Con muốn có thời gian để... không làm gì cả

01/10/2019 - 10:58

PNO - Tôi đã quen hình ảnh thằng cháu ngồi một mình yên tĩnh, ăn bánh, uống sữa, không nói chuyện với ai, và cũng không muốn ai nói chuyện với mình. Nhưng một buổi tối nọ, nó nói: “Ước gì con có thời gian để… không làm gì cả”.

Tôi tròn mắt: “Là sao?”. Cậu giải thích: “Con cực thích những lúc ngồi một mình trên ghế hay nằm trên võng. Con suy nghĩ đủ thứ, vui lắm”.

Với cậu bé này thì tôi không lạ vì câu nói đó. Hồi cháu còn nhỏ, cháu hay ngồi lặng yên để… tưởng tượng. “Quan điểm ấy” vẫn thống nhất từ đó đến nay, khi cháu đã tròn mười lăm tuổi, chỉ là từ “tưởng tượng” khi xưa được thay bằng từ “suy nghĩ” như hiện nay. 

Cháu có kiểu tưởng tượng khá hay. Một số tưởng tượng trong đầu được cháu vẽ ra giấy, rất dễ thương và có “tính giải trí cao”. Chẳng hạn chỉ vì không cam lòng để Doraemon sợ chuột, thằng nhỏ đã vẽ một “đàn” Doraemon oai hùng chống lại một đàn chuột bằng súng, mặt nạ, áo giáp chống đạn, bình xịt hơi cay, kiếm, cung, giáo. 

Con muon co thoi gian de... khong lam gi ca
Ảnh minh họa

Lớn lên, cháu vẫn giữ thói quen mỗi ngày dành ít nhất nửa tiếng cho riêng mình. Đó là thời gian cháu… không làm gì cả, tưởng chừng rảnh rỗi, nhưng thật ra “bận rộn ghê lắm” vì mải suy nghĩ nhiều thứ quá. Cháu ít rộn ràng như các bạn cùng trang lứa, mà lại yêu sự yên tĩnh đến kỳ lạ. 

Có lần tôi tò mò hỏi: “Mỗi khi một mình, con thường nghĩ gì nhiều nhất?”. Cháu bảo: “Dạ không cố định, con nghĩ về cuốn sách vừa đọc xong, nghĩ xem tại sao con thích môn hóa hơn môn toán, nghĩ mười năm nữa mình sẽ thế nào, tính xem bỏ ống heo bao lâu thì đủ đi du lịch, nghĩ về chiến tranh và đoán xem trong vài năm nữa ai là “trùm cuối” của thế giới, hay đơn giản là nhớ lại mình vừa trải qua một ngày như thế nào…”. 

Tôi hỏi tiếp: “Vậy con thấy vui không?”, cháu nói: “Bao nhiêu suy nghĩ chạy lộn xộn trong đầu con, có khi cái này đụng cái kia, vui lắm dì. Đó là lúc con “chạy tới chạy lui” thoải mái ở mọi không gian và thời gian. Con vừa mới hình dung về các trận chiến trong lịch sử, thì ngay sau đó lại tưởng tượng ra các cuộc chiến hạt nhân trong tương lai. Con vừa “chơi” với mấy đứa bé Do Thái trong chiến tranh liền nghĩ tới những đứa trẻ bị chăn dắt ở Việt Nam. Con tự quy hoạch một thành phố và xây nhà trồng cây ở đó. Cũng có lúc con hối hận vì đã cãi lời mẹ hay cao ngạo trong kỳ thi cờ vua vừa rồi”. 

Tôi hiểu vì sao cháu yêu thích giờ phút đó. Ấy là lúc cháu tự do trong thế giới hình dung rộng lớn, với những suy nghĩ thành thật nhất của mình mà không bị ai làm phiền, và cũng chẳng phiền ai. 

Những lúc một mình, ta mới là ta, chỉ cần hai người trở lên là ta đã phải lựa lời mà nói, đã bị suy nghĩ của người khác tác động. Khi học, cháu bị tác động bởi sách vở - thầy cô; khi nói chuyện cùng gia đình, cháu bị tác động bởi người thân; khi đi chơi, cháu bị tác động bởi bạn bè... 

Vậy nên cháu thường dành thời gian để “rút về” với bản thân mình. Cháu yêu quý khoảng thời gian ít ỏi đó trong ngày, và tôi cũng yêu quý thời gian ấy của cháu. Đó là những lúc người ta sống chậm lại, suy nghĩ, quan sát xung quanh và lắng nghe cảm xúc của mình nhiều hơn. 

Nhờ vậy, cháu không sốt ruột khi thấy bạn bè đi học thêm mùa hè trong khi mình chỉ đi chơi và đọc sách. Nhờ vậy, cháu ít bị đám đông “quy định” mình phải ăn mặc thế nào, đọc sách gì, nghe nhạc của ai... Cháu chỉ thích giải trí theo cách của mình.

Có thể mai này cuộc sống hối hả sẽ kéo cháu đi nhanh đến mức chẳng kịp nhìn thấy bông hoa bên đường dịu dàng như thế nào, chẳng kịp chọn con đường đẹp hơn để đi dù nó xa đến đâu. Có thể cháu bận bịu đến mức không còn dành nửa tiếng để suy nghĩ về những gì đã xảy ra trong ngày và về chính mình. 

Có thể mai này cháu sẽ sống nhanh đến mức không còn nhớ mình đã từng có nửa tiếng… sống chậm quý báu mỗi ngày. Vì vậy, tôi viết lại thói quen cháu đã có được từ mười năm nay, về những ngày tháng mang lại cảm xúc đẹp đẽ tinh khôi mỗi khi cháu tự “đối diện” với mình, chỉ để lưu giữ giúp cậu bé mười lăm tuổi vô cùng yêu quý của tôi. 

An Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI