Đàn bà làm bếp hay làm sếp đều tuyệt vời

14/06/2018 - 09:51

PNO - Bạn thử tưởng tượng, một phụ nữ vật lộn với hai đứa trẻ sinh đôi, từ khi con chào đời, tới khi con vào lớp Một, thì vất vả thế nào.

Bạn thử tưởng tượng, một phụ nữ vật lộn với hai đứa trẻ sinh đôi, từ khi con chào đời, tới khi con vào lớp Một, thì vất vả thế nào. Sáu năm đầu đời, tôi không cho con tới trường, chúng tôi cứ như hình với bóng trong bốn bức tường nhà.

Khi con đi học, tôi mới cảm nhận ý nghĩa hai chữ “giải phóng”. Dù vậy, tôi quyết định không đi làm trở lại, một phần vì chồng động viên, một phần vì muốn có nhiều thời gian hơn cho gia đình. Bạn thời sinh viên của tôi bảo “tao ở nhà như mày, chắc chết yểu mất”, nhưng cũng không ít người vì quá bận rộn chuyện xã hội, lại thèm… chức nội trợ như tôi, thậm chí có người ganh tỵ với tôi. 

Mỗi khi ghé chơi, người thì tìm cách chê bai tôi thiếu thẩm mỹ bài trí nhà cửa, người thì cạnh khóe “sao không ra ngoài kiếm tiền phụ chồng”, người thì bảo “phụ nữ trí thức, chọn bếp núc, không cảm thấy phí công sức cha mẹ nuôi ăn học sao”. Ban đầu, tôi hoang mang vì những gì họ nói. 

Dan ba lam bep hay lam sep deu tuyet voi
 

Nhưng cảm giác ấy mau chóng thoáng qua, nhờ trong một đám giỗ, chồng tôi tranh thủ xuống bếp khui chuyện đàn bà nội trợ, nói vòng vo, cuối cùng anh đưa mắt về phía tôi “nịnh mãi, bả mới chấp nhận làm hậu phương cho tôi yên tâm công tác; tôi vốn cầu toàn chuyện nhà cửa, khó chấp nhận cảnh phụ nữ nhá nhem tối mới bước vào bếp”. Từ đó, người ta thôi nói khó nghe, mà có nói tôi nghĩ cũng chẳng nghĩ ngợi gì. Đèn nhà ai nấy sáng, dài tay qua nhà người khác, coi chừng bị khẽ tay.

Tôi từng loay hoay với câu hỏi: làm thế nào để không bị stress, không cảm thấy buồn khi xác định làm phụ nữ nội trợ. Tôi biết khá nhiều chị em miễn cưỡng sống đời bếp núc. Thậm chí với nhiều người, nỗi đau ấy mang tên “tầm gửi”, rất đáng thương.

Với gia đình mình, chúng tôi chỉ ăn cùng nhau bữa tối, riêng hai ngày cuối tuần thì thêm buổi trưa. Tôi có nhiều thời gian rảnh, nên mỗi tuần, có đến ba, bốn ngày nấu ăn sáng cho cả nhà. Tôi chăm chút từng bữa ăn, để khỏi phí hoài công nội trợ. Khi con ở nhà, tôi dành thời gian chơi cùng con, để bản thân không hối hận làm bà nội trợ mà không biết tận dụng thời gian bên con cái.

Mỗi khi vào bếp, tôi luôn nhớ câu nói của chồng “nấu ăn cũng như chơi đồ hàng”. Câu nói vui, nhưng đã động viên tôi rất nhiều trên hành trình làm một bà nội trợ đảm đang. 

35 tuổi, tôi bắt đầu lên cân. Chồng tôi cho rằng, lý do tôi lên cân là do tiếc công, tiếc của, “ăn cho hết, còn chút xíu không lẽ bỏ lại”. Điều anh nói cũng đúng, chỉ còn một vá cơm, bỏ đi mang tội, nên tôi luôn là người ăn sau cùng. Thế là, căn bếp biến thành cái phòng tập. Tôi  tập các động tác giúp vòng bụng thon gọn mà tôi lượm lặt trên YouTube. 

Có những hôm, vừa tập vừa nghĩ về vòng bụng, vừa nhìn các lọ gia vị nhảy múa trước mắt, tôi không nghĩ một cô gái từng thề với mẹ “sau này, con sẽ trở thành một cô giáo có tâm nhất quả đất”, mà giờ chỉ biết làm bạn với bếp núc.

Chẳng biết nơi suối vàng, mẹ có buồn vì tôi chọn con đường dài nội trợ, hay mẹ cười mà nghĩ rằng “nấu ăn cũng cần phải có tâm”. “Tâm” ở đây là sự thông minh, làm sao cho những người thân yêu trong gia đình được ăn thức ăn sạch, được chế biến khoa học, vừa ngon vừa bổ dưỡng; được ngủ trong chăn, drap thơm tho mùi bàn tay đàn bà.

Giờ, tôi không còn cảm thấy phải chấp nhận số phận nội trợ như trong năm đầu tiên con đi học. Bởi khi ấy, tôi còn chới với vì thấy mình thừa thãi tay chân, chỉ biết ngồi nhà đợi chồng, con về. Thời gian rảnh bây giờ, tôi viết lách để nâng đỡ tâm hồn. Thậm chí, tôi còn có ý định chuyển máy tính để bàn xuống một góc bếp, mới chợt nhận thấy căn bếp có phần chật chội, cũng chẳng tiện nghi, mà tôi yêu bếp lúc nào chẳng rõ.

Nhưng chồng bảo, sinh nhật sắp tới, anh sẽ mua cho vợ cái laptop, thích mang xuống bếp hay di chuyển đi đâu cũng được, rất tiện. Chồng cũng vừa đóng một cái gương to ở nhà bếp, để bà nội trợ tiện soi. Anh ấy ghẹo: bếp nhà mình hơi rối, nào gương, nào máy tính, nào hoa tươi, hoa khô. Nhưng “người của bếp” thích thế, thì chồng chiều.

Có lần tôi mở máy tính, chồng từ phía sau quàng vai bảo: đàn bà làm nội trợ hay đàn bà làm sếp, khi bật máy tính lên, đều là... đàn bà cả thôi. Lời nịnh nọt, đúng là nhẹ như nhung. 

Khánh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI