Đứa con 'gánh nghiệp'

07/08/2019 - 05:30

PNO - Không ít gia đình đông con thường có một đứa... cá biệt. Dân gian còn gọi là “cừu đen”. Bao nhiêu thứ xui xẻo, xấu xa đều dồn hết vào đứa con này.

Nhưng “ông trời sinh ra ta là có lý do của ổng”. Những đứa con “gánh nghiệp” này có phải là gánh nặng của gia đình không?

Trút gánh, vai vẫn còn đau

Tôi tìm về thăm hàng xóm cũ ở khu trường đua Phú Thọ (quận 11, TP.HCM) thì hay tin gia đình anh Tài đã dọn về ở quận 10. Ngày trước tôi khá thân với gia đình này, bởi anh Tài là bạn nhậu của tôi. 

Dua con 'ganh nghiep'
Ảnh minh họa

Theo chỉ dẫn, tôi tìm ra nhà mới của anh Tài trong một con hẻm nhỏ. Không khó để anh nhận ra tôi, còn tôi có chút giật mình. Ở phòng khách, bàn thờ đang nghi ngút khói hương. Anh cho hay, con gái anh mất đã gần 5 năm. Khi sinh ra cháu đã bị não úng thủy, vợ chồng anh chạy chữa khắp nơi, nhưng bác sĩ chỉ bảo: “Về lo cho con, được nào ngày hay ngày đó”. 

Vợ chồng anh có ba đứa con, hai đứa con đầu mạnh khỏe, bình thường, cháu gái bị não úng thủy là con út. Ngày trước anh làm tài xế xe tải, kinh tế gia đình khá giả, sinh đứa con gái út bị bệnh hiểm nghèo nhà anh sa sút hẳn. Vợ anh phải nghỉ làm để chăm con bệnh, riêng anh phải bán chiếc xe tải và chạy taxi thuê. Ngôi nhà lớn do cha mẹ để lại, anh bán đi mua nhà nhỏ hơn, rồi lại bán, mua nhà nhỏ hơn nữa, để có tiền chạy chữa cho con. 

Thi thoảng ngồi nhậu với nhau, anh thường tự trách: “Tại kiếp trước mình vay, kiếp này mình phải trả nợ”. Người ác mồm, ác miệng hay nói vợ chồng anh ăn ở làm sao mới nhận quả báo như vậy. 

Thậm chí hàng xóm còn không giao tiếp với gia đình anh, vì ám ảnh đứa con tật nguyền của họ. Anh nói: “Con do mình rứt ruột sinh ra, có tàn tật thì nó vẫn là dòng máu của mình, dù tốn kém bao nhiêu tôi vẫn cố gắng, để duy trì sinh mệnh cho con”. Vợ anh suốt ngày bận bịu với đứa nhỏ, còn anh vừa lo kiếm tiền vừa lo ăn học cho hai đứa lớn, khiến kinh tế gia đình càng lúc càng suy kiệt. 

Khi con anh mất, tưởng gia đình sẽ trút bỏ được gánh nặng, nhưng không ngờ vợ chồng anh hụt hẫng, suy sụp đến độ vợ anh phải vào bệnh viện tâm thần. Anh cho biết, cho dù con bé chỉ nằm yên một chỗ, nhưng vợ chồng anh đã quá quen thuộc với việc mỗi ngày chăm sóc, thuốc thang cho con. Anh rơm rớm nước mắt: “Nếu phải bán luôn căn nhà này để đi thuê trọ, tôi vẫn mong duy trì sự sống của con bé được ngày nào hay ngày đó”.

Hôm nay là ngày giỗ đầu của anh Long, con trai bà Lụa (ngụ tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Nhà bà Lụa có tới bảy người con, trai gái đủ cả. Anh Long lớn lên như bao trẻ con bình thường khác, thậm chí còn thông minh, học rất giỏi, và thi đỗ vào một trường đại học danh giá. Đùng cái, xảy ra tai nạn giao thông khiến sinh mệnh anh như “ngàn cân treo sợi tóc”. Cuối cùng, bác sĩ đã cứu sống anh, nhưng di chứng để lại nặng nề, anh liệt hoàn toàn từ thắt lưng trở xuống.

Từ ngày anh Long bị tai nạn, đang là niềm hy vọng của gia đình, anh trở thành một gánh nặng. Trong việc chăm sóc anh Long, bà Lụa là chủ lực, các anh chị em thỉnh thoảng ghé thăm, phụ ít tiền mua thức ăn, sữa, tã... Năm năm, mười năm, mười lăm năm, thời gian và việc dìu đỡ con nặng nề, vất vả đã “bẻ còng” lưng bà Lụa. Tất cả trở nên xa xỉ với bà dù là một bữa ăn thảnh thơi, một đêm ngủ thẳng giấc, hay một bữa tiệc vui vầy cùng họ hàng. “Gánh nặng” gia đình bà Lụa vừa được cởi bỏ vào năm ngoái khi anh Long bị sốt xuất huyết và qua đời. 

Bà Lụa chẳng buồn tiếp khách tới thắp nhang cho con trai. Từ ngày anh mất, bà Lụa hụt hẫng hẳn. Ngày nào bà cũng ra cửa ngóng đợi anh Long về, anh chị em của anh Long cũng vậy. Tưởng chừng họ trút được “gánh nặng” phải đeo mang cả đời, thay vào đó là sự hối tiếc lẫn ân hận. Anh chị em quây quần trong ngày giỗ anh Long, sáu anh chị em nhìn nhau: một sự thiếu vắng không còn cơ hội để bù đắp lại được nữa. Trong men rượu, anh trai anh Long đã không còn giấu được cảm xúc của mình: “Giá mà mày đừng mất! Giá mà tao quan tâm mày nhiều hơn, Long ơi...”.

Dua con 'ganh nghiep'

Ảnh minh họa

Trong họa có phúc

Gia đình bà Sáu khi dọn về xóm tôi ở, trở thành gia đình giàu nhất xóm. Hai con gái của bà Sáu, một chị lấy chồng có tiệm buôn bán xe máy, một chị lấy chồng là giám đốc một thương hiệu bia nước ngoài. Hai người con trai lớn cao ráo đẹp trai cũng đang ngấp nghé lấy vợ giàu có. Người con trai út tên Lâm bệnh tâm thần từ nhỏ. Hàng xóm láng giềng hay nói, bao nhiêu cái đẹp, cái tốt, bốn người con của bà Sáu lấy trọn, dành hết phần xấu xí, thiệt thòi cho anh Lâm.

Anh Lâm bệnh tâm thần nhưng rất hiền. Chẳng riêng gì hàng xóm, mấy anh chị em trong nhà vẫn gọi anh là “Lâm khùng”. Hằng ngày anh Lâm hay đi lang thang khắp đường phố, quần áo nhếch nhác, bẩn thỉu; trời nắng gắt, anh lại cười nói vu vơ. Đối với gia đình bà Sáu, anh Lâm thật sự là một gánh nặng, khiến bà Sáu mất mặt với thông gia, với hàng xóm. Có nhiều lúc bà vất vưởng đi tìm anh Lâm khi anh bỏ nhà ra đi, bà hay rủa: “Sao mày không chết luôn đi cho tao nhờ?”.

Anh Lâm là người con “không có còn hơn” của bà Sáu, cho đến một ngày thay đổi vận mệnh cả gia đình bà. Hai cô con gái của bà đang yên bề gia thất, đùng một cái bể nợ vì dính tới cờ bạc. Bao nhiêu tiền bạc cuốn gói ra đi, hai chàng rể chịu hết thấu đưa đơn ly hôn. Máu cờ bạc ăn vào người, hai cô con gái càng thua càng cay cú, bán hết nhà cửa để thử vận đỏ đen. Kết quả là một cô âm thầm “tha phương… trốn nợ”, một cô bị công an bắt quả tang khi tham gia một đường dây cờ bạc tổ chức quy mô lớn, phải đi tù.

Hai anh con trai bà Sáu dính vào heroin trở thành con nghiện. Để đáp ứng nhu cầu, hai anh tham gia bán ma túy, bị công an bắt và cũng vào tù. Từ gia đình khá giả, bà Sáu mất hết tất cả. “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”, bà Sáu bị đột quỵ, may mà còn giữ được mạng sống. Bốn đứa con, đứa tù tội, đứa trốn biệt xứ, để lại cho bà Sáu bốn đứa cháu còn nhỏ dại và anh Lâm khùng.

Bà Sáu bán nhà rồi thuê nhà trọ để ở, sau cơn đột quỵ, sức khỏe bà rất kém, nhất cử nhất động đều cần dìu đỡ. Mẹ bệnh, kinh tế gia đình sa sút, các anh chị gặp nạn, tâm trí anh Lâm tự dưng được “đánh thức”. Anh không còn lang thang xin cơm của người ta ăn nữa. Hằng ngày anh đi bán vé số để giúp gia đình có cái ăn từng bữa. Thấy anh tội nên mọi người cùng nhau mua vé số giúp đỡ để anh Lâm có tiền lo cho cháu nhỏ và mẹ già. Hàng xóm thấy vậy thường nói: “May mà còn có thằng Lâm khùng, nếu không bà Sáu chẳng còn biết dựa vào ai”.

Không may mắn, sinh ra đã bệnh tật, bao nhiêu cái “tội” đổ lên đầu người con “cừu đen” này. Nhiều trường hợp “cừu đen” bị ruồng rẫy, ngược đãi, thậm chí bị bỏ rơi. Những hành động tồi tệ ấy không che giấu được, bạn đời, con cháu sẽ nhìn vào và sao chép cách đối đãi như thế với “cừu đen” và với nhau; đánh mất giá trị gia đình: hiếu thảo, yêu thương, bao dung và đỡ nâng.

Mỗi người chúng ta đều có lý do để xuất hiện trong cuộc đời này, không ai đến với thế giới này và ra đi một cách vô nghĩa. Anh Tài - tài xế xe tải trước kia là một tay ăn chơi có tiếng, “tứ đổ tường” món nào anh cũng rành; nhưng khi đứa con gái tật nguyền của anh ra đời, anh thay đổi hẳn tâm tính. Anh yêu thương vợ con nhiều hơn, quan tâm tới gia đình nhiều hơn. Khi con gái bạc phận qua đời, anh dành hết tình cảm cho vợ và hai đứa con còn lại, đồng thời sống trách nhiệm hơn.

Hay như câu chuyện gia đình bà Sáu, có ai ngờ một ngày nào đó đứa con “không có còn hơn” trở thành trụ cột bất đắc dĩ trong gia đình. Cuộc đời không thể đoán trước được điều gì sẽ đến với chúng ta. Mọi thành viên trong gia đình đều bình đẳng, không ai là gánh nặng của ai. Có những thứ mất đi con người ta mới biết trân trọng và gọi đúng tên của nó. Tôi còn nhớ lời của người anh trai trong đám giỗ anh Long: “Giờ còn có sáu anh em, tụi mình phải sống làm sao để thằng Long ở thế giới bên kia không chê cười là được”. 

Phùng Hiếu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI