Con đòi chuyển lớp vì 'ghét con nhỏ đó'

05/08/2017 - 10:12

PNO - Ở tuổi cấp 2, các cháu rất cần được cha mẹ hướng dẫn cách chọn bạn mà chơi, cách giao tiếp cùng bạn để phát triển mối quan hệ lành mạnh, tốt đẹp với mọi người xung quanh.

Con gái 11 tuổi của tôi gần đây hay hỏi: "Hồi xưa đi học mẹ có ghét ai không?" Tôi nghĩ chuyện con nít chẳng có gì nên cũng thờ ơ, trả lời là không cho qua chuyện; lần nào cũng nghe con lầm bầm: "Sao không ghét ai được nhỉ...".

Mới đây, tôi đưa con đến trường mới để làm thủ tục nhập học cấp 2. Đứng xem danh sách các bạn cùng lớp, cháu sầm mặt, xé bỏ luôn tờ giấy đang dán trên bảng thông báo trước mặt nhiều người, khiến tôi rất bất ngờ.

Lên xe về, cháu khăng khăng đòi chuyển lớp, nếu không sẽ nghỉ học. Tôi không thể chiều con như vậy, nhưng hỏi lý do, cháu nhất định không nói, chỉ hậm hực: "Con ghét con nhỏ đó!", rồi thôi.

Có cách nào để cháu tâm sự với mẹ không?

Gia Linh
(Hóc Môn)

Con doi chuyen lop vi 'ghet con nho do'
 

Chị Gia Linh mến, 

Nhiều cha mẹ cũng đặt hỏi câu tương tự như chị, là làm sao để con chịu tâm sự với mẹ mọi chuyện như thời còn bé, giúp mẹ hiểu con trong tuổi dậy thì. Thông thường, chỉ cần cha mẹ thật sự muốn nghe, đến một lúc nào đó tự con sẽ nói ra. Trong câu chuyện của chị, cháu cũng đã gửi tín hiệu muốn tâm sự với mẹ bằng câu hỏi: "Hồi xưa đi học mẹ có ghét ai không?", chỉ tiếc là chị đã bỏ qua.

Nếu lúc đó chị lắng nghe, chia sẻ một vài kỷ niệm với con và hỏi thăm việc con có ghét ai không, có lẽ cháu đã kể những gì đang diễn ra ở lớp, cháu đang bức xúc với bạn nào… Ngày nay, vì bận rộn nên nhiều người đã không dành đủ sự chú tâm cho con, thờ ơ trả lời cho qua những câu hỏi, câu nói bâng quơ của con… 

Sự việc cháu xé danh sách lớp trước mặt mọi người và đòi chuyển trường là một tín hiệu quyết liệt; cho thấy cháu có xung đột mạnh và nhiều cảm xúc rất tệ với một bạn thời tiểu học; giờ lên cấp 2, cháu chấp nhận lại học cùng lớp với “kẻ thù”. Nếu cháu đi học trong tâm trạng đó, sẽ không tốt cho quá trình học và vui chơi của cháu. Chị phải chú ý để giải quyết vì hậu quá có thể khó lường. Hiện cháu chưa sẵn sàng chia sẻ, chị nên kiên nhẫn đợi.

Trước mắt, chị có thể tìm hiểu thông tin từ bạn bè, thầy cô thời cấp 1 của cháu xem chuyện gì đã xảy ra giữa cháu và bạn đó. Hiểu được nguyên nhân và mức độ xung đột, mới có thể giúp con hiệu quả được. Nếu hóa giải được mâu thuẫn, chị mới nên để cháu học tiếp cùng bạn, nếu không, chuyển lớp là giải pháp chị cần tính đến. Đây không phải là nuông chiều mà là để bảo đảm sự thoải mái, vui vẻ và an toàn của con khi đến lớp.

Gần đây, chắc chị cũng biết, đã có nhiều vụ bạo lực học đường, mà nguyên nhân là từ những xung đột giữa học sinh với nhau. Mặt khác, dù có chuyển lớp hay không thì cháu và bạn kia cũng vẫn học cùng trường, chị không được lơ là mà phải quan tâm sát sao đến cháu. Chị cũng có thể trao đổi với nhà trường, với giáo viên chủ nhiệm để cùng hợp tác giúp các cháu hòa giải. 

Riêng hai mẹ con, chị cần quan tâm hơn đến các sinh hoạt thường ngày của cháu; tạo cơ hội tối ngủ cùng con, chủ động tâm sự chuyện ngày xưa của bố của mẹ. Không bao giờ là quá muộn để tâm sự cùng con, bởi các con luôn cần được cha mẹ cởi mở trước, mới dám cởi mở chuyện của mình.

Chị có thể đưa cháu đi chơi, đi mua sắm để cháu vui lên và khi có điều kiện, cháu sẽ mở lời. Nếu thấy khó nói chuyện với cháu, chị có thể nhờ bố cháu làm việc này. Dù cha mẹ có biết rõ mọi chuyện qua bạn bè, thầy cô thì việc lắng nghe con trút bầu tâm sự là rất cần thiết và quan trọng, để có thể hóa giải cảm xúc tiêu cực lâu nay của cháu. Nói ra được, cháu sẽ nhẹ lòng hơn, bớt căng thẳng hơn khi đến trường. 

Kết thúc chuyện này, anh chị nên hướng cháu đến những mối quan tâm mới như tạo điều kiện cho cháu thực hiện những sở thích, tham gia sinh hoạt đội nhóm… Từ đó, cháu sẽ có cơ hội có thêm bạn mới. Ở tuổi cấp 2, các cháu rất cần được cha mẹ hướng dẫn cách chọn bạn mà chơi, cách giao tiếp cùng bạn để phát triển mối quan hệ lành mạnh, tốt đẹp với mọi người xung quanh.

Lứa tuổi này rất coi trọng bạn bè, ảnh hưởng nhiều từ bạn bè; cha mẹ phải thật lưu ý để giúp đỡ con khi cần. Vai trò của cha mẹ lúc này không còn là chăm sóc con như khi con còn bé nữa, mà là làm người cố vấn, người khích lệ, động viên, giúp đỡ con. Có cha mẹ đồng hành, lắng nghe và tôn trọng suy nghĩ của mình, cháu sẽ vượt qua được những khó khăn tuổi dậy thì. 

 Chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI