Con cái chúng ta đang làm gì trên facebook?

05/10/2017 - 06:00

PNO - Có thể nhận ra, lý do lớn nhất dẫn đến tình trạng sử dụng fb một cách vô bổ, nhạt nhẽo của bọn trẻ, chính là chúng chỉ mới là... những đứa trẻ.

Dù mạng xã hội facebook (fb) giới hạn độ tuổi người dùng (yêu cầu khi lập tài khoản là trên 13 tuổi), nhưng phần lớn trẻ em vẫn vượt rào và ngày đêm online, hết sức sôi động. Tuy vậy, “con mình đang làm gì trên fb” là câu hỏi không phải phụ huynh nào cũng trả lời được.

Con cai chung ta dang lam gi tren facebook?
Ảnh minh họa

Tán tỉnh nhau, copy bài tập

Chị Tuyết Mai cho biết con gái chị sử dụng fb từ năm học lớp Năm. “Ban đầu cháu chỉ đưa những bức ảnh chụp gia đình, nhưng gần đây, tôi phát hiện cháu thường xuyên vào fb tán gẫu với các bạn về chuyện giới tính, yêu đương, tán tỉnh, hẹn hò nhau như người lớn” - chị Mai tâm sự không thể đọc những đoạn chat của con để nắm bắt những vấn đề của chúng, chị có cảm giác bất lực.

Gần đây, biết mẹ chú ý mình, con gái chị Mai lẳng lặng lập thêm tài khoản fb, một để đối phó với cha mẹ thầy cô, một để trao đổi với bạn bè về những điều “thầm kín”. Đứa cháu trai của chị Mai thì kiên quyết hơn, thẳng tay block (chặn) cả cha và mẹ, dì, ông bà, khiến không cách nào phụ huynh tìm ra con em trên thế giới mạng.

Một phụ huynh khác kể rằng, con chị sử dụng tính năng trò chuyện nhóm trên fb để học nhóm. Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng phân công nhau làm bài tập, chỉ cần một bạn giải bài tập rồi đăng lên group, sau đó cả nhóm chép mà không cần phải suy nghĩ gì. “Điều này vô cùng nguy hiểm, tôi đã báo động việc này đến giáo viên chủ nhiệm và các phụ huynh khác để chấn chỉnh con em”, chị nói.

Tung tiền mua like ảo, nói xấu thầy cô 

Một lần con gái tôi xin tiền mua một chiếc áo bán trên mạng. Khi thấy tôi không tin tưởng những giao dịch ảo, con gái tôi khẳng định: “Mẹ yên tâm , shop này là của bạn con, chỉ bán cho bạn bè thôi. Bạn mua cái áo giá vốn là 50 ngàn đồng, nhưng bán chỉ 45 ngàn đồng, lại còn miễn phí tiền giao hàng”.

Con cai chung ta dang lam gi tren facebook?
Ảnh minh họa

Con gái tôi năm nay học lớp Bảy, tức là cô bạn của con cũng chỉ tuổi 12. Làm chủ doanh nghiệp ở độ tuổi này có lẽ “oai” hơn khối bạn đồng trang lứa nên cô bé kia sẵn sàng bỏ tiền túi ra để kinh doanh kiểu oái oăm như vậy! Tiền đâu để bé bù vào, nếu không phải tiền cha mẹ?

Fb có ma lực rất khủng khiếp đến người lớn còn “mê muội” huống hồ là trẻ em. Đó là tính năng hiển thị số người like dưới mỗi trạng thái hay bài viết. Trong thế giới của những đứa trẻ đang xảy ra một hiện tượng “ghen ăn tức ở” giữa những cô bé, cậu bé hot facebooker (người nổi tiếng trên fb). Như kiểu con gà tức nhau tiếng gáy, cứ một bạn đăng một status được 300 like, thì một bạn khác sẽ tìm mọi cách để có được số like cao hơn.

Để làm điều này, bạn nhỏ đó sẽ bỏ tiền thật ra mua like ảo từ những hacker chuyên tạo “bom like” hoặc vận động bạn bè cùng lớp, cùng trường, thậm chí là... cùng quận bấm like để có con số mơ ước. Mục đích của trò này đơn giản là để chủ tài khoản “đã hot lại càng thêm hot”.

Ngoài những trò vô bổ trên, fb còn là một nơi để các bạn học sinh trút giận, nói xấu, chửi mắng bất cứ ai đã có những hành động không đúng mực với các bạn ở đời thường. Cách đây không lâu, từng có một nữ sinh ở một trường trung học cơ sở bị buộc thôi học 10 ngày, vì đã dùng lời lẽ thiếu văn hóa xúc phạm giáo viên chủ nhiệm trên fb. 

Cấm hay quản? 

Có thể nhận ra, lý do lớn nhất dẫn đến tình trạng sử dụng fb một cách vô bổ, nhạt nhẽo của bọn trẻ, chính là chúng chỉ mới là... những đứa trẻ. Ở độ tuổi dưới 13, các bé chưa thể phân biệt phải trái đúng sai, dễ thỏa hiệp, dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, dễ có tham vọng muốn chứng tỏ mình là người lớn dù những “chất liệu” để trở thành người lớn còn rất non nớt. 

Một số phụ huynh chọn cách cấm con sử dụng fb và điều này đồng nghĩa với việc cấm con sử dụng các thiết bị nối mạng. Nhưng một số phụ huynh khác không thể dùng cách cấm đoán này vì con họ  phải sử dụng máy tính để học hành, lên mạng tìm thông tin và vì không phải khi nào cha mẹ cũng ngồi kè kè bên cạnh nên trẻ thừa khả năng lén tạo tài khoản cá nhân và lén chơi fb.

Hiện chưa có quy định chung nào của ngành giáo dục về việc học sinh sử dụng fb. Tuy nhiên, để bảo vệ học sinh trước những tác hại của thế giới ảo, nhiều trường học đã chủ động đưa nhiều điều khoản cấm với học sinh vào quy chế nhà trường.

Cụ thể như Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình), trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) từng đưa ra những quy định như không văng tục, chửi thề, kể cả nói bậy bằng những chữ viết tắt... trên fb; Phải sử dụng ngôn ngữ trong sáng, thuần Việt, không nói xấu bất cứ ai hoặc gây hiểu lầm cho người khác trên mạng xã hội... Dẫu biết những quy định này không có khả năng kiểm soát tất cả các tài khoản, nhưng dù sao cũng cần thiết và cần được nhân rộng hơn là thả lỏng, buông trôi. 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI