Con nhà nghèo…

24/03/2017 - 14:41

PNO - Hôm trước đi chợ muộn, tôi bắt gặp một cô bé ngồi bên bao ếch. Bé ngước lên nhỏ nhẹ: “Cô ơi, cô mua ếch nghen?”

Vốn chẳng mê món đó, nhưng tôi vẫn dừng lại bởi cái giọng thỏ thẻ ấy. Giữa chốn chợ búa ồn ào ai cũng tranh nhau mua bán gào thét, sao em có thể rụt rè mong manh như thế? Tôi nói: “Em làm cho cô nửa ký đi nào!”. 

Con nha ngheo…
 

Con bé thọc tay vào bao, lấy ra sáu con ếch còn sống, giãy giụa. Em bỏ nó lên cân, chúng nhảy loạn xạ, em phải chồm người bên trái, bên phải chụp lại. Rồi em run run, cầm kéo cắt ngang đầu một con, nó vẫn giãy giụa điên cuồng, em mím môi quay đi chỗ khác, bắt đầu lột da. Bàn tay thon thon mảnh dẻ chưa quen việc, em dường như mang cả sức nặng con người mình ghì lên cây kéo.

Tôi nhìn cả em và ếch, ngạc nhiên trước cảnh tượng khổ sở trước mặt. Hỏi em rằng, lâu nay đi chợ cô không thấy em, em mới ra bán phải không? Cô nhỏ bảo: “Mọi khi mẹ em bán, nhưng cả tuần nay mẹ em bệnh nên em đi thay. Nhưng mà em sợ lắm!”. Em trả lời bình thường, mà sao nghe như một tiếng than…

Ừ thì cô thấy cũng sợ, chắc chẳng bao giờ dám tự làm thịt con gì, thấy tội quá. Muốn nói cùng em câu ấy, nhưng sao tôi chẳng nỡ… Em im lặng hồi lâu, cắm cúi tiếp tục công việc, cứ như em thấy mình đang làm một điều độc ác. Tự dưng em nói thêm: “Nhưng mà mẹ em kêu, ra đời buôn bán mà cái gì cũng sợ là chết đói, không được sợ thứ gì hết...”.

Tôi lặng cả người sau câu chia sẻ vô tư ấy. Tuổi của em đáng ra phải được mặc áo dài đến lớp, phải được hét lên thất thanh khi thấy con gián bay qua, được òa khóc lúc nhìn một con thằn lằn chết. Đằng này em phải ngồi giữa chợ cá ồn ào, cạnh một bao ếch và hồi hộp kết liễu từng con, từng con...

Cầm bịch ếch đã được làm sạch trên tay, tôi chợt bâng quơ ý nghĩ, dẫu xã hội nào thì con nhà nghèo vẫn thật khổ, ngay cả nỗi sợ hãi rất bản năng cũng chẳng có quyền. Rồi dưng không tôi nghĩ tới con gái mình, năm nay đã lên mười mà vẫn còn đợi mẹ đút mới chịu ăn cho xong bữa sáng để đi học. Hầu như mọi thứ con tôi luôn được bố mẹ bao cấp, phục vụ sẵn.

Con nhà lính mà tính nhà quan, lắm lúc muốn la mắng con, thậm chí mặc kệ cho con đói hoặc thiếu thốn để biết quý trọng mọi thứ, mà chưa thực hiện được. Biết làm sao được, khi cha mẹ bây giờ vẫn quen dành mọi thứ tốt nhất cho con, cố gắng gượng để con mình được bằng chị bằng em, đủ đầy nhất có thể. Đời mình ngày xưa thiếu thốn nhiều rồi…

Tôi nhớ ngày mình còn bé, từng tuổi ấy đã phải ẵm em đến chai sần cả hông. Hết đứa này đến đứa em khác, tiếp nối. Làm cá, nấu cơm, dọn dẹp, quét tước rành rẽ. Cảnh phụ mẹ ra chợ bán buôn gì đấy cũng không phải là quá cá biệt. Các cô thiếu nữ còn ngấm ngầm ganh đua, tự hào vì mình giỏi giang nữa kìa. Chỉ là bây giờ mới hiếm hoi bắt gặp con gái phải theo mẹ dãi dầu mà thôi. “Làm việc nhà” là khái niệm lạ lẫm đến mức, đôi khi dạy con cầm cây dao gọt một quả cam, hướng dẫn con bé lặt mớ rau, phân biệt các loại tôm tép, thấy con vụng về lóng ngóng mà bực.

Những kinh nghiệm cũ kỹ của quá khứ cứ như là câu chuyện cổ tích xa vời nào đấy, chợt thấy chẳng còn phù hợp nữa rồi. Có mang ra kể với con, thì hoặc là chúng lắng nghe với vẻ tò mò “không thể tin được”, hoặc là lũ trẻ thờ ơ đến thật buồn…

Đành rằng mỗi thời mỗi khác, mỗi nhà mỗi cảnh, mà sao trưa nay vẫn cảm thấy bất nhẫn khi rời khỏi chợ trưa, thương đến xót lòng khi hình dung cảnh con bé mười sáu mười lăm kia ngồi nhẫn nhịn chờ đợi, bên bao ếch vẫn còn đầy ăm ắp…

Bằng Lăng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI