Cố gắng làm cho cuộc sống thi vị hơn

08/01/2017 - 11:47

PNO - Khi nhà sách Cá Chép đầu tiên được mở trên đường Võ Văn Tần, facebook bạn bè tôi tràn ngập hình ảnh “lung linh” của một không gian bán sách mới, lạ, đẹp.

Phá vỡ hình ảnh những cửa hàng bán sách thông thường với những kệ dài đều tăm tắp nghiêm trang, nhà sách Cá Chép mang đến một không gian mới thú vị và nghệ thuật hơn, sang trọng hơn. Điều đó khiến tôi không thể không tò mò, nghĩ về người dám đầu tư vào “cuộc chơi” sách, trong thời buổi mà người ta đang kêu than về “văn hóa đọc”.

Và rồi sự tò mò ấy được mở ra, giải đáp phần nào trong một buổi trà chiều nhẹ nhàng với Nguyễn Thủy Hằng Giang, một trong hai người khai sinh ra Công ty sách Đông A và sau đó là hai nhà sách Cá Chép tại TP.HCM.

Phóng viên:

Co gang lam cho cuoc song thi vi hon
 

Nguyễn Thủy Hằng Giang: Tôi và chồng cùng học trường mỹ thuật. Cả hai đều mê sách từ nhỏ. Ra trường, tôi đi làm họa sĩ cho tạp chí , còn chồng  làm cho nhà xuất bản, vẽ bìa, minh họa sách. Là những họa sĩ nên chúng tôi đều muốn sách được đẹp trước tiên.

Ba năm đầu sau khi ra trường, chồng tôi mê công việc vẽ bìa sách đến mức đêm nào cũng thức đến 2 giờ sáng để vẽ. Cho đến một ngày, tôi nhận thấy chúng tôi không chỉ bằng lòng với việc làm đẹp cho những cuốn sách hay tạp chí. Những đam mê, sáng tạo trong công việc này khiến chúng tôi cảm thấy làm đẹp cho nó là chưa đủ. Tôi bảo với chồng, tại sao lại phải bó mình trong một công việc đã trở nên chật hẹp với ước mơ của mình.

Năm 2004, chúng tôi quyết định buông hết mọi việc, bước ra mở công ty và tự làm sách của mình. Và thế là Công ty sách Đông A đã ra đời.

* Phụ nữ thường ủng hộ chồng phiêu lưu theo kiểu “thôi thì (thở dài) cứ để anh ấy làm cho thỏa chí, còn mình thì vẫn làm một cái gì đó chắc chắn, để giữ an toàn cho gia đình”. Còn chị thì lại sẵn lòng buông bỏ tất cả mọi thứ để cùng chồng bắt tay vào một điều mới mẻ. Đó quả thật là một cuộc phiêu lưu, mạo hiểm… có đôi.

- Nhìn qua sự việc thì có vẻ như vậy, nhưng tính đến thời điểm đó, chồng tôi đã làm sách đến ba năm, đã có những kinh nghiệm không chỉ trong việc làm đẹp cho sách. Anh còn có khả năng nhận định về sách. Còn tôi lại có một đam mê khác tiềm ẩn trong người và đam mê đó có thể hỗ trợ được cho anh: tôi có máu kinh doanh và thích làm dịch vụ văn hóa.

Chúng tôi bổ sung cho nhau và có thể chung một hành trình với nhau. Trong cuộc sống chung cũng luôn như vậy: anh là người khởi xướng ra mọi việc, còn tôi là người châm vào nguồn khí lực đó ngọn lửa, thổi bùng nó lên và giữ cho nó cháy.

* Có vẻ như ở gia đình chị, mọi việc hơi khác với những gia đình doanh nhân khác. Thông thường, chồng làm ăn giỏi, có máu kinh doanh, còn vợ là trợ thủ, tham gia giải quyết những vấn đề khác. Trong công việc, anh chị có bao giờ mâu thuẫn hay giẫm chân lên nhau? Phụ nữ kinh doanh thường khá lạnh lùng, lý trí, cứng rắn, chị điều hành công việc kinh doanh của mình bằng thế mạnh nào của cá nhân?

- Chúng tôi hiểu rất rõ thế mạnh của nhau và mỗi người phát huy thế mạnh ấy của mình, người này tôn trọng việc của người kia nên hình như chưa bao giờ có mâu thuẫn trong công việc. Đôi khi, chúng tôi tham khảo ý kiến của nhau mà thôi. Tất cả những ý tưởng, dự định trong công việc, tôi đều chia sẻ với chồng đầu tiên và luôn được anh khuyến khích, động viên.

Ngay từ khi lấy nhau, tôi đã biết anh không nói những lời hoa mỹ, không phải là người ngọt ngào, lãng mạn. Thế nhưng, anh không nói mà làm cho tôi rất nhiều điều quan trọng trong cuộc sống và sự nghiệp.

Tôi là người rất trầm tính, điều đó khiến lúc đầu, khi bước chân vào kinh doanh, tôi lo lắng, không hiểu mình có phù hợp với những việc như thương lượng, trao đổi hay không, chứ chưa nói là cạnh tranh, chiến đấu. Thế nhưng dần dần, càng làm tôi càng cảm thấy mình phù hợp.

Sự điềm đạm, ôn hòa giúp tôi gây dựng lòng tin với khách hàng. Tính cách rõ ràng, xử lý công việc quyết đoán, mạnh mẽ và khả năng dung hòa mọi vấn đề giúp tôi điều hành mọi việc rất tốt. Đã từng có những thời điểm khó khăn khi trên thị trường có quá nhiều công ty sách ra đời, bìa sách của Đông A bị copy, nhiều đơn vị nhảy sang làm sách thiếu nhi theo hướng của chúng tôi.

Các đại lý phát hành bị loạn lên và không phải không từng xảy ra tranh chấp. Trong những tình huống khó khăn, tôi chọn cách giải quyết dung hòa mọi việc, tránh làm lớn chuyện và quan trọng nhất là càng ra sức đầu tư vào sách của mình cho thật kỹ, thật đẹp. Đó là cách thuyết phục khách hàng tốt nhất.

* Đông A là một công ty làm sách đầu tiên phát triển loại sách hình ảnh cho thiếu nhi với những ấn phẩm đẹp mà thành công lớn nhất là cuốn bách khoa toàn thư thiếu nhi ra đời từ năm 2008 và được tái bản nhiều lần. Điều gì khiến Đông A lựa chọn con đường đi mới mẻ và thành công với lựa chọn ấy?

- Có lẽ trước hết là tình yêu trẻ con, một tình yêu bắt đầu từ trong máu của những người làm nghệ thuật và sau đó là trong bản năng của những người làm bố mẹ. Ước mong cho con trẻ, trong đó có những đứa con mình được đọc những cuốn sách có màu sắc đẹp đã thôi thúc Đông A mạnh dạn đầu tư vào thể loại này.

Làm sách hình ảnh rất tốn kém và cần có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Ví dụ như cuốn , chúng tôi đã phải chuẩn bị đến hai năm. Bắt đầu từ những thành công này, chúng tôi càng nhận ra hướng đi của mình: xuất bản những loại sách có độ bền cao và điều đó trở thành lựa chọn đường dài của chúng tôi. 

* Đang làm sách và đã có một công ty sách tên tuổi uy tín, chị lại mở ra hai nhà sách với quy mô lớn, đó là bước mạo hiểm tiếp theo của Đông A? Cái tên Cá Chép mà chị đặt cho hai nhà sách của mình thật sự rất lạ,  không giống những cái tên mà người ta thường đặt cho các nhà sách.

- Như mọi người kinh doanh, tôi muốn hiểu độc giả của mình cần gì và nhà sách chính là một hình thức tốt nhất để có thể có được những hiểu biết này. Khi mở nhà sách, tôi mới nhận ra một điều đáng mừng là 60-70% lượng khách đến nhà sách của chúng tôi là tuổi teen. Như vậy thì đừng nói là người trẻ không còn thích đọc sách. Họ vẫn đọc. Chỉ có điều họ có những lựa chọn rất khác.

Có lần, tôi hỏi một thanh niên đến Cá Chép: “Vì sao cậu lại không mua sách online?”. Cậu bảo rằng cậu chỉ dùng công nghệ online để mua đồ gia dụng, còn sách thì phải cảm nhận được bằng tay, nhìn được bằng mắt mới có cảm hứng mua sách.

Cái tên Cá chép bắt đầu từ tích vượt vũ môn, hóa rồng của cá chép. Người làm sách như chúng tôi tất nhiên phải tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh sự đọc, sự đọc là một trong những sức mạnh giúp con người ta vượt lên và từng tầng lên cao của nhà sách, với chúng tôi có ý nghĩa như từng tầng vũ môn.

* Một công ty, hai nhà sách, lại có con nhỏ, tôi nghĩ thời gian của chị rất ít, nhất là thời gian cho bản thân. Vậy mà trông chị chẳng có vẻ gì là bận rộn: tóc dài suôn thẳng tự nhiên, giọng nói nhẹ nhàng, trong trẻo. Điều gì giúp chị giữ được cái dáng vẻ rất con gái ấy giữa những bề bộn?

- Trong công việc, tôi là người mạnh mẽ, nhưng đó là phần ý chí, còn khi thể hiện ra ngoài, tôi luôn cố gắng giữ sự điềm đạm, nhẹ nhàng. Tôi là người dễ gần không chỉ với bạn bè, người thân mà với các nhân viên của mình.

Tôi kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, nên điều mà tôi muốn làm nhiều nhất khi điều hành công việc kinh doanh không phải là đề ra những kỷ luật, quy định mà là truyền cho nhân viên ngọn lửa đam mê công việc của mình, của chồng mình.

Quả thật là tôi rất bận, không có thời gian chăm sóc ngoại hình, nhưng thời gian chăm sóc cho thế giới nội tâm thì tôi có thể làm được dù bận đến thế nào. Tôi cố gắng hiểu một cách rõ ràng nhất mọi việc đúng sai trong công việc và đời sống, xử lý mọi việc theo hướng tích cực. Tôi không sân si, không đòi hỏi và nhất là không áp đặt cái tôi của mình cho người khác.

Điều thứ hai tôi luôn cố gắng là làm sao cho cuộc sống hàng ngày thi vị hơn, lãng mạn hơn. Nói thì to tát như vậy, nhưng thật ra đó là những điều tự nhiên như cùng gia đình đi xem phim, uống nước, du lịch.

Tôi nghĩ khi một phụ nữ có thế giới nội tâm lành mạnh, đẹp đẽ thì nhất định điều ấy sẽ tỏa ra bên ngoài và làm nên hình ảnh của cô ấy. Cho nên những gì chị nhìn thấy, phản ánh đời sống nội tâm của tôi, chứ không phải việc chăm sóc làn da, mái tóc hay dáng vóc. Tuy nhiên, tôi cũng có một bí quyết nho nhỏ trong việc chăm sóc da: sáng nào cũng uống một ly nước ấm pha mật ong và bột quế trước khi ăn sáng. Đôi khi, để cho bớt chán, tôi thay bột quế bằng chanh tươi.

* Các con của chị còn rất nhỏ và đang ở vào thời kỳ có thể bị mê hoặc bởi game, ti vi, internet nhiều hơn sách. Chị làm gì để các con cũng mê sách như vợ chồng chị?

- Rất nhiều phụ huynh cũng hỏi tôi câu này. Là người làm sách, tôi đã cố gắng sao cho những cuốn sách của tôi đẹp nhất, tươi mới nhất; phần còn lại là sự cố gắng của các vị phụ huynh. Lời khuyên của tôi nghe có vẻ hơi… trái ngược với “truyền thống”: Đừng giữ sách quá kỹ. Giữ sách là chuyện lâu dài, còn trước mắt là làm sao cho trẻ đến với sách. Hãy để sách khắp nơi: phòng khách, đầu giường, bàn học… Làm sao cho trẻ có thể dù chỉ là tiện tay, mở nó ra và ngỡ ngàng với những hình ảnh đẹp của sách, từ đó mà đam mê sẽ bắt đầu. Hết một quyển sẽ sang đến quyển thứ hai, thứ ba…

Song Văn

(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI