Có qua gian khó, mới hiểu lòng nhau

09/07/2016 - 11:44

PNO - Dành cả một buổi sáng Sài Gòn sũng mưa, tôi ngồi nghe anh chị kể chuyện cuộc hôn nhân của họ. Chị bình thản, ít nói. Anh cười vang, ấm áp, cho dù có những chuyện nghe buồn thê lương.

Đôi khi tôi vẫn thầm nghĩ, con người kể cũng lạ, lúc nào kể lại chuyện đời mình cũng nhìn dưới màu sắc tươi vui. Cứ như lúc ấy, khi ngồi kể lại câu chuyện, mọi thứ đã đi qua chỉ là những trải nghiệm làm dày thêm màu sắc của cuộc sống.

Nói chuyện với anh chị xong, tôi cứ bâng khuâng mãi. Một câu chuyện có kết thúc ấm áp của gia đình anh Quốc Thắng - Trưởng phòng Văn hóa thông tin Quận 4, TP.HCM.

Co qua gian kho, moi hieu long nhau
Gia đình anh Quốc Thắng - Trưởng phòng Văn hóa thông tin Quận 4, TP.HCM.

"Bà lớn tuổi hơn tui mà..."

Tốt nghiệp trung cấp mỹ thuật, anh về Vĩnh Long công tác theo sự phân công của trường. Chị cũng vậy. Những ngày đầu đất nước mới thống nhất, khó khăn chất chồng. Tuổi trẻ nhiều lý tưởng và sẵn sàng cống hiến, hai người Sài Thành thứ thiệt ấy lặn lội về miệt vườn và gắn chặt đời mình ở đấy.

Và thế là nên duyên. Anh cứ đùa “lúc đó có ai đâu, hai người làm việc cùng nhau, cãi nhau, yêu nhau rồi cưới nhau. Xung quanh chỉ có hai người mà, buồn quá chắc chả biết làm gì. Bả lớn tuổi hơn tui mà, lớn hơn ba tuổi…”. Đất lành đãi người hiền, nên anh chị cứ thế mà sống, mà làm việc và cùng nhau nên nghĩa. Những ngày trẻ, đôi khi chỉ cần yêu nhau và cùng chí hướng là đủ, “có tình yêu sỏi đá cũng thành cơm mà!”.

Năm 1980, chị sinh đôi hai cô con gái đầu lòng. Mới nghe nói đến đó thôi, trong tôi đã kịp hình dung đầy rẫy những khó khăn chực chờ. Không khó khăn sao được với đồng lương viên chức ít ỏi, những ngày gian khó nhất của cả nước, nuôi một lúc hai đứa bé, không người thân bên cạnh. “Tới giờ tôi vẫn luôn luôn nể phục vợ mình, là họa sĩ, tâm hồn rất nghệ sĩ, nhưng cô ấy cả đời không biết chưng diện là gì, chỉ cặm cụi chăm sóc chồng con”.

Anh nói, trong bất cứ tình huống nào, anh luôn cố gắng chu toàn trách nhiệm với vợ con. Cuộc sống thời tem phiếu, anh sợ con mình không đủ chất.

Lãnh được phần thịt cá nào, anh vội mang về nhà ngay. Anh nhớ lại, có lần vì mải vui, anh đã “hùn” với bạn bè nhậu mất, cái bản chất nghệ sĩ dù thế nào vẫn còn đó, dù cuộc sống có vùi dập. Mấy ngày sau, chị cứ gặng hỏi mãi, anh đành thú thật. Về sau anh luôn tự dặn lòng mình không bao giờ như thế.

Rồi hai vợ chồng bấm bụng gửi bớt một cô con gái cho bà ngoại ở TP.HCM nuôi, để giảm gánh nặng cho anh và chị có thời gian quay lại với công việc, bớt gánh nặng mưu sinh. Nhưng ông trời dường như không chiều lòng người. Cô con gái đang sống với vợ chồng anh bị sốt cao. Anh tức tốc ẵm con về thành phố khám bệnh. Về đến nhà. Mới biết cô bé gửi bà ngoại nuôi cũng đang nằm viện. Anh chạy vào bệnh viện Nhi đồng, nhìn con nằm thiêm thiếp, hai mắt sưng húp mà không cầm được nước mắt.

Đòn số phận giáng một cú chí tử vào gia đình anh, “ngày ấy, có vắc-xin chích ngừa gì đâu, có lẽ đó là nỗi đớn đau đeo bám tui và vợ đến tận giờ”. Lúc bác sĩ thông báo con gái bị sốt bại liệt, chính anh còn lơ mơ chưa hiểu hết cơn bệnh này tàn nhẫn đến mức nào. Lúc ấy, cô chị được báo là bị viêm nhãn cầu, một mắt có nguy cơ không thể nhìn thấy. Hai vợ chồng chỉ còn biết ôm nhau khóc. Anh chị có cảm giác số phận ác nghiệt ụp xuống đời mình. Từ chỗ an vui, hai cô con gái đang ngoan ngoãn xinh xắn bỗng chốc trở thành trẻ khuyết tật. Khó khăn, buồn đau. Chỉ một suy nghĩ, nếu vợ chồng không kề vai sát cánh có lẽ sẽ không thể vượt qua...

Cuộc đời vẫn đẹp sao...

Trước tết Nguyên đán vừa rồi, cô con gái bị sốt bại liệt đám cưới. Nhìn con trong áo cô dâu, anh bật khóc. Cảm giác như mình đã đi một đoạn đường quá dài của cuộc đời và đã đến lúc mình được chậm lại để tận hưởng cuộc sống. Rể của anh chị cũng là một chàng trai khuyết tật, mồ côi cha mẹ. Hai bạn trẻ gặp nhau trong trường trẻ em khuyết tật, cùng học đồ họa và đi làm để có thu nhập. Công ty của chàng rể có tặng vợ chồng một căn hộ để ra riêng. Thật nhiều điều may mắn! “Con rể tui là một thanh niên tốt, có chí tiến thủ. Cháu mồ côi nhưng biết phấn đấu lắm, chính tôi cũng nể phục tinh thần đó”, anh tự hào.

Co qua gian kho, moi hieu long nhau
Gia đình anh Quốc Thắng đầy đủ các con trai, con gái, dâu rể và các cháu nội ngoại

Khi kể về con gái, về đám cưới, về những người ơn đã cưu mang giúp đỡ vợ chồng anh những ngày mới về lại Sài Gòn lập nghiệp, mắt anh rưng rưng: “Giờ nghĩ lại những ngày đó, thấy vợ chồng mình sao giỏi quá, đã đi qua hết bao nhiêu những đoạn trường”. Chăm sóc hai cô con gái khuyết tật cùng với cậu con trai nhỏ mới sinh, chị vẫn động viên anh học lên đại học. Có cảm giác chị như lực sĩ, vững vàng chiến đấu với khó khăn, chăm con, vun vén cho gia đình, chẳng còn để ý gì tới bản thân.

Còn anh, chẳng hiểu động lực ở đâu, mà mỗi ngày vẫn nuôi ý chí học cho xong đại học. Đoạn đường từ Khánh Hội - Quận Tư qua trường đại học Mỹ thuật xa thăm thẳm, anh vẫn đều đặn đạp xe mỗi tối, không bỏ học bữa nào. “Ngày cuối cùng của 5 năm học, tui mới dám ghé vào quán phở dưới chân cầu Bông, gọi một tô phở, kêu thêm ổ bánh mì, chấm vào tô nước lèo. Tự thưởng cho mình. 5 năm qua lại quán phở đó, chưa khi nào tôi dám ăn. Hẹn với lòng phải chờ đến ngày cuối của lớp học. Chứ eo hẹp quá, mình đâu dám phung phí, tội nghiệp vợ con”.

Cô con gái nhỏ năm nào sốt bại liệt sau bao nhiêu năm phấn đấu, cũng vào đại học, hoàn tất việc học hành. Con gái lớn học các khóa đồ họa và đi làm. Cuộc sống dần dà dễ thở hơn với anh chị. Chị nghỉ làm hẳn, ở nhà cơm nước cho mấy cha con. Anh luôn luôn phấn đấu trong công việc để không bị tụt hậu so với lớp trẻ. Anh hay tự nhủ “mình sẽ làm được, vì đời mình, chưa có việc gì tệ nhất mà mình chưa trải qua”.

Ngày con gái đầu sinh cháu ngoại, con rể cũng là một chàng trai khuyết tật, hai vợ chồng anh chị hồi hộp chạy thẳng vào bệnh viện ngóng chờ. Dù biết chẳng có di truyền nào từ việc này. Dù đã được bác sĩ tư vấn là không sao. Nhưng anh vẫn lo. Những dấu ấn từ ngày ấy như hằn sâu trong tim anh, mỗi khi nhìn một đứa bé khuyết tật nào, anh lại thấy nỗi ân hận dày vò đến mất ngủ. Cô cháu gái đầu tiên sinh ra lành lặn, khỏe khoắn. Anh chị thở phào. Cuộc sống đã tưởng thưởng xứng đáng cho anh chị, cho những yêu thương và cho cả những nước mắt anh chị đã cùng nhau. Một đoạn đời dài…

Nhà anh chị bây giờ thành nơi nuôi dạy trẻ em khuyết tật. Chị đi chợ nấu ăn mỗi ngày cho các cháu. Cô con gái dành hết thời gian của mình cho dạy dỗ các em. Hoàn toàn miễn phí. Trong điều kiện eo hẹp của gia đình, anh chị vẫn muốn cho các em khuyết tật một nơi nương tựa, được học một cái nghề để có thể tự nuôi bản thân. Nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu đến từ việc bán các sản phẩm do các em được chỉ dạy và thực hành. Anh chị và cả cô con gái không nói nhiều về việc này, họ chỉ âm thầm làm như bao năm qua vẫn thế. “Mai mốt hưu rồi, chắc tui cũng về nhà phụ vợ và con chăm lo lớp học”, anh nói nhẹ tênh.

Đoàn Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI