Chuyện tình của cặp thầy trò kém nhau 15 tuổi, tỏ tình bằng 4 chữ viết tắt "cmca"

02/12/2016 - 11:30

PNO - “cmca”- cá mập của anh là lời tỏ tình, đồng thời cũng là tên gọi vô cùng đặc biệt mà “anh” thầy dành cho cô học trò kém mình 15 tuổi.

Tỏ tình bằng 4 chữ viết tắt

Không tỏ tình lãng mạn bằng hoa, nến lung linh, không có những câu “anh yêu em” ngọt ngào. Lời tỏ tình đặc biệt bằng chữ viết tắt của anh đã khiến trái tim cô học trò “loạn nhịp”.

Là sinh viên chuyên ngành du lịch khoa Việt Nam học của Đại học Thăng Long, cô học trò xinh đẹp Hoàng Loan (1995) đã phải lòng người thầy nghiêm khắc, lạnh lùng hơn cô 15 tuổi bởi tình yêu chân thành mà anh dành cho cô.

Chuyen tinh cua cap thay tro kem nhau 15 tuoi, to tinh bang 4 chu viet tat
Cô học trò xinh đẹp đã phải lòng người thầy nghiêm khắc của mình

“Khoa mình có môn di tích và danh thắng là môn chuyên ngành của truyền thông. Mình thì học bên du lịch nhưng các bạn rủ học để tích tín nên mình đăng ký học.Và chồng mình là người dạy môn đó. Chồng mình hàng ngày vẫn đi làm ở cơ quan, khi nào bộ môn mời thì mới đi dạy. Trước một thời từng là giáo viên nhưng về sau anh chuyển công tác nên ít đi dạy.

Mấy buổi học thì không có gì đặc biệt, mình chỉ ấn tượng là anh rất nghiêm khắc, lạnh lùng và phong cách khá đứng đắn. Mặc dù dạy hay, hài hược nhưng anh không bao giờ cười, luôn “dí míc” vào sinh viên để trả lời chứ không gọi tên. Nên sinh viên ở lớp sợ thầy vì chiêu “dí míc thần trưởng” hết sức bất ngờ, không biết trả lời sao.

Mình đi học ngồi cùng đám bạn thân, chuyên ngồi bàn đầu. Trong đấy có một bạn tên Hoa, mò được tên với số điện thoại của thầy trên google nên kết bạn zalo nhắn tin. Sau đó, thầy hẹn nhóm mình đi uống trà đá.

Thời gian đó, anh kinh doanh cả đồ lưu niệm bóng đá nên tối anh đi bán. Hôm ấy có cúp C1, thầy rủ nhóm mình đi, hai bạn phải về trước, mình đi nhờ một bạn, bạn đó ở lại giúp thầy nên mình ở lại theo, vậy là mấy thầy trò đi bán đồ cùng nhau. Lúc rảnh anh xin số 3 đứa rồi kết bạn zalo, từ hôm đó, anh nhắn tin thường xuyên”, Hoàng Loan chia sẻ.

Hôm cả nhóm đi trà đá với thầy, Loan và các bạn khá “sốc” vì trên lớp thầy lạnh lùng là thế, nhưng khi gặp ngoài khác “một trời một vực”, anh vui tính, trẻ trung hơn, không giống như “thầy” trên lớp.

Chuyen tinh cua cap thay tro kem nhau 15 tuoi, to tinh bang 4 chu viet tat
Cặp đôi thầy- trò thường xuyên bị bạn bè trêu đùa

Loan kể: “Lúc đầu thầy kiếm cớ hỏi việc học tập, thi cử để nhắn tin với mình, xong dần dần nói sang nhiều vấn đề khác. Mình hồi đấy vẫn “chảnh” nên lâu lâu mới trả lời tin nhắn. Nhưng phải công nhận khi nhắn tin với thầy, mình rất vui, nhiều lúc cười như “địa chủ được mùa”. Mấy bạn ở trọ cùng mình bảo thầy thích mình, rồi mình cũng thích anh vì hàng ngày hay nhắn tin với nhau. Nhưng nghe các ban nói vậy, mình quyết không nhắn tin nói chuyện với thầy nữa, mặc dù tối anh vẫn nhắn tin hỏi em ngủ chưa, sáng hôm sau gọi mình dậy dặn ăn uống đầy đủ nhưng mình vẫn không nhắn lại.

Đến tối, anh nhắn tin bảo mình mất tích à, lúc này bứt rứt quá, mình mới nhắn tin lại là: em có mất tích đâu. Anh nhắn: không mất tich sao cả ngày không xem tin nhắn, không nhắn tin lại cho thầy. Em đừng mất tích nhé!. Mình bảo: Em mất tích thì làm sao. Anh trả lời: Em mà mất tích thì thầy sẽ không biết tìm em ở đâu.

Sau này khi yêu rồi, mình về nhà bận không trả lời tin nhắn là anh lại bảo mình mất tích, rồi anh bảo em mà mất tích, anh lục tung Quảng Ninh lên để tìm em. Mình bảo: Thầy đọc ngôn tình hay sao mà sến thế, lúc này mình cảm nhận thấy chút bất thường nhưng thấy vui vui, đám bạn thân Đại học bắt đầu trêu mình với thầy nhiều hơn”.

Khi nhắn tin, anh “mạnh mồm” là vậy, nhưng khi gặp Loan bên ngoài, anh chẳng dám nhìn mặt vì ngại, vì đám sinh viên lại trêu. Hai lần Loan gặp anh trước khi về nghỉ hè, lần nào cô cũng bị các bạn trêu đùa.

Mỗi lần cô về nhà ở Quảng Ninh, anh đều hàng ngày nhắn tin, gọi điện. Cô kể cho mẹ nghe về anh, rồi chia sẻ những tin nhắn mà anh nhắn cho cô với mẹ.

Cô với anh yêu nhau không có câu tỏ tình cũng chẳng có lời đồng ý, cả hai cũng ngầm hiểu đã yêu nhau nhưng không nói ra. Trong từng tin nhắn của anh thể hiện rõ sự quan tâm, lo lắng và tình yêu của anh dành cho cô

“ Ngày hôm ấy mình cùng bố về quê nội, anh nhắn tin bảo: “Em về đến nơi thì nhắn tin cho thầy nhé. “cmca”- cá mập của anh”. Mình dịch được nhưng để chắc chắc, mình vẫn ngây thơ hỏi lại: Thầy nói gì đấy?. Anh trả lời: Thầy nói gì em hiểu mà. Từ hôm nay em là “cmca” nhé!”. Có lẽ, 4 chữ viết tắt ấy là lời tỏ tình đầu tiên mà anh nói với mình”, Loan chia sẻ.

Thầy- trò về chung một nhà

Thời gian đầu khi yêu, Loan khá mông lung, cảm thấy không chắc chắn về mối quan hệ này nên cô không “khoe” với bất cứ ai, cô chỉ tâm sự với ông nội, với mẹ và một người bạn thân.

Yêu nhau rồi nhưng Loan vẫn gọi anh là thầy, có một lần cô nói với anh: “Mẹ em bảo mời thầy về nhà chơi” , rồi anh hỏi cô: "Em có muốn thầy về không". Cô trả lời là có. Đến đầu tháng 8, anh gửi quà từ Hòa Bình về cho cô, trong đó có các loại rau củ rừng kèm theo một lá thư.

Nhắc đến lá thư đặc biệt này, Loan không giấu nổi niềm hạnh phúc: “Anh dặn mình giữ bí mật về lá thư đó, nhưng thực ra mình cũng khoe cho kha khá người rồi (cười lớn). Trong thư, anh nói sẽ thu xếp về nhà mình và rồi anh về thật. Từ lúc yêu nhau, chúng mình chưa từng hẹn hò riêng tư mà anh đã về nhà gặp bố mẹ luôn. Khi anh đến nhà, mình ngại nên vẫn gọi là thầy. Anh bảo: "Anh về đến đây rồi mà em vẫn gọi anh là thầy à". Mình chuyển sang gọi anh nhưng lí nhí trong miệng vì mình không quen gọi vậy. Dẫn anh vào nhà giới thiệu, mình vẫn nói với bố đây là thầy của con. Bố ngồi nói chuyện với anh cùng một người bạn thân Đại học của anh cùng quê với mình. Mình thì đi sắp cơm, rồi cả nhà cùng ăn.

Trước đây, mình cũng có yêu nhưng kiểu trẻ con, không công khai thế này. Giờ đưa người yêu về ra mắt nên mọi người xung quanh tò mò lắm, nhà đang ăn nhưng mấy bác đã đứng ngoài “duyệt cháu rể” rồi, hôm sau bác mới kể.

Lúc mình rửa bát thì anh nói chuyện với bố mẹ, anh xin phép bố mẹ mình cho hai đứa tìm hiểu nhau và cho anh được qua lại gia đình. Sau này, mình được kể lại chứ lúc ấy mình cũng không được biết, mình bảo anh sao không gọi em lên, thì anh trả lời: chuyện người lớn trẻ con không được hóng. Đến 9 giờ tối, anh xin phép bố mẹ đưa mình và các em đi uống café. Đó chắc là buổi hẹn hò đầu tiên nhưng không được riêng tư lắm”, Loan kể

Chuyen tinh cua cap thay tro kem nhau 15 tuoi, to tinh bang 4 chu viet tat
Lá thư anh viết gửi cho Loan khi hai người ở xa nhau

Buổi hẹn hò trên danh nghĩa “đi uống café ấy”, anh ăn mặc lịch sử, còn cô vẫn hồn nhiên mặc quần lửng, áo phông, đeo tông. “Nhìn lúc ấy hai người như tranh tương phản ấy”, cô nói.

Sau ngày hôm ấy, anh trở về Hà Nội, cô ở quê đến hết kỳ nghỉ hè. Đầu tháng 9, cô lên đi học, anh ra bến xe đón cô, hai người cùng nhau đi ăn, cùng trò chuyện. Nhớ lại lần gặp nhau đó, cô kể: “Anh hỏi mình ăn gì, mình nghĩ ngay đến quán cơm rang dưa bò đầu ngõ mình trọ cho dễ đi về. Lúc ăn, mình bị dính hạt cơm ở mép, anh định đưa tay lên lau, mình nghĩ bụng lãng mạn như phim Hàn Quốc. Nhưng lưỡi thì đã đưa ra liếm cơm luôn nên anh lại rụt tay lại. Anh đề cập đến chuyện kết hôn nhưng chỉ nói kiểu bóng gió nhưng mình giả vờ không hiểu”.

Đến tháng 9/2015, anh dẫn cô về ra mắt gia đình anh, thì đến tháng 10 cùng năm đó, gia đình anh về nhà cô xin phép cho hai người tìm hiểu nhau. Tháng 11, gia đình anh mời nhà Loan lên chơi, lúc này cô điện cho mẹ, mẹ cô nói nếu gia đình lên thì nhà trai chỉ cần dạm ngõ là cưới.

Loan tâm sự: “Mình không muốn cưới sớm, vì lúc đó mình mới học năm ba Đại học nên mình nói với mẹ tìm cách từ từ hẵng lên. Mẹ mình bảo hoãn thì hoãn được nhưng từ giờ đến cuối năm sao từ chối được. Cuối cùng, gia đình mình vẫn lên nhà anh, nhưng bố mình nói giúp là chuyện kết hôn để anh và mình tự quyết định. Bố mẹ hai bên chỉ giúp đỡ và ủng hộ các con.

Gia đình anh bảo muốn cưới sớm nhưng mình vẫn lưỡng lự, và mong muốn học xong mới cưới. Nhưng mẹ anh đi xem thầy và bảo ăn hỏi trong năm lấy ngày, rồi sang năm cưới. Mình không biết chuyện này, đến lúc biết, mình giận anh mấy hôm nhưng rồi nghĩ cho anh và chúng mình cũng thật lòng yêu nhau nên tháng 12 tổ chức lễ ăn hỏi”.

Chuyen tinh cua cap thay tro kem nhau 15 tuoi, to tinh bang 4 chu viet tat
Cô học trò xinh đẹp Hoàng Loan rạng rỡ trong ngày cưới

Tháng 4/2016, cặp đôi thầy- trò đã về chung một nhà. Cô chia sẻ: “Lúc yêu nhau có lẽ không thú vị bằng lúc anh mới “cưa cẩm” mình. Hồi đó, anh nhắn tin: “nenldxpvttsrrrrr…v” (dịch ra có nghĩa là: Nếu em nói là đi xem phim với thầy thì thầy sẽ rất rất…vui). Mình “bó tay” không dịch được, anh bảo để hôm sau đi thi, thầy dịch cho. Bình thường mình cũng lười học bài nhưng môn của anh mình quyết tâm “dùi mài kinh sử” để “không bị gục ngã” trước câu hỏi vấn đáp của thầy.

Chuyen tinh cua cap thay tro kem nhau 15 tuoi, to tinh bang 4 chu viet tat
Những tin nhắn viết tắt của anh gửi đến Loan

Nhắn tin với mình vui vẻ là vậy, đến hôm sau thi mặt anh như “sát thủ”, mình thi xong ra đến cổng trường, thì anh nhắn tin “em đi về cẩn thận”. Nói chung là lúc tán tỉnh mình, anh không thể hiện nhiều vì vẫn “giữ giá” (cười lớn). Từ khi anh về nhà mình, hai người chuyển sang xưng anh- em. Đến lúc kết hôn rồi thì xưng chồng-vợ để đánh dấu chủ quyền, thỉnh thoảng vui vui lại gọi nhau thầy- trò”.

Chuyen tinh cua cap thay tro kem nhau 15 tuoi, to tinh bang 4 chu viet tat
Loan vẫn lưu lại những tin nhắn khi yêu làm kỉ niệm

Sau khi kết hôn, anh quan tâm và yêu thương cô hơn, anh khá tâm lý và hiểu cô. Trước đây, cô chưa bao giờ nghĩ đến việc lấy chồng hơn mình nhiều tuổi, anh sinh năm 1980. Nhưng khi yêu anh, cô chưa bao giờ nghĩ anh đã nhiều tuổi, vì anh khá vui tính và trẻ trung. “Anh vẫn hay “tự sướng” bản thân trẻ lắm, thỉnh thoảng bảo mình em cứ hay cáu bẩn thì không trẻ lâu, yêu đời được như chồng đâu”, cô kể.

Loan kết hôn với anh khi đang là sinh viên cuối năm ba, thời gian đó, cô đang làm khóa luận tốt nghiệp vì trường cô học tín chỉ nên cô cố gắng học nhanh để ra trường sớm. Đến năm 4, cô hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, hiện tại cô đã hoàn thiện công việc học tập.

Hoàng Loan tâm niệm: “Mình nghĩ dể duy trì hạnh phúc thì ngoài việc yêu thương nhau thì cả hai còn phải biết nhường nhịn và thực sự phải bình tĩnh để giải quyết mọi vấn đề. Không nên tranh cãi gay gắt, hai bên cùng căng thẳng sẽ khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn ”.

Chuyen tinh cua cap thay tro kem nhau 15 tuoi, to tinh bang 4 chu viet tat
Cặp đôi thầy - trò hạnh phúc dưới một mái nhà

Nhiều người lầm tưởng Loan và chồng là hai anh em, nhưng để tránh những lời nói không hay, cô và anh gần như không công khai hình ảnh chung. Và bản thân Loan luôn cố gắng hoàn thành tốt việc học tập để gia đình yên tâm và tin tưởng vào quyết định của mình. Khi đã về chung một nhà, cặp đôi này vẫn giữ thói quen “đấu trí” bằng những tin nhắn viết tắt, có lẽ chính điều này khiến tình yêu của cặp đôi này luôn mới mẻ và tràn ngập niềm vui, niềm hạnh phúc.

Trần Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI