Dạy con lối sống văn minh, lịch sự

11/01/2017 - 06:30

PNO - Con cái là niềm tự hào của cha mẹ, nhưng với điều kiện con trẻ phải ngoan ngoãn, có những hành vi phù hợp với chuẩn mực xã hội.

Không ít bậc cha mẹ rơi vào tình huống khó xử khi trẻ nói leo, hỗn xược, nhõng nhẽo, chạy nhảy ồn ào trước mặt đông người. Do đó, cha mẹ cần rèn luyện cho con cách ứng xử lịch sự ngay từ khi còn nhỏ để hoàn thiện nhân cách trẻ sau này.

Day con loi song van minh, lich su
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Câu chuyện thứ nhất: Gia đình anh Minh (Biên Hòa, Đồng Nai) ngao ngán rút ra một điều về cô con gái Thảo Nguyên (bảy tuổi), sau mỗi lần đi dự tiệc: “Từ nay không bao giờ đưa con đến những nơi tiệc tùng đông người. Con cái gì mà không biết ý tứ, làm cha mẹ mất mặt với mọi người vì hành vi thiếu kiềm chế của chúng”. Đưa cả nhà dự liên hoan, anh Minh hết sức xấu hổ vì con bé chồm lên trên bàn gắp lấy gắp để những món mình thích, rồi lấy đũa khuấy đĩa thức ăn để tìm miếng ngon thay vì nhờ mẹ gắp giúp.

Con gái anh còn bắt cha mẹ phải đối mặt với tình thế khó xử khi người khách ngồi cạnh gắp một miếng ngon (nhưng lại không hợp khẩu vị của bé mà vị khách không biết) cho bé thì nó lại hất tung làm chiếc bát vỡ tan tành giữa sàn nhà. Không biết xử lý sao cho khéo, anh Minh giận dữ đưa hai mẹ con về trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Câu chuyện thứ hai: “Ngày chủ nhật đầu năm, tôi đi họp phụ huynh lớp 3 cho đứa cháu gái. Có nhiều phụ huynh mang con theo và dặn các bé không làm ồn để không ảnh hưởng đến buổi họp. Vậy mà được mấy phút đầu yên ổn, sau đó các bé đuổi bắt nhau quanh lớp, cười nói om sòm. Người lớn nhắc rồi thì đâu vẫn vào đấy”đó là những bức xúc của anh Hùng (Q.2, TP.HCM) khi bàn về chuyện khó bảo của trẻ ở chốn đông người.

Để giáo dục bé biết lịch sự, ý tứ, lễ phép nơi công cộng không đơn giản. Những lưu ý sau đây dành cho các bậc phụ huynh:

Bé “quậy” chốn đông người vì bắt được “thóp” cha mẹ

Giải pháp an toàn mà nhiều phụ huynh vận dụng là để trẻ ở nhà khi đi đến nơi đông người hoặc gửi sang hàng xóm khi nhà có khách. Thậm chí có cha mẹ nhốt con trong phòng ngủ cho đến khi khách ra về để chúng khỏi làm phiền. Các cách giải quyết này chưa hợp lý, chỉ mang tính tình thế. Bé sẽ không biết được do mình thiếu lịch thiệp với mọi người nên cha mẹ mới ứng xử như thế.

Điều quan trọng là cha mẹ phải chỉ rõ để trẻ có được nhận thức và hành vi cư xử phù hợp ở chốn đông người. Việc trẻ mắc phải những lỗi khó chịu trước mặt người lạ như mè nheo, nói leo, la lối gây ầm ĩ… đều do thói quen tạo ra từ nếp sinh hoạt hằng ngày. Cha mẹ không nên làm ngơ, nhưng cũng không nên lớn tiếng mắng trẻ trước mặt nhiều người.

Ngay trong sinh hoạt gia đình, trẻ có những biểu hiện làm khó cha mẹ phải chiều theo mong muốn của mình. Nhiều trẻ “bắt thóp” phụ huynh (phải giữ thể diện), buộc người lớn phải thỏa mãn nhu cầu của nó khi ở chốn đông người hoặc cha mẹ đang có khách thì chúng mới giữ phép tắc.

Dạy trẻ giữ ý tứ, nhã nhặn từ sinh hoạt ngày thường

Cha mẹ phải kịp thời sửa sai, giải thích cho con cặn kẽ các nguyên tắc ứng xử lịch sự. Để tạo thói quen có hành vi nhã nhặn, lịch thiệp cho bé, nên thực hiện ngay từ khi trẻ bắt đầu hòa nhập xã hội. Tạo cho con phản xạ cư xử lịch thiệp với mọi người trong cuộc sống hàng ngày như chào hỏi, cảm ơn khi được quan tâm, giúp đỡ và biết xin lỗi khi phạm phải sai lầm…

Cha mẹ là những người thầy đầu tiên hướng dẫn trẻ cách đi đứng, ngồi và ăn uống sao cho hợp lý, phải dạy con biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là vậy. Khi ăn uống trong mâm tiệc, cha mẹ phải dạy cho con tư thế ngồi ngay ngắn, khi gắp thức ăn nên dùng đũa, ăn miếng nào thì gắp miếng đó, không được khuấy tung thức ăn, không được bốc bằng tay…

Trước khi cho bé xuất hiện ở chốn đông người, cha mẹ cần dặn dò trẻ kỹ càng, để bé biết nơi mình sắp đến, gặp gỡ những ai và phải cư xử như thế nào cho phù hợp. Trong quá trình ứng xử, nếu trẻ phạm sai lầm khi cha mẹ đang trò chuyện với mọi người, nên giữ bình tĩnh, không được la mắng, đánh đập con trước mặt nhiều người.

Để giữ thể diện cho bé; nếu bé đã trên 10 tuổi, cha mẹ yêu cầu bé giữ trật tự, im lặng suy nghĩ và sẽ nhắc nhở sau. Còn trẻ đang nhỏ tuổi, cha mẹ phải thay mặt con xin lỗi khách, giải thích cho con hiểu lỗi vi phạm của mình và đưa con ra ngoài chỉ bảo nhẹ nhàng. Những khi chỉ còn lại bạn và bé, bạn hãy nhắc những lỗi mà bé mắc phải và khẳng định rằng bé đã làm bạn phật ý cần phải khắc phục. Nhưng nếu bé ứng xử đúng thì phải khen ngợi kịp thời để bé phát huy.

Làm gương cho con

Liệu trẻ có vâng lời cha mẹ nếu lời nói và hành động của cha mẹ không gương mẫu và thiếu nhất quán? Để mỗi lời dạy con và việc làm của mình không khập khiễng, bạn phải làm gương tốt mọi lúc mọi nơi. Hãy hình dung, khi bạn dạy con không được ngắt lời, không lớn tiếng khi đang nói chuyện với người khác, nhưng nếu bạn không nghiêm chỉnh thực hiện thì trẻ sẽ bắt chước. Đa số trẻ có xu hướng dễ nổi nóng, hay la lối trong ứng xử là do “kế thừa” tính cách tương tự ở cha mẹ.

Do đó, các bậc phụ huynh cần cư xử lịch sự với mọi người, kể cả với con để chúng biết được giá trị của việc được tôn trọng. Chẳng hạn, khi trẻ đang trình bày một chuyện gì đó, cha mẹ không được ngắt lời. Như thế, trẻ sẽ hiểu ý nghĩa khi được người khác lịch sự lắng nghe, đồng thời trẻ cũng nhận thấy cảm giác khó chịu khi quấy rầy người khác. Dạy bé ăn uống phải từ tốn, nhẹ nhàng, nhưng nếu cha/ mẹ hoặc cả hai bạ đâu ăn đó, chan húp sộp soạp… thì không thể dạy bé lịch thiệp được. Do đó, các bậc cha mẹ phải chỉn chu đã, rồi mới dạy con.

Hành vi ứng xử tự trọng, giữ ý tứ, nhã nhặn ở chốn đông người không thể tự nhiên mà có. Các bậc phụ huynh cần quan tâm hướng dẫn con có lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, điệu bộ đúng đắn với mọi người, giúp trẻ hoàn thiện bản thân.

Lê Phạm Phương Lan

(Giảng viên tâm lý học)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI