Con trai tôi nói với cô giáo, tôi là chú nó, còn cha đã mất sớm

28/01/2018 - 13:55

PNO - Tôi khổ quá chuyên gia ơi. Tôi thấy mình bất lực với con. Sao con tôi lại khó dạy đến vậy!

Con trai toi noi voi co giao, toi la chu no, con cha da mat som
Ảnh minh họa

Cháu đang học lớp Mười. Thỉnh thoảng cha con tôi cũng nói chuyện, đưa nhau đi đá banh, thậm chí cùng đi cà phê. Thực lòng, tôi cũng mừng vì con ra vẻ đàn ông, cứng cáp và rất lịch sự. Tôi và mẹ cháu ly hôn, cô ấy nuôi đứa con trai nhỏ. Nghĩ con sẽ sốc trước việc này nhưng cháu vẫn bình thản, khiến tôi phần nào an tâm.

Nhưng Chủ nhật vừa rồi đi họp phụ huynh, thật xấu hổ với các bậc cha mẹ trong lớp khi cô giáo hỏi tôi có phải là chú của Q.H. (tên con tôi) không. Tôi chưa hiểu gì thì cô đã tiếp lời: “Tôi thấy hoàn cảnh Q.H. rất đáng thương, cha mất sớm, cháu phải sống với gia đình nhà nội vì mẹ không đảm bảo kinh tế”.

Tôi không biết giải thích thế nào với cô giáo. Càng không hiểu cháu nghĩ gì về việc này. Cháu còn đăng ký với cô giáo là mẹ cháu sẽ tham gia nấu ăn để bán gây quỹ trong ngày hội Xuân của trường. Thực tế, mẹ cháu đã về Bắc sống từ lâu.

Trưa họp xong về nhà, gặp tôi ngay cửa, cháu hỏi: “Ba họp vui không?”. Lúc ấy, tôi chỉ muốn đánh cháu. Tôi không thể bình tĩnh được nữa.

Đ. Hoàng
(Q. Thủ Đức, TP.HCM)

Anh Hoàng mến,

Đọc tâm sự của anh, tôi hiểu thời điểm đó anh đã không đánh cháu dù rất tức giận. Anh kiểm soát bản thân rất tốt nên đã tránh được tình trạng “giận mất khôn”. 

Đằng sau lời nói dối với cô giáo về cha và mẹ sẽ có lý do liên quan đến hoàn cảnh hiện nay của hai bố con. Có thể việc cha mẹ ly hôn vẫn còn ảnh hưởng đến cháu. Chính việc tỏ ra bình thản của cháu sau chuyện của cha mẹ khiến tôi đặt giả thiết này. 

Ở lứa tuổi 16, cháu đang trưởng thành. Đối mặt với biến cố cháu tỏ ra cứng rắn, thản nhiên nhưng bên trong tâm hồn có thể có những tổn thương, đau đớn, bất an, hoài nghi, thất vọng… Càng che giấu cảm xúc tiêu cực, cháu sẽ càng có những căng thẳng và khi bộc phát thì mạnh hơn những đứa trẻ không che giấu. 

Anh cần thông cảm cho tâm trạng hiện nay của con, nếu có thể nên rủ cháu đi uống cà phê và hỏi lý do vì sao con nói dối cô về cha mẹ. Nếu anh thực sự muốn lắng nghe tâm tư của con, cháu sẽ phần nào tâm sự cho cha hiểu hành vi nói dối. Nếu cháu chưa muốn nói, mong anh kiên nhẫn. Có thể anh cần nhờ người thứ ba kết nối với cháu, là mẹ hay ai đó cháu tin tưởng, nếu cần thì cho cháu gặp một chuyên viên tâm lý.

Chính anh cũng cần cởi mở với con, tâm sự với cháu về cảm giác sau khi ly hôn, về những bài học từ cuộc hôn nhân, tâm trạng của anh hiện tại, nỗi buồn khi nghe cô giáo hỏi anh có phải là chú của con… Khi đã hiểu cha hơn, cháu sẽ phần nào chia sẻ cùng anh. Việc nói chuyện, lắng nghe bằng tình yêu thương, sự bao dung có thể là chìa khóa xoa dịu trái tim đang bị tổn thương của cả cha và con. 

Biến cố ly hôn của cha mẹ với trẻ, vượt qua được không hề dễ dàng, nhất là khi con ở tuổi dậy thì. Anh nên kiên nhẫn và cảm thông cho cháu. 

Anh cũng nên tìm hiểu các mối quan hệ của cháu ở trường, với thầy cô, bạn bè, có điều gì cháu cần giúp đỡ không? Có thể sự bất mãn trong chuyện học hành cũng khiến cháu nói dối. 

Mong anh giữ kết nối giữa con với mẹ và em trai để cháu cân bằng cảm xúc. 

Anh cũng nên quan tâm đến chính mình để an hòa hơn trong cuộc sống, trong mối quan hệ với cháu để cha con bên nhau hạnh phúc.

Chuyên gia tâm lý - ThS Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI