Dạy trẻ lòng biết ơn

20/05/2017 - 12:03

PNO - Đừng trách trẻ vô ơn nếu ta chưa từng tạo điều kiện cho trẻ biết thế nào là sự cảm kích cũng như bày tỏ niềm biết ơn trước mọi điều tốt lẫn chưa tốt xảy đến cho mình.

Không ít lần khi dẫn các con đi ăn, tôi nhìn thấy những em bé mặt nặng mày nhẹ, thậm chí hất cả muỗng đồ ăn khi ba mẹ dỗ dành đưa tới. Nhiều em gào lên: con không ăn cái này, con không ăn cái kia…

Không riêng gì bên ngoài, ngay trong gia đình, nhiều khi hì hụi cả hai tiếng đồng hồ để chuẩn bị bữa ăn, cuối cùng dọn lên tôi chỉ nghe tiếng phàn nàn, người thì không dùng rau, người không ăn cá…

Day tre long biet on
Ảnh minh họa

Thường thì tôi phàn nàn, than vãn, kể công, nói về sự mệt mỏi của mình và cả sự vô ơn của con. Có lần tôi đùng đùng nổi giận khi thấy “ông” con sau màn kèo nhèo, lẳng lặng xuống bếp xách chai nước tương lên xịt vào cơm.

Điều đó đồng nghĩa với chuyện bữa cơm và hai giờ đồng hồ mẹ “ổng” chuẩn bị chỉ là con số không tròn trĩnh. Tôi biết mình không phải là người mẹ duy nhất đi làm về vật vã lao vào bếp nấu cơm và sau đó vật vã với chuyện “kể khổ”.

Có một lần, thay vì ca cẩm bài ca cũ, thay vì nổi giận, tôi tự hỏi tại sao con hành xử như thế. Và rồi tôi buột miệng: “Mẹ nên làm gì để con biết trân trọng bữa ăn?”. Thật ngạc nhiên, con suy nghĩ một chút rồi đề nghị: “Hay mẹ kể lại chuyện gì đó về người nông dân phải vất cả gieo mạ, trồng lúa, gặt lúa, rồi bị thiên tai, rồi mất trắng gì đó cho con nghe đi, có khi con thấy ăn ngon hơn vì thấy người ta cực khổ”.

Con làm tôi suy nghĩ, có thể lắm, một trong những điều con và các bạn đồng trang lứa thiếu thốn không phải là thông tin mà chính là lòng biết ơn và niềm cảm kích. Có thể lắm, vì các con được nuông chiều quá, được đáp ứng ngay cả những điều mà các con còn chưa đòi hỏi tới. Và càng đòi hỏi, càng được đáp ứng, con càng không thấy vui. Cũng có lẽ là các con chưa học được bài học về giới hạn…

Tôi chưa nghĩ ra mình sẽ phải nói chuyện như thế nào với con về giới hạn. May thay, trước giờ đi ngủ, con tình cờ chọn một câu chuyện có tên là “Niềm vui ở đâu?”. Chuyện kể về một chú heo không bao giờ thấy vui cả. Một ngày chú quyết định lên đường đi tìm niềm vui. Và rồi có người đã dạy cho chú niềm vui ở chỗ chú đã giúp đỡ người khác.

Khi giúp đỡ, làm người khác vui, chú cũng đã tìm thấy niềm vui của mình. Tôi hỏi con mình, vậy thì niềm vui của con ở đâu? Đứa thì vui vì được đọc sách, đứa thì vui vì được chơi với bạn, đứa thì vui vì được nghỉ học… Tôi vẫn tiếp tục hỏi về niềm vui của con. Bé nào cũng hào hứng nói.

Và rồi, cậu con trai, người ưa “kiếm chuyện” nhất cũng đã sút đường bóng quyết định vào khung thành mà tôi đang giăng bẫy: “Con cũng thấy vui khi con giúp bạn Thái Bảo vẽ hình gia đình, bạn biết tô màu nhưng không biết vẽ. Khi bạn ấy vui con cũng thấy vui”. Khi giúp đỡ một người nào đó, người đó vui vì được giúp đỡ, nhưng mình còn vui hơn. 

Như vậy, chính lòng biết ơn đã giúp kết nối những con người với nhau, giúp ta trân trọng người khác, trân trọng chính bản thân mình. Khi biết trân trọng bản thân mình, ta đồng thời cũng học cách trân trọng người khác. Khi học cách cảm kích trẻ cũng sẽ thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, được chia sẻ hơn, và chắc chắn là vui hơn. 

Ta đã dạy cho con “muốn gì được đó”, đã làm thay cho trẻ hầu hết mọi điều trong gia đình, không tạo cho trẻ thói quen chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, trẻ đương nhiên có tâm lý mình là trung tâm của vũ trụ, mọi thứ trên đời được tạo ra là cho mình và vì mình. Điều nghịch lý của các bà mẹ là không dạy cho trẻ lòng biết ơn, nhưng đồng thời lại khắt khe yêu cầu trẻ phải biết cư xử, phải biết điều, phải người lớn, phải đúng mực…

Đừng trách trẻ vô ơn nếu ta chưa từng tạo điều kiện cho trẻ biết thế nào là sự cảm kích cũng như bày tỏ niềm biết ơn trước mọi điều tốt lẫn chưa tốt xảy đến cho mình. 

Trân Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI