiên Giang), nạn nhân vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra trên địa bàn xã Trung An, H.Củ Chi, TP.HCM đã cầu cứu Báo Phụ Nữ TP.HCM khi bị báo mạng loan tin “N. đồng thuận trong vụ việc hiếp dâm”. 

Trước đó, ngày 2/10/2017, gia đình bé Đ.T.T.N. đề nghị can thiệp việc gã hàng xóm xâm hại tình dục khiến N. mang thai. Theo lời kể của N., những ngày mới được mẹ cho lên nhà dì ruột ở xã Trung An, H.Củ Chi chơi, bé đã bị D.M.T. (SN 1989), ở cùng dãy phòng trọ uy hiếp bằng dao để thực hiện hành vi đồi bại. Sau khi thỏa mãn thú tính, T. dọa bé N. nếu báo cho người khác biết, T. sẽ giết. Quá khiếp sợ, bé N. giấu biệt mọi chuyện với gia đình. Sau đó khoảng nửa tháng, thấy cháu cứ buồn, gia đình đưa về H.Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Ngày 12/9/2017, trong giờ thể dục, N. bỗng  ngất xỉu. Mẹ bé N. đã đưa con đến phòng mạch tư khám. Không ngờ, bác sĩ chẩn đoán N. đã mang thai hơn 4 tháng. Lúc này, bé N. mới khóc và kể toàn bộ sự việc với mẹ. 

Ngày 15/9/2017, mẹ của N. quyết định đưa con gái đến Công an xã Trung An, H.Củ Chi tố cáo. Sát tết 2018 (28 tháng Chạp âm lịch), bé N. hạ sinh một bé trai. 

Cho đến thời điểm đầu tháng 5/2018, gia đình nạn nhân ngóng trông kết quả giám định pháp y, chờ đợi cơ quan chức năng khởi tố và bắt T. thì từ ngày 23/4 vừa qua, không biết từ đâu gia đình T. lại có trước kết quả đứa bé mà N. sinh là con của T. và đã mang thịt, sữa đến tận nhà N. xin nhận cháu nội và đòi cưới bé N. Cách đây chưa lâu, ba tờ báo mạng không biết lấy thông tin từ đâu lại loan tin bé N. đồng thuận trong vụ việc này. Cô bé hoang mang, cầu cứu Báo Phụ Nữ TP.HCM và các luật sư ở Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.

Một trường hợp khác cũng bị đưa tin không đúng sự thật trên mạng. M., tên thật là L.T.P.L., 8 tuổi, ở P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM, từng mất tích ngày 11/2 (tức ngày 26 tết vừa qua) khi một mình đón xe buýt đến đường đi bộ Nguyễn Huệ. Ngay sau đó, bé đã được UBND P.5, Q.8 tiếp nhận, báo cáo lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, tạm thời giao về Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Tam Bình. Sau thời gian cơ quan chức năng nỗ lực đăng tải thông tin về bé trên phương tiện truyền thông, ngày 31/3, cha mẹ bé đã tìm ra đứa con gái mất tích sau hơn 45 ngày ròng rã. Trong khi trước đó, ngày 14/2 các báo mạng lại loan tin: “Bé M. đi lạc ra công viên 23 tháng 9, bị một phụ nữ dụ dỗ, thậm chí đánh sưng mặt và ép theo về Q.8 cùng đi xin ăn. Sau đó, bé phải theo tập đoàn ăn xin này do bị chúng đe dọa, đánh đập…”. Chỉ đến đầu tháng 4/2018, khi UBND P.5, Q.8 yêu cầu thì thông tin này mới được các báo mạng cải chính.  

Tiết lộ thông tin con trên mạng là phạm luật

“Qua theo dõi trên mạng xã hội Facebook, tôi nhận thấy có hiện tượng cha mẹ đưa thông tin con lên chỉ để thỏa mãn nhu cầu chia sẻ của mình, câu like, câu view mà quên vấn đề an toàn cho trẻ”, ông Đặng Hoa Nam cảnh báo. Ông dẫn chứng: đôi lúc vài câu trả lời của cha mẹ đã làm lộ thông tin riêng tư của trẻ. Ví dụ như nghe khen bé bụ bẫm quá, mấy tuổi rồi… mẹ sẽ trả lời “bé 7 tuổi”. Bé học ở đâu chị? Bé học trường… Như vậy vô tình, cha mẹ tiết lộ thông tin cá nhân của trẻ… Trong đời sống hằng ngày rất nhiều người vi phạm luật mà không biết. 

Theo điều 21 Luật Trẻ em, trẻ em có quyền bí mật đời sống riêng tư: là quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư; bí mật các hình thức trao đổi thông tin riêng tư; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư. Theo điều 33 Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Thường xuyên tham gia các vụ án liên quan đến trẻ em, luật sư Đoàn Trọng Nghĩa - cộng tác viên Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM - nhận xét: những quy định trong Luật trẻ em và Nghị định 56 hướng dẫn thi hành luật này còn rất mới. Ví dụ điều 37 của Nghị định 56 quy định rất rõ các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Trong đó, cần gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại, giả mạo, xuyên tạc, xâm hại quyền, lợi ích của trẻ em… Tuy nhiên, hiện việc gỡ bỏ này làm rất chậm, thậm chí không có người kiểm soát, quan tâm. 

Vì vậy, để Luật Trẻ em đi vào cuộc sống, cần đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng vấn đề bảo vệ trẻ em trên mạng; đồng thời giáo dục trẻ em có nhận thức và cách tự phòng vệ cho bản thân trên môi trường mạng. 

Phạt hai trường hợp lạm dụng trẻ em trên mạng

Ông Nguyễn Văn Tính - Phó phòng Bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM - cho biết: “Vừa qua, sở đã chỉ đạo xử phạt hai trường hợp người thân của các bé đưa thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Đó là trường hợp cô ruột của một bé ở H.Bình Chánh đưa thông tin cháu mình bị cha mẹ bỏ rơi để xin tiền từ thiện. Và trường hợp ở Q.Bình Tân, bé 7 tuổi phải nghỉ học, chăm em, không có tiền mua sữa cho em. Đáng nói, thông tin giả từ Facebook lại được một báo mạng đăng tải làm mọi người tưởng thật, đã ùn ùn kéo về địa chỉ này cứu trợ. Số tiền cho bé mua sữa nuôi em lên đến vài chục triệu đồng. Trong khi thực tế, mẹ bé không bỏ rơi con, người thân của bé vẫn đủ sức lao động và chăm nom các cháu. 

Thời gian tới, sở sẽ theo sát để xác minh các vụ việc phản ánh trên mạng xã hội để tránh hiện tượng trẻ em bị lạm dụng tương tự".

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI