Đạo diễn Mỹ Khanh: Dạy con là phải... dỗ

19/10/2017 - 16:25

PNO - Cái khó nhất của tôi lại là ở… bố cháu. Cháu nghe lời và tuân thủ những nguyên tắc với tôi, nhưng lại làm nũng bố và bố cháu thì rất chiều con.

* Mỗi bậc phụ huynh đều chọn một mục tiêu quan trọng nhất trong việc dạy con. Với chị, phẩm chất nào là quan trọng nhất mà chị muốn con mình có được?

Dao dien My Khanh: Day con la phai... do
Đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh

- Đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh: Tinh thần trách nhiệm. Tôi mong khi lớn lên, con mình có tinh thần trách nhiệm - trách nhiệm với bản thân, với gia đình, người thân xung quanh và sau đó là với xã hội. Tôi nghĩ tất cả những vấn đề xã hội đang làm nhức nhối lương tâm con người hiện nay đều xuất phát từ chuyện có và không có tinh thần trách nhiệm trong mỗi người.

Khi được trang bị tinh thần trách nhiệm, con người ta sẽ nhìn các vấn đề bằng tâm thế chủ động, sẽ tiếp thu các bài học thuộc phạm vi đạo đức nhẹ nhàng, không bị áp lực; từ đó sẽ suy nghĩ và hành động thiết thực, không ích kỷ cá nhân mà luôn hướng về lợi ích cộng đồng.

* Những bài học về tinh thần trách nhiệm luôn rất nghiêm túc và có phần khó khăn. Chị bắt đầu dạy con về điều đó từ khi nào?

- Người ta hay nói “dạy con từ thuở còn thơ” mà không xác định rõ cái “tuổi còn thơ” đó là khi nào. Tôi may mắn được mẹ chồng chỉ cho điều này. Khi tôi vừa sinh con, còn trong tháng, tôi cũng nuôi con theo kiểu cứ nghe bé khóc là cho bú.

Mẹ chồng khuyên rằng, trẻ con cũng cần có thời gian để tiêu hóa sữa và nếu ta luyện cho con quen với một khoảng thời gian giữa hai lần bú cố định thì việc đói, muốn ăn sẽ trở thành phản xạ tự nhiên. Tôi nghe mẹ chồng, cứ ba tiếng cho con bú một lần và không vội ẵm bồng, cho ăn khi cháu khóc.

Chỉ một thời gian ngắn là cháu quen, ngay cả đêm cũng không khóc vặt. Mẹ và con đều được ngủ thẳng giấc. Từ đó, tôi nhận ra rằng dạy con có thể từ khi còn rất nhỏ.

* Vậy những vài học về trách nhiệm mà chị dạy con bắt đầu như thế nào và được thực hành ra sao?

- Đầu tiên là trách nhiệm với bản thân. Lúc cháu bắt đầu ăn dặm, tôi đã mua một chiếc bàn dành riêng cho cháu. Chiếc bàn đó luôn hết sức sạch sẽ. Tôi mua chén bát màu thật đẹp, để cháu thích thú với khoảng tự do riêng của mình. Trên chiếc bàn đó, cháu được tự do ăn uống, bốc hốt, đổ vãi, lượm vào gì gì tôi cũng không la mắng.

Dao dien My Khanh: Day con la phai... do
 

Khi cháu gần ba tuổi, tôi chia sẻ về trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ bản thân thông qua việc ăn, ngủ, vệ sinh, chuẩn bị đi học... Từ đó cháu tự giác và tự lập dần: tự thức dậy, vệ sinh cá nhân, tự thay quần áo, tự mang giày, soạn cặp sách... trước khi đi học. Đi du lịch thì cháu tự soạn hành lý, tự kéo va-ly, tự cầm vé qua các cổng sân bay, khu du lịch...

Thay vì phải giáo dục con tính tự giác, tự lập để có tinh thần trách nhiệm, tôi đã chuyển đổi - thông qua tinh thần trách nhiệm mà dẫn dắt con tới sự tự giác và tự lập. Song song đó, tôi cũng chia sẻ với cháu về trách nhiệm với gia đình nên cháu tham gia việc nhà với cha mẹ rất sớm và luôn vui vẻ, thoải mái.

Cháu lớn một chút, tôi chia sẻ thêm về trách nhiệm tự bảo vệ bản thân trước người lạ, xe cộ, điện, lửa, thiên tai... và trước cả những cám dỗ ngọt ngào của quần áo, son phấn, game, ma túy... Hiện cháu đã vào đại học nhưng vẫn chưa dùng mỹ phẩm, chỉ mặc quần bó đen, áo phông hoặc sơ-mi trắng, đi giày thể thao đơn giản; không nghiện game hay mạng xã hội.

Thông qua trách nhiệm bảo vệ bản thân, tôi hướng dẫn con những kỹ năng tự vệ, kỹ năng sinh tồn và giá trị thật của con người. Khi cháu đi làm CMND, tôi chia sẻ về trách nhiệm công dân với đất nước, chỉ ra những việc làm có lợi và có hại cho cộng đồng, hướng dẫn cháu tham gia làm tình nguyện viên của các tổ chức N.G.O quốc tế để thấy trách nhiệm cá nhân với sự tồn tại và phát triển toàn cầu. Vào đại học là lúc cháu cần biết phản biện xã hội, xuất phát từ tinh thần trách nhiệm.

* Có vẻ đó là một khối lượng bài học hết sức lớn, công phu và đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và sự kiên nhẫn. Chị đã làm thế nào để cháu tiếp nhận một cách dễ dàng?

- Nói một cách lý thuyết thì đó là phương pháp “Learning by doing” và “học thông qua trò chơi”. Với phương pháp này, tôi hầu như ít gặp khó khăn khi chia sẻ cùng con. Cháu luôn hào hứng tham gia cùng mẹ.

Hơn nữa, tôi cũng không đặt yêu cầu quá cao so với sức cháu và luôn chuẩn bị sẵn tinh thần chấp nhận mọi kết quả tốt hay chưa tốt. Còn nói một cách đơn giản thì đó chính là vừa dạy vừa dỗ. Ví dụ ngày còn bé, cháu được bà dẫn đi dạo. Khi về, bà rất mệt, vì cháu chạy lăng xăng khắp nơi.

Nghe bà kể, tôi đã dặn cháu rằng bà già và yếu rồi, con phải có trách nhiệm trông coi, dẫn dắt bà, đừng để bà đi lạc.Thật ra, con trẻ rất thích nhận trách nhiệm bảo vệ, che chở cho người thân và khi được giao trọng trách đó, cháu thực hiện rất nghiêm túc.

Cháu đi học, tôi nói với cháu rằng thời tôi không được học những bài học hay như cháu. Tôi cũng rất muốn biết những kiến thức mới của cháu. Từ đó, cháu luôn cố gắng nhớ bài nhanh để về dạy lại cho tôi. Cũng nhờ đó mà tôi biết ở trường cháu học thế nào, cô giáo dạy ra sao.

Đi đường, tôi dặn cháu nhắc mẹ quan sát đề phòng tai nạn; ghi nhớ đường đi giùm mẹ, vì mẹ hay quên. Ngay cả trong việc ăn mặc, sửa sang trước khi ra đường, tôi cũng nhờ con ngắm nghía xem mẹ có gì chưa ổn không… Tất cả những điều đó khiến cháu vui với nhiệm vụ của mình.

* Chị nói rằng nhờ phương pháp dạy và dỗ nên mọi việc dễ dàng. Nhưng nhiều người vẫn nói dạy con là khó nhất…

- Cái khó nhất của tôi lại là ở… bố cháu. Cháu nghe lời và tuân thủ những nguyên tắc với tôi, nhưng lại làm nũng bố và bố cháu thì rất chiều con. Anh ấy nhiều khi bất chấp mọi nguyên tắc của tôi. Ăn xong mà có bố, con bé sẽ làm vẻ mặt rất dễ thương để nhờ vả, thế là anh ấy lại bảo: để cho con học, xong rồi làm thay. Bao năm rồi, từ khi cháu bé đến lớn, khó khăn này vẫn cứ tồn tại và luôn cần khắc phục. 

Song Văn

Một trong những bài học mà đạo diễn Mỹ Khanh dạy con gái từ khi còn nhỏ là bài học bảo vệ “cô bé” của mình. Khi bé đi học mẫu giáo, chị dặn con chỉ có hai người được chạm vào con khi tắm rửa là mẹ và cô giáo. Hễ có ai sờ vào thì phải đẩy ra, la lên “không được động vào đấy” và bỏ chạy, kêu cứu. Chị còn cho cháu thực tập la hét sao cho hiệu quả.

Ngày hôm sau, chị không có nhà, bố cháu tắm con như thường lệ. Không ngờ cháu phản ứng quyết liệt, la hét, kêu cứu, đến mức bố cháu phát cáu, hỏi: “Con điên à?”. Chừng biết chuyện, anh trách chị sao không báo trước cho anh biết. Chị phải dặn cháu thêm là ba có thể tắm cho cháu được, nhưng bất cứ người đàn ông nào, dù là cậu, chú, bác hay anh em họ cũng không được động vào người cháu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI