Con chỉ biết ly sinh tố, ly nước dừa, ly kem... chứ đâu biết ly hôn là gì!

21/05/2017 - 16:02

PNO - Mưa vẫn không ngừng rơi tong tong…tong tong…vào tất cả các xô, chậu, thau, thùng… quanh căn nhà nhỏ. Mồ hôi hay nước mắt mà cay xè tâm hồn chị.

Thằng bé gọi giác hơi là “nhốt lửa”. Nó bảo mai mốt lớn sẽ nghiên cứu xem tại sao cái ống giác nhỏ xíu vậy mà nhốt được cả lửa nhưng người không bị phỏng mà bệnh thì lại bớt.

Con chi biet ly sinh to, ly nuoc dua, ly kem... chu dau biet ly hon la gi!
Ảnh minh họa

Chị bị cảm.

Vì hôm qua ráng làm cho xong cái chuồng gà để hôm nay nhận của Hội Phụ nữ xã 30 con gà giống. Gà thả vườn chính hiệu, trong chương trình “Giúp nhau thoát nghèo”.

Chị chủ tịch Hội bảo, của ít lòng nhiều, nhà gà ấp “chính chủ” nên chờ lẻ mẹ rồi chị mới tuyển đem tặng nhau đó. Nếu chịu khó chăm sóc, cứ rau cải vụn, xác đậu nành nấu chín ra, rồi đầu cá hầm nhừ và chuồng trại vệ sinh kỹ, gà sẽ nhanh lớn và không bị bệnh.

Nói gì chứ nuôi gà chị cũng từng nuôi rồi. Chỉ có điều là gà ấp lò, đi đứng còn nghiêng nghiêng đã bị đem bán. Không mua thì làm sao một lúc có vài chục con? Nhưng năm chục con ấy, ba ngày sau rủ nhau “đi chơi” hết một chục. Tuần lễ nữa thì chỉ còn ba mươi con.

Đến khi chúng xượt lông cánh thì đàn gà chỉ còn mười chú. Toàn gà trống nên không mong có cái trứng nào. Mà gà giống kiểu đó trôi nổi lắm, nuôi hoài cứ đẹt ngắt nên sau ba kỳ nuôi chị đã bỏ hẳn.

Giờ có mớ gà ấp mẹ, đã có lông cánh nên chắc chắn là khỏe re, nên chị cố dầm mình trong mưa mà làm cho xong cái chuồng. Vì ngày mai, nghe đâu chính tay chủ tịch Hội sẽ thả gà vào chuồng cho hội viên, có nhà báo quay phim chụp hình nữa. Trang trọng vậy, nên giàn lưới ráng mà căng cho thẳng, chứ lùng nhùng thì “lên sóng” mất đẹp. Cái cửa chuồng gà phải mua hết ba cây tầm vông mới đóng thẳng thớm được đó.

Con chi biet ly sinh to, ly nuoc dua, ly kem... chu dau biet ly hon la gi!
 

Tầm 10 giờ sáng, trời vẫn mưa rỉ rả. Gà đã theo kế hoạch không thể ngừng trao. Hên là chuồng gà nhà chị đẹp, chắc, có nơi trú mưa cho gà, có sân ăn, có đụn cát cho gà tắm hẳn hoi nên chị chủ tịch Hội vui lòng bảo “Trời, ai cũng làm chuồng gà đạt chuẩn như chị Son chắc phụ nữ ta không còn ai nghèo hết hén?”.

Rồi chị được yêu cầu nói vài lời trước ống kính, rằng cảm ơn sự quan tâm của chị em cấp trên, người nghèo như vầy là được động viên lắm, phụ nữ đơn thân như chúng tôi sẽ cố gắng lao động tốt, dạy con ngoan để mai này giúp lại chị em khác. Cô phóng viên cười tươi rói, rằng chị nói năng suôn sẻ quá, về em khỏi chỉnh sửa biên tập gì, chị nói cứ như là cô giáo ấy!

Tiễn đoàn về xong thì chị cũng… đi nằm vì chóng mặt bởi mơi giờ chưa kịp ăn sáng. Phần thuốc cảm chiều qua vẫn còn. Cái đói và cơn chấp chới khiến chị nằm mà nghe như ai đó rải một mớ đá lổn ngổn dưới nệm. Cảm giác tức lói ở phổi và đau ở thắt lưng. Mắc mưa và rinh cát nặng đây mà.

Thằng con trai 13 tuổi pha cho mẹ tô cháo bịch, lóng ngóng múc lên đổ xuống cho nguội rồi như nhà bác học bị trái táo rơi trên đầu, nó “À…” thật dài và đưa tô cháo nóng đặt trước máy quạt. Một phút ba mươi giây, tô cháo chỉ còn âm ấm. Thằng con kéo mẹ ngồi dậy, đặt cái gối vào tường cho mẹ dựa để ăn cháo. Chị nói nhỏ “Giác cho mẹ đi. Mắc mưa nặng lưng quá”.

Thằng bé cũng đã tập việc giác hơi vài lần rồi. Chỉ là lấy cây rọi, bật quẹt lên, nhũi cây lửa ấy vào ống giác, rồi ịn thật nhanh chiếc ống thủy tinh vừa “ăn lửa” đó lên lưng mẹ thôi mà. 

Thằng bé có nhiều ý tưởng, nó không gọi “giác hơi” như người ta mà gọi là “nhốt lửa”. 

Nó cầm cây rọi, chị nhắc:
- Coi cục bông gòn chặt hông con, nó sút ra là chết!

Nó nhũi cây rọi vào ống giác, chị lại nhắc:
- Để nó xích ra phía ngoài, lỡ có rớt cũng không sao!

- Mẹ để im con giác nè! Á… trời ơi cái miệng mẹ linh như miễu, rớt rồi!

Sau tiếng “rồi” của nó là một ngọn lửa nhỏ bốc cháy ở góc tấm nệm.

Thằng con lấy dép đập liên hồi vào đốm lửa. Kết cuộc: lửa tắt, nệm cháy và… dẹp mớ ống giác.

Chiều muộn. Ông trời vừa còn trong veo đó đã bất giác đổ mưa. Bầy gà kêu nháo nhác bởi lạ chỗ và những sợi nước cứ quất tứ tung bốn phía theo từng cơn quăng quật của đất trời. 

Thằng con 13 tuổi đội áo mưa cầm cái thau giặt đồ ra chuồng gà, việc đơn giản nhất là gom mớ gà lại úp trong thau. Nó làm việc thành thạo và không cần mẹ hướng dẫn. 
Trong khi đó, thằng con bảy tuổi nháo nhác lấy thau hứng nước mưa trong nhà bếp, giữa phòng khách, nơi phòng ngủ…

Mỗi chỗ, ông trời chỉ rơi xuống một vệt nước thôi, nhưng tàn cây mưa nhà cũng hóa ra ướt nhẹp. Bao nhiêu nồi, thau, xô, chậu... thằng cu con đều mang ra hứng nước trong khi chị vẫn nằm bơ phờ vì cơn sốt.

Điện cúp. Trời còn lờ mờ đã hóa ra tối om. Cái lạnh từ đâu tràn khắp căn nhà nhỏ. Đèn dầu hai cây không đủ sáng nên thằng anh “sáng kiến” bằng cách đốt lửa trong thau để cả nhà vừa ấm, vừa sáng. Củi có sẵn vì nhà chị lúc nào cũng “thủ” hai loại bếp. Bếp gas và bếp củi.

Hôm nào bận quá thì nấu bếp gas, rảnh thì dùng bếp củi vì dù sao bếp củi vẫn ngon cơm hơn, đặc biệt lớp cơm cháy cứ giòn kháu và ngọt đến tận chân răng. Thêm chút dầu hành rưới lên lớp cơm cháy nhé, ba cha con sẽ vừa nằm võng vừa hát liên khúc rất êm đềm.

Con chi biet ly sinh to, ly nuoc dua, ly kem... chu dau biet ly hon la gi!
 

Lửa đã nổi lên trong chiếc thau thủng đáy vốn để trồng hành. Thằng con 13 tuổi còn biết lấy chút tro đổ dưới đáy thau cho lửa dễ cháy mà không bị nám nền nhà:

- Anh Hai… anh Hai… lửa múa đẹp quá kìa!
Thằng em bảy tuổi reo hò như lần đầu thấy lửa.

- Xích ra để phỏng!
- Có củ gì để nướng không anh Hai? Khoai lang là ngon nhất đó! Hồi đó ba hay làm vậy…

- Ừ mưa vầy ăn khoai lang nướng là số dzách!

- Bé nhớ hồi đó ba có ở nhà, lúc mưa vầy nè, ba hay nướng khoai cho ăn… Giờ ba đi đâu... híc... híc... sao lâu quá không về?

- Nhoi quá! Khóc hoài! Mẹ nói rồi, ba đi công tác, lâu lâu sẽ về thăm anh em mình mà bé không nhớ sao?

Thằng anh ra vẻ người lớn an ủi em. Bởi thật ra nó biết ba mẹ ly hôn, chỉ thằng em là không. Mà nếu nói “ly hôn” thằng em sẽ hỏi tới “ly hôn là gì? Bé chỉ biết ly sinh tố, ly nước dừa, ly kem… chứ còn ly hôn nó có màu gì, nó có ngọt không?” thì anh Hai chỉ có nước “bí lù”.

Vậy nên chị dạy con trai lớn, mỗi khi em hỏi ba, cứ nói “ba đi công tác lâu lâu mới về” cho yên chuyện rồi từ từ lớn em sẽ hiểu.

Những que củi nhãn giờ đã bắt đầu đượm một lớp than dưới đáy thau. Thằng con nhỏ ngồi bó gối nhìn lửa. Chị muốn nhấc mình dậy nhưng đầu nặng trịch và cả cơ thể ê ẩm như võ sĩ vừa đi đấu võ đài về.

Thằng con lớn lại đội mưa ra vườn. Chốc sau nó ào vô nhà với rổ khoai mì và nắm lá xông, bảo em:

- Không có khoai lang, củ mì nướng ăn đỡ nha! Coi chừng nó khét, anh Hai đi nấu xông cho mẹ.

Chị chỉ nghe được bấy nhiêu rồi chìm vào giấc ngủ nhọc nhằn đến khi mùi lá xông với hương lá sả, lá bưởi, é tía tràn ngập khắp căn nhà nhỏ chị mới tỉnh giấc. Thằng con 13 tuổi hân hoan:

- Dậy xông đi mẹ. Hết cảm liền à! Bé… bé… gắp củ mì ra, có mùi khét rồi kìa!

Nồi nước lá xông đã được bưng tới giường, chị cố gắng ngồi dậy mà nghe thương con đắng dạ bởi khuôn mặt đáng ra phải vô ưu và sạch sẽ như thiên thần kia, bây giờ đang lem nhem màu tro than củi lửa.

Chị trùm mền lên người mà vẫn còn thấy thau lửa của con nhảy múa nhiều vũ điệu. Thằng bé bảy tuổi thì khom sát mấy củ khoai mì mà anh đang cạo vỏ.

- Anh Hai nhốt lửa vô thau để nướng củ mì vầy thật tuyệt đỉnh công phu Pan-đa đó nhen!

- Tuyệt cái gì, khét nghẹt rồi nè! Nếu mà có ba đó hả, ba nướng ngon lắm, không khét củ nào hết.

- Vậy mình gọi điện kêu ba về nướng củ mì ăn chơi đi anh Hai! Thằng em tíu tít. 

Sững lại vài giây, thằng anh nhỏ giọng:

- Nhoi nữa! Đã nói ba đi công tác xa… Ừ mà chừng nào ba về anh em mình sẽ rủ ba nướng củ mì, củ lang trong thau lửa vầy ăn đã luôn hén bé?

Mưa vẫn không ngừng rơi tong tong…tong tong…vào tất cả các xô, chậu, thau, thùng… quanh căn nhà nhỏ. Mồ hôi hay nước mắt mà cay xè tâm hồn chị.

Lửa vẫn bị con chị nhốt trong chiếc thau nhôm và nó vẫn ồn ã với nhiều vũ điệu bập bùng gian bếp nhỏ. Kim đồng hồ gõ tám tiếng. 

Điện vẫn cúp. 

Đ.P Thùy Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI