Nhà thơ "ác mẫu" dạy con

08/12/2016 - 08:42

PNO - Chị không phải là người lao đến bế con khi con vấp ngã. Khi những cú vấp đó là bài học cho con, chị còn cười ha hả và để con tự đứng lên, tự lau chùi lấm lem hay nước mắt mình.

Câu chuyện “kén rể” của nhà thơ Thu Nguyệt được bạn bè làng văn đồn đại bấy lâu, rằng chị tuyên bố với con rể tương lai nếu còn làm cái nghề “bổng lộc” nhiều thì không làm rể nhà chị được. Thu Nguyệt cười giòn: “Mình chỉ khuyên nó, rằng nếu nuôi con bằng những đồng tiền không chính đáng thì sau này con cái tất sinh hư. Vậy thôi, còn chọn lựa là của tụi nó chứ, làm sao mình cấm đoán được”.

Tấm thiệp cưới đặc biệt

Sau lời khuyên của mẹ vợ tương lai, chàng trai đã bỏ cái nghề dễ kiếm tiền, chọn công việc khác. Năm ngoái, đôi trẻ được gia đình hai bên đồng ý tổ chức đám cưới. Một đám cưới đặc biệt. Tiệc tổ chức tại nhà hàng chay, khách được mời đến đúng giờ và nhận quà do chính tay cô dâu chú rể làm. Thiệp cưới in trên giấy khổ rộng, với dòng chữ đậm “miễn nhận tiền và quà mừng”.

Trên thiệp cưới, xen giữa những tấm hình cưới rất đẹp của đôi trẻ là sáu điều mẹ dặn khi con gái đi lấy chồng, là bài thơ Lòng mẹ của nhà thơ Nguyễn Bính, Mẹ của anh của Xuân Quỳnh và Con rể của chính mẹ vợ Thu Nguyệt, là những kỷ niệm thời thơ ấu của cô dâu, là những dòng tâm sự của cô dâu về trái tim đàn ông mà cô tin tưởng rằng đó là một kỳ quan. Tấm thiệp độc nhất vô nhị chứa chan tình cảm, sự quan tâm sâu sắc, gửi gắm hy vọng của những người hạnh phúc trong đám cưới này…

Đêm tiễn cô dâu về nhà chồng, các cô em gái chuẩn bị những tiết mục văn nghệ nho nhỏ, dễ thương. Khách khứa họ hàng đến chơi được dặn không cần cho cô dâu phong bì, quà cưới, chỉ cần cho cô những lời khuyên để có thể làm vợ, sau này làm mẹ tốt nhất. Trong cái đêm đầm ấm ấy, người thân của gia đình nhỏ bé này đều nhắc đến công lao nuôi dưỡng, dạy dỗ ba cô con gái của nhà thơ Thu Nguyệt. Công việc mà nhiều người hiểu chị gặp nhiều khó khăn, vất vả sau khi bố của các cô con gái mất trong một tai nạn giao thông vào năm 2003.

Nha tho
Mẹ con nhà thơ Thu Nguyệt

Để con tự giải quyết vấn đề của mình

Nói về việc dạy con, nhà thơ Thu Nguyệt bảo mình có cái may là có ba đứa con gái, dễ dạy hơn con trai, mà con gái nhà chị còn dễ dạy hơn con người ta nữa. Nghe như chuyện ba cô con gái của chị cứ tự nhiên như thế mà lớn lên, tự nhiên mà ngoan ngoãn, tự nhiên mà chọn hướng đi, chọn ngành nghề, chọn người yêu phù hợp với mình, với cách sống của cả gia đình. Nhưng thật ra, chẳng có gì là tự nhiên cả.

Một trong những kinh nghiệm mà nhà thơ Thu Nguyệt “đúc kết” được là nuôi dạy con gái phải vừa cưng chiều vừa nghiêm khắc. Làm sao để cân bằng hai điều đó là nhờ vào sự nhạy cảm, hiểu biết của người làm mẹ, làm cha. Nhiều phụ huynh thường nói cho qua chuyện, có khi để tránh bị con đòi hỏi, mè nheo còn dối con. Nhiều khi đã quyết chuyện xong, con năn nỉ, khóc lóc, cha mẹ hoặc mềm lòng, hoặc vì mệt mỏi mà hứa đại cho xong.

Chị Thu Nguyệt thì hết sức cứng rắn: “Mình đã nói không thì chắc chắn là không, dù có thể lúc đó mình từ chối là sai. Chấp nhận chuyện con năn nỉ cũng được nhưng như vậy để lần sau rút kinh nghiệm, chứ mình không thay đổi quyết định”.

Về chuyện con gái chọn người yêu và chuyện con rể tương lai thay đổi công việc ngày trước, chị Nguyệt bảo: “Một trong những điều khó khăn nhất với các bậc phụ huynh, đó là luôn luôn áp đặt suy nghĩ, mong muốn của mình vào cuộc sống của con, cuốn hai cuộc đời đó vào nhau.

Mình ghét nhất câu nhiều người hay nói: “Con là tất cả cuộc đời của mẹ”. Câu nói đó khiến đứa trẻ lớn lên và cảm thấy như mình mang nặng trách nhiệm đối với mẹ cha. Nó mất đi tự do và nó sẽ khổ”. Làm sao để tách bạch đời mình là đời mình, đời con là đời con thì cả mình và con đều cảm thấy nhẹ nhàng. Để làm được như vậy, cha mẹ không nên cấm cản, can thiệp vào những quyết định của con mình.

Chính từ suy nghĩ này mà dù trong nhà có đến bốn người phụ nữ, nhưng xung đột, mâu thuẫn ít khi xảy ra. Những quyết định của con cái trong công việc, trong tình yêu, chị chẳng bao giờ gay gắt, chỉ phân tích, chỉ dẫn cho con thấy những khó khăn để tự quyết định: “Quyết định như thế nào thì cuộc đời con sẽ nhận được như thế đó”.

Nhà thơ nữ cười bảo, vì cách nghĩ của mẹ như vậy mà có khi bị các con đùa trêu là “ác mẫu”. Chị không phải là người lao đến bế con khi con vấp ngã. Khi những cú vấp đó là bài học cho con, chị còn cười ha hả và để con tự đứng lên, tự lau chùi lấm lem hay nước mắt mình. Nhiều người mẹ lúc nào cũng theo dõi tâm trạng buồn vui của con mà hỏi han, chia sẻ, chị không bao giờ làm thế.

Chị bảo con, cái gì con tâm sự mẹ giải quyết được thì hãy tâm sự, còn không thì con tự giải quyết. Khi con phải tự xử lý vấn đề của mình, không ngồi chờ người khác an ủi, con mới học được cách đứng lên. Đó là một cách để đứa trẻ có được bài học mà bước tới. Đó cũng là cách giúp trẻ tỉnh táo trong những buồn - vui của cuộc đời.

Chị Thu Nguyệt không lo đầu tư đất đai, nhà cửa ở những nơi “phồn hoa, đô hội”, mà có chút tiền nhỏ dành dụm được, chị mua cả một quả đồi hay một miếng đất tuốt trên Bảo Lộc, Đà Lạt. Với nhiều người, những nơi đó chẳng có mấy giá trị kinh tế, lợi nhuận. Với gia đình nhỏ của chị, đó là nơi chị đưa các con đến để học những bài học yêu thương thiên nhiên.

Các con của chị lớn lên không chơi game, không ôm điện thoại. Chúng tìm thấy niềm vui tự nhiên giữa hoa lá, chim bướm. Chị bảo: “Tôi muốn dạy con lòng yêu thương, từ bi. Con có bị bạn ăn hiếp, bắt nạt, mình cũng chẳng bao giờ bảo con đánh lại bạn bè. Mình dạy con yêu thương đi, rồi cuộc đời sẽ bù đắp lại cho con. Làm cha mẹ, đừng lúc nào cũng sợ con mình bị thiệt thòi, bị hiếp đáp. Đừng dạy con hung dữ”.

Những phiên họp gia đình

Trong gia đình nhỏ của chị, hàng tuần luôn có một cuộc họp nhỏ vào tối thứ Ba. Chị bảo khi cả nhà có thời gian để ngồi lại với nhau mới nhận ra có rất nhiều điều để nói, để kể cho nhau nghe. Đó là những “vụ việc” nghiêm trọng, như ai đó không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đó là chuyện một thành viên gặp điều gì đó trong cuộc sống, trong công việc. Họ không giấu giếm nhau mà mang ra trò chuyện, phân tích, mổ xẻ. Chị em có vấn đề gì với nhau cũng đem ra nói ngay.

Từ khi các con còn bé, chị Nguyệt đã kể cho các con nghe về công việc, buồn vui của mình. Chị bảo rằng đó cũng là cách cung cấp kiến thức cho con, không đóng chúng vào tháp ngà, với suy nghĩ để cho đầu óc con được trong trẻo. Vào những tuần trong nhà không có vấn đề gì nghiêm trọng, cả nhà sẽ bàn luận về những vấn đề đang nóng, chuyện biển đảo, chuyện ô nhiễm môi trường. Chị tạo điều kiện cho các con được thoải mái nêu ý kiến của mình. Những cuộc họp gia đình ấy chính là một trong những cầu nối tuyệt vời, tạo nên không khí yêu thương đầm ấm.

Sống cùng mẹ, bên mẹ và ảnh hưởng tinh thần của mẹ, các con của nhà thơ Thu Nguyệt đều nhận ra niềm vui trong cuộc sống không phải nằm ở đồng tiền, hay danh vọng, không phải nằm trong những nhu cầu, đòi hỏi quá cao về vật chất: “Làm ra một triệu đồng làm gì khi chỉ cần có ba trăm ngàn đồng mà đầu óc thanh thản, nhẹ nhàng. Học cách sống vui với ba trăm ngàn thì hạnh phúc nhiều hơn là tìm cách để có một triệu”.

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI