Con tôi thua kém bạn bè nên bị cô giáo lạnh lùng?

01/07/2017 - 17:07

PNO - Nguyên tắc trong ứng xử với bạo hành lạnh: chị phải cố gắng tối đa không làm trẻ căng thẳng hơn.

Còn hai tuần nữa thì con gái tôi tròn năm tuổi. Cháu đã được gửi đi học từ lúc chín tháng vì hoàn cảnh nhà neo người, tôi phải đi làm việc sớm. Thời gian gần đây, con tôi rất sợ đi học. Mỗi sáng, trên đường đến trường cháu cứ khóc i ỉ khiến tôi rất xót ruột.

Con toi thua kem ban be nen bi co giao lanh lung?
Con chỉ sợ khi đến trường. Ảnh minh họa

Đến trường bao giờ cũng là một màn giằng co thê thảm giữa hai mẹ con. Phải kiềm chế lắm, tôi mới không trách mắng con. Nhưng mỗi khi đưa con vào được trường rồi, trên đường đi, linh cảm cho tôi thấy rằng có điều gì đó bất ổn mới khiến con sợ đi học đến vậy. 

Chiều qua tôi đã gọi điện thoại cho cô giáo của con để hỏi han.

Cô cam đoan không có ai “động đến cháu”, ngoại trừ chuyện dạo này cháu hay ngồi một chỗ, lầm lì. Tôi lấy làm lạ vì con tôi vốn hiếu động, nghịch ngợm. Tôi dọ hỏi cô bằng một chuyện kể, lúc ở nhà nếu bị người lớn la rầy, nói xẵng, con thường lầm lì.

Cô hứa mai cháu vào học sẽ tìm hiểu thêm, và yêu cầu tôi cho nói chuyện điện thoại với bé. Cô nói chuyện rất dịu dàng, ngọt ngào. Cúp máy, con bé quay sang tôi thì thầm: “Cô hôm nay khác lắm mẹ ạ”.

Tôi ngờ ngợ nguyên nhân con sợ đến trường. Xâu chuỗi lại sự kiện, có nhiều lần cô yêu cầu tôi cho con đi học đều, vì nghỉ học nhiều khiến con không theo kịp các bạn trong việc thuộc lòng các câu chuyện kể, bài hát, bài thơ, nên cô cho con ngồi tách riêng. Phải chăng vì con tôi thua kém bạn nên cô giáo trở nên lạnh lùng, ghẻ lạnh?

Nghi Khuê 

(Công ty ANTD, Q.12)

 Hãy xoa dịu trẻ

Thông thường, gặp vấn đề này, phụ huynh dễ phản ứng: “Không phải cô không thương con”; “Con nghĩ sai rồi”… Điều này sẽ gây ức chế, vì trẻ không giải tỏa được sự căng thẳng.

Con toi thua kem ban be nen bi co giao lanh lung?
Hãy xoa dịu con. Ảnh minh họa

Điều đầu tiên chị Nghi Khuê cần làm là trò chuyện thẳng thắn với cô giáo, nhờ cô hỗ trợ gia đình vì bé là kiểu người nhạy cảm, bé rất cần sự thân thiện, cởi mở của mọi người xung quanh. 

Chị cũng cần phân tích cho con hiểu rằng cô rất đông học trò, nên cũng có những lúc không quan tâm đến con, dù cô thương yêu tất cả các bạn bằng nhau. 

Khi đưa hoặc đón bé ở trường, chị nên trao bé tận tay cô, để giáo viên và phụ huynh kết hợp khéo léo với nhau. Cô sẽ đón con bằng nụ cười, bằng thái độ thân thiện. Nhân cơ hội ấy, chị phân tích, trấn an con, rằng cô rất thương con, để giải tỏa tâm lý cho trẻ. 

Nguyên tắc trong ứng xử với bạo hành lạnh: chị phải cố gắng tối đa không làm trẻ căng thẳng hơn. Luôn luôn xoa dịu trẻ để cân bằng tâm lý, cho câu chuyện buồn này không trở thành một bóng ma quá khứ, khiến trẻ mang theo vết thương đến tận lúc trưởng thành.

Trần Thị Hồng Hà

Chuyên viên tư vấn tâm lý

Luyện tinh thần dũng cảm

Cháu trai tôi từng là nạn nhân như con gái chị. Tôi tạm gọi đây là chứng "bạo hành lạnh" - tinh vi, khắc nghiệt và vô cùng kinh khủng mà người lớn dành cho trẻ con. Hậu quả của nạn bạo hành lạnh là những đứa trẻ bị tự kỷ từ nhẹ đến nặng, hoặc bị tăng động cảm xúc. 

Cảm xúc của các con lúc nào cũng căng như trái bóng, chỉ cần chạm nhẹ là nổ tung. Điều quan trọng nhất bây giờ, chị nên nói với con không phải ai cũng quan tâm và yêu thương con như cha mẹ. Mỗi người một tính - cô có thể không vui vì cô phải lo cho nhiều bạn, hoặc cô đang mệt mỏi; và cũng có khi cô vô tình mà đối xử thiếu công bằng.

Con hãy làm tốt những việc cô giao, hãy đọc sách, vẽ tranh khi không biết làm gì. Con cũng không chú ý tới cô nếu cô quên cười hoặc quên thân mật, vì cô có thể đang bận rộn với suy nghĩ nào đấy… Đại loại thế, chị ạ. Từng bước luyện cho con tinh thần dũng cảm, mạnh mẽ khi đối diện với cuộc đời này.

Có thể con chị sẽ gặp khó khăn nhiều hơn vì cháu nhạy cảm. Nhưng chúng ta chẳng còn cách nào khác, vì có cha mẹ nào ôm ấp con trong lòng mãi được đâu…

Trí Nguyên
(tỉnh Bình Dương)

Xin đừng thỏa hiệp

Tất cả chỉ mới là phỏng đoán, suy luận của chị. Sao chúng ta không thử trao đổi thẳng thắn với cô giáo? Hãy nói tất cả những gì chị nghĩ, chị thấy, chị nghe, chị dự cảm bằng tấm lòng của một người mẹ. Và chờ sự phản hồi.

Chúng ta đừng bao giờ tự làm quan tòa khép tội một người khi chưa đủ bằng chứng. Và dẫu cho có đủ bằng chứng, cũng cần cho họ một cơ hội bào chữa, biện minh cơ mà.
Có bao giờ chị nghĩ con cái chúng ta ngày nay được ủ bọc quá mức cần thiết, nên khi rời vòng tay cha mẹ là lúng túng, hoảng hốt, “sinh chuyện” ngay? Trẻ em đang trong giai đoạn hình thành, phát triển và định hình nhân cách, nên chúng cũng có “khi vầy khi khác”.

Chị đừng quá quan tâm chuyện con mè nheo không chịu đi học.

Chị thử trò chuyện nghiêm túc với con: “Con không thể không đi học. Mỗi người có một công việc. Cha mẹ thì đi làm. Con trẻ phải đến trường”. Đừng thỏa hiệp chị ạ. Nếu chị đầu hàng, con sẽ đòi hỏi, lấn lướt những vấn đề nghiêm trọng hơn. Mong chị thận trọng để xử lý thật tốt giai đoạn khó khăn về tâm lý của cả gia đình.

Bình Nguyên

(giáo viên trường Lạc Long Quân, Q.11)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI