Ráng chút sức cuối đời

14/04/2016 - 09:00

PNO - “May mắn cho dòng họ nhà qua, còn có con bé ấy. Qua sẽ ráng lo cho chắt ngoại học hành để nó thoát cảnh dở người”.

“Qua già lắm rồi. Nhờ trời, sức khỏe còn một chút nên vẫn lo việc được. Con, cháu đứa nào cũng khùng khùng, mát mát. Thôi ráng chút sức cuối đời mà chăm sóc cho tụi nó, tới đâu hay tới đó. Chỉ mong đứa chắt gái được ăn học như con người ta”, cụ bà Nguyễn Thị Dữ (ấp Trường Đức, xã Trường Đông, H.Hòa Thành, Tây Ninh), 86 tuổi, mẹ liệt sĩ, chia sẻ.

Lần tặng quà từ thiện nào, gia đình bà Năm Dữ cũng nhận bốn phần. Đại diện MTTQ VN xã nói rằng, đây là địa chỉ từ thiện “bốn trong một” của địa phương. Đại diện cho hộ này là cụ bà Năm Dữ, mẹ liệt sĩ chống Mỹ. Chung hộ khẩu còn có hai người con của bà là Trần Thị Ngang (Năm Ngang), 59 tuổi, chồng chết, và Trần Thị Bé Quèo, 50 tuổi, bị tật bẩm sinh, thêm mẹ con người cháu gái nội Trần Thị Bé Đan, 33 tuổi và con gái nhỏ, 15 tuổi. Họ tách ra từng “hộ” để hưởng chế độ, nhưng vẫn bíu ríu quanh cụ Năm Dữ.

Ông Lê Văn Chung, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp Trường Đức cho biết, hộ của bà Năm Dữ “rắc rối lắm”, tuy có vẻ như mỗi người một bếp, nhưng lo lắng, chỉ đạo chung vẫn là bà già gần chín chục tuổi. Những người kia, dù hàng ngày cũng biết đi mót mì, chuốt đũa tre mướn kiếm tiền, nhưng đều trong tình trạng thần kinh không bình thường. Lúc no, lúc đói, khi bệnh tật đều phụ thuộc vào đồng trợ cấp liệt sĩ của mẹ, của bà.

Rang chut suc cuoi doi
Cụ Năm Dữ (thứ hai trái qua) cùng con gái, cháu nội và chắt ngoại

Cụ bà Năm Dữ than mình “vô phước”, sinh sáu người con thì hết bốn mắc bệnh tâm thần. Cụ trầm ngâm: “Hồi trẻ lấy chồng, tôi cũng duyên dáng, chịu thương chịu khó lắm. Ai ngờ thần kinh ông ấy có vấn đề. Con sinh ra, ai may mắn giống mẹ thì bình thường, ai xui xẻo giống cha thì bất thường”.

Người con trai cả của cụ Năm Dữ là liệt sĩ Trần Văn Cang, hy sinh năm 1969. Ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn, qua đời khi mới đôi mươi. Người con trai thứ là Cường tuy biết làm lụng, nhưng luôn lánh mặt mọi người. Được cụ Năm Dữ đi hỏi cưới cho một cô vợ nhưng cũng không bình thường, khi sinh con gái Trần Thị Bé Đan (1983) thì ông Cường mất, người vợ bỏ đi để lại đứa cháu cho bà nội. Thật đáng thương khi Bé Đan cũng bị thiểu năng trí tuệ. Năm 18 tuổi, Bé Đan bị kẻ xấu lợi dụng xâm hại, có bầu, sinh con gái Trần Thị Ngoan. Người mẹ thiểu năng đáng thương ấy không những bỏ con cho bà nội mà còn giành ăn với con gái.

Ở cạnh nhà cụ Năm Dữ là nhà của cô con gái tỉnh táo nhất trong sáu người, có chồng nhưng chưa có con. Anh con rể hình như cũng không bình thường. Người con gái thứ sáu là Trần Thị Bé Quẹo (55 tuổi) bị khoèo chân và ngọng bẩm sinh, không nhớ nổi tên tuổi của mình. Người con trai út Trần Văn Vững tướng mạo khôi ngô, cao lớn, 45 tuổi, bỏ nhà đi cách nay một năm.

Từ hồi 16-17 tuổi, Vững suốt ngày la hét, đập phá, đến nỗi cụ Năm Dữ phải xây một cái hầm, có cửa sắt, nhốt con trai trong đó. 10 năm trước, một trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần ở chùa Long Hải nhận Vững về nuôi. “Nó sợ họ sao đó mà trở nên hiền khô, không phá phách, còn biết theo ông thầy đi phụ hồ nữa. Nhưng mới đây, trung tâm giải thể, thằng nhỏ về nhà được thời gian thì tái bệnh. Năm rồi nó bỏ nhà đi đâu không biết. Qua già rồi, mấy chị nó cũng tâm thần hết, làm sao đi kiếm?”, cụ Năm Dữ rưng rưng nhớ đến người con út giờ không biết gửi thân chốn nào. Cụ bảo, nhiều đêm nằm mơ thấy con dầm mưa, quần áo lếch thếch trông thiểu não lắm, giật mình tỉnh dậy, nước mắt ướt nhòe.

Cụ Năm Dữ chỉ đứa chắt ngoại là Trần Thị Ngoan, 15 tuổi, những nếp nhăn dày đặc trên khuôn mặt khắc khổ như giãn ra: “Ba đời tâm thần mà tới đời thứ tư được đứa chắt khỏe mạnh, giỏi giang. Nó là người duy nhất trong nhà này biết chữ đó”. Cụ Năm Dữ giao chắt Ngoan cho người con gái tên Năm Ngang. Bà Năm Ngang có chồng, sinh được người con gái, hiện về dưới Củ Chi, TP.HCM.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI