Dạy con đạp lên nỗi đau của kẻ khác để sống

01/11/2019 - 09:28

PNO - Có những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay từ lúc mới lọt lòng, nhưng cũng có em “mồ côi” cả khi cha mẹ bên cạnh. Để rồi có bao nhiêu nỗi đau, nỗi tuyệt vọng và mong muốn được các em giữ kín trong lòng.

Rồi đến một ngày, những đứa trẻ chẳng biết ngây thơ sẽ đứng trước xã hội một cách ngạo mạn, đau đớn và độc ác, để đòi hỏi quyền lợi của mình bằng bạo lực như chính cha mẹ chúng đã làm trên thân thể và tinh thần của chúng. 

Day con dap len noi dau cua ke khac de song
Ảnh minh hoạ

Phải chăng xã hội Á Đông từ lâu đã quá đề cao tính thiêng liêng của việc sinh con, mà quên rằng con người cần ít nhất mười tám năm để được giáo dưỡng và hoàn thiện về nhân cách? Trẻ con không tự sinh ra và lớn lên, chúng cần được nuôi dạy và bảo vệ một cách toàn diện. Bởi sẽ chẳng có thiên tài nào được tạo ra, trừ khi cha mẹ biết ý thức về hành vi và trách nhiệm của mình trước con cái.  

Nỗi đau được báo trước

Một lần về Châu Đốc, dạo quanh các khu chùa, tôi gặp một nhóm các bé khoảng dưới mười tuổi mời tôi mua chim phóng sanh. Một em trong nhóm giấu chú chim nhỏ phía sau, thách tôi đoán xem chú chim kia còn bay được hay đã chết. Nếu tôi đoán sai thì tôi cho em tiền, hoặc mua chim giúp em. 

Tôi nhìn nụ cười của các em, không thể trả lời. Tự dưng tôi thương các em, thương cho số phận của những chú chim. Tôi hiểu các em vì mưu sinh mà nên nỗi. Nhưng không hiểu tại sao cha mẹ các em chỉ biết đứng nhìn rồi khuất đi, để con kiếm tiền một cách vô cảm trên nỗi đau của bao sinh linh. 

Tâm hồn của những đứa trẻ cũng giống như thân xác của những chú chim đang bị nhốt trong chiếc lồng lạnh lẽo. Chỉ một lời nói ra của tôi, dù đúng hay sai, thì số phận chú chim sẽ được định đoạt. Nhưng sự thật thì chính ý nghĩ của các em đã giết chết chú chim kia tự lúc nào.

Phải chăng “người không vì mình trời tru đất diệt”, nên mới có những ông bố bà mẹ dạy con đạp lên nỗi đau của kẻ khác để sống. Hay đúng hơn đồng tiền có sức mạnh vạn năng, nó thay mặt cho cả những người làm cha mẹ, đẩy những đứa trẻ ngơ ngác đi gian lận với đời.

Tôi tự hỏi rồi đây cha mẹ các em sẽ được gì sau những lọc lừa ngụy tạo của con, hay “sống sao được vậy” chấp gì việc nhân nghĩa ở đời. Các em lấy tiền xong, hồ hởi bỏ chạy khoe chiến tích, để lại cho tôi cái xác cứng đờ của chú chim con. Nụ cười mãn nguyện của em làm tôi thức tỉnh. 

Trẻ con học được gì từ người lớn? 

Tình yêu thương, sự vô cảm, trách nhiệm với gia đình, xã hội, tất cả đều tùy thuộc vào những gì các bé nhìn thấy, lắng nghe và cảm nhận từ chính cách đối nhân xử thế trong gia đình.

Trong nhóm bạn tôi có vợ chồng Quyền, Nhàn là giàu nhất. Một phần do gia đình hai bên khá giả, phần hai vợ chồng rất mê kiếm tiền. Nhàn sinh một bé trai tên Lực sau khi đi khấn vái khắp nơi, vì hai bé đầu đều là gái.

Day con dap len noi dau cua ke khac de song
Ảnh minh họa

Lực từ nhỏ không thích giao tiếp, sống cô lập và tách biệt với mọi người. Đi học thì em không thích chơi với các bạn, hay nói dối bị té ngã, để cha mẹ cho nghỉ học và đổ lỗi nhà trường không quan tâm. Biết mẹ dị ứng với mèo, em nảy ra ý định ăn cắp con mèo trong xóm mang về để chọc tức mẹ.

Khi sự việc bị phát hiện, thay vì răn dạy con nhận lỗi, Quyền lại hung hăng bao che cho con. Tuổi thơ của em là vô số lần trộm tiền cha mẹ để dẫn bạn đi ăn nhà hàng, chơi games. Chẳng may bị phát hiện, em đổ hết cho cô giúp việc để cô bị đuổi. Hỏi ra, em chẳng hề thấy mình có lỗi, vì có bao giờ cha mẹ chỉ cho em thế nào là lỗi lầm, và đâu là giới hạn của phải trái, đúng sai.

Từ nhỏ em được dạy rằng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, nên ngay cả việc em học trường nào, có được lên lớp hay không cũng được quy đổi ra tiền. Nào ngờ thói đời biết đùa, sau tiếng cười, em tự dưng thấy mình trống rỗng, chẳng còn biết bản thân là ai, muốn gì và cần gì trong cuộc sống. 

Hôm đó ở trường, do có vài mâu thuẫn với bạn, Lực lấy cây gậy đánh vào đầu bạn đến bất tỉnh. Cậu đứng đó mặc cho bạn quằn quại với cơn đau mà không chạy đi tìm thầy cô đến giúp. Chiếc còng sắt cột chặt cuộc đời em, Lực đứng đó với chiếc áo trắng thư sinh ngày còn đi học. Em biết mình sai, em ước gì mình được một lần ngồi ăn cơm với gia đình, ước gì hôm đó em không quá vô cảm, ước gì bạn em sống lại để em được yêu thương và làm lại từ đầu.  

Còn cha mẹ em nghẹn ngào trong nước mắt, phải chi mình quan tâm con hơn, phải chi mình có thể làm gì đó đổi lấy tự do cho con. Thương con vô điều kiện, chính cha mẹ đã trao cho con tấm “kim bài miễn tử” được phép lưu manh mà không phải bận tâm gì đến hậu quả.

Có những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay từ lúc mới lọt lòng, nhưng cũng có em “mồ côi” cả khi cha mẹ bên cạnh. Để rồi có bao nhiêu nỗi đau, nỗi tuyệt vọng và mong muốn được các em giữ kín trong lòng. Tất cả trẻ em sinh ra đều có khả năng thấu cảm trước nỗi đau như nhau, nhưng rồi khả năng đó sẽ mai một dần nếu không có sự dạy dỗ đúng cách của gia đình.

Chưa bao giờ tôi thấy làm con nít lại khổ như vậy, bởi trong ký ức của tôi, tuổi thơ là lứa tuổi vô lo, hồn nhiên. Chính người lớn đã chắp vá những giấc mơ, đánh tráo khái niệm, biến các em thành những chú “gà công nghiệp” nhằm phục vụ lợi ích bản thân, hơn là nuôi dưỡng và bảo bọc các em bằng tình yêu thương và trách nhiệm. 

Mia Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI