Có nhất thiết phải sắm Trung thu xa xỉ?

11/09/2019 - 14:00

PNO - Trẻ con bây giờ có quá nhiều đồ chơi và bánh trái trong dịp Trung thu, nào đèn lồng đủ loại, mặt nạ, đầu lân, trống, bánh nếp, bánh dẻo… Cha mẹ sẵn sàng móc hầu bao để con vui, thậm chí đến mức xa xỉ.

Có cô giáo một mình nuôi con với số lương hợp đồng ít ỏi, nhưng Trung thu năm nào cô cũng đưa con xuống phố coi múa lân, có năm thỉnh luôn cái đầu lân hoành tráng và mua bánh Trung thu đắt tiền, sắm nhiều loại lồng đèn cho con trai.

Bạn nói mua đủ để hợp thành một đội lân cho con và bạn bè vui chơi hết mùa Trung thu. Rất vui khi thấy con có biểu hiện năng khiếu nhảy múa, ưỡn, lui, phóng, nhào, lăn lộn, cu cậu ngộ nghĩnh như người biểu diễn lân chuyên nghiệp - bạn chia sẻ vậy. Nhưng tình hình có phần căng vì chưa tới kỳ lương đã hết tiền.

Tôi nghe mà chẳng biết nói sao, vì quan niệm của tôi không giống bạn. Đành rằng Trung thu là kỷ niệm sẽ theo con suốt đời nhưng không có nghĩa cha mẹ phải thắt lưng buộc bụng để mua sắm xa xỉ.

Co nhat thiet phai sam Trung thu xa xi?
Ảnh minh hoạ

Hồi nhỏ nhà nghèo, tôi không được xem múa lân, phá cỗ nhưng ký ức Trung thu của tôi bây giờ vẫn đẹp đẽ tinh khôi. Đâu có tốn kém gì. Chỉ là cha sẵn sàng bỏ một ngày làm đồng để ở nhà chế tác lồng đèn ông sao bằng tre cho con gái rượu, vậy là vui vẻ bỏ cây nến vô, cầm tung tăng trên những con đường nhỏ trong xóm. Đi đã rồi về trải chiếu nằm giữa sân nghe cha mẹ kể chuyện ngày xưa. 

Còn trò phá cỗ? "Bánh" Trung thu là một xoong chè đậu xanh. Cả nhà vừa ăn vừa rôm rả trò chuyện. Trung thu nghèo quá hả? Vâng, nghèo mà vui. Không thể đòi hơn được đâu. Nhà nghèo con đông mà.

Bây giờ, nếu so với con của bạn thì con trai tôi quả thiệt thòi. Nhưng cái chính là tôi quan niệm vui tươi không đồng nghĩa với lãng phí, vì khi chính thức trở thành bà mẹ đơn thân tôi mới thấm thía gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. 

Để con không đua đòi Trung thu xa xỉ với bạn bè, tôi kể con nghe Trung thu của mẹ ngày xưa và rủ con tự chế tác lân và cùng biểu diễn. Tôi lấy thùng giấy lớn, cắt, dán, khoét hai lỗ lớn làm mắt và cái miệng rộng để làm đầu lân. Con trai cắt bìa cứng làm lưỡi, tôi cuộn tròn hai tờ giấy thành hình cái sừng. Con chạy đi lấy giấy màu, giấy bạch kim trong gói thuốc mà chú hàng xóm vứt, hai mẹ con ngồi cắt dán, trang trí. Con trai nhanh trí, lấy tấm vải mỏng mẹ để làm khăn tủ, làm mình con lân. Vậy là hoàn thành một cái đầu lân khá bảnh. Con trai cười tít mắt, ôm cái đầu lân đi khoe mấy nhỏ cùng xóm rồi về bảo, chúng bạn đứa nào cũng trầm trồ, thán phục.

Những đêm có trăng thì trò chơi múa lân của hai mẹ con bắt đầu. Mẹ làm đạo diễn, kiêm người gõ trống (trống là cái nắp vung). Con trai làm lân, nằm phủ phục dưới đất, chào gia chủ rồi đưa hai chân lên nhảy múa, uốn lượn. Tiếng trống của mẹ lúc chậm lúc nhanh, tùy nhịp múa của chú lân con. 

Trò chơi múa lân của mẹ và con diễn ra trước sân nhà, dưới ánh trăng vằng vặc, ngôi nhà bừng sáng, rộn rã tiếng cười. 

Nguyễn Thị Bích Nhàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI