Làm bạn với con, tại sao không?

20/04/2016 - 07:05

PNO - Ai cũng công nhận, hồi nhỏ, cái gì con cũng kể với cha mẹ. Vậy tại sao mất dần sự cởi mở mà con từng rất hào phóng dành cho cha mẹ?

Lam ban voi con, tai sao khong?
Ảnh minh họa

Con trẻ vào ngôi nhà thứ hai để giao tiếp, để có thêm bạn bè, để có thể khám phá thế giới xung quanh. Vậy tại sao cha mẹ không là bạn của con, không cung cấp thông tin, kiến thức cho con?

Ai cũng công nhận, hồi nhỏ, cái gì con cũng kể với cha mẹ. Vậy nguyên nhân nào làm mất dần sự cởi mở mà con đã từng rất hào phóng dành cho cha mẹ?

Thống kê của các bác sĩ Mỹ cho biết: ở khoả ng ba-bốn tuổi, trung bình con giao tiếp khoảng 300-400 lần/ ngày, nên cha mẹ cũng thường phát mệt, và có khi phải cố… né!

Sáu tuổi đến 10 tuổi, con bắt đầu được tham gia hoạt động xã hội, nên nhu cầu hỏi cha mẹ vẫn còn nhiều. Từ 10 tuổi trở đi, con cần được đối xử như người lớn trong một tổ chức xã hội gia đình: có luật - chính sách - trách nhiệm rạch ròi, có họp “giao ban” mỗi tuần để con tự nhận xét, đưa ra hình thức khen thưởng, kỷ luật… và lên kế hoạch cho tuần tiếp.

Cần nhất là những hoạt động giao lưu bạn bè thường xuyên giữa cha mẹ, con cái: chơi game, lướt web chung, làm vườn chung, uống cà phê, coi phim… "tám" về phim ảnh, truyện, thậm chí đua xe đạp xem ai đi chậm nhất… sẽ rất vui.

Các con tôi thấy cha mẹ mình cũng thuộc dạng chơi được, lại là người cung cấp nhu yếu phẩm cho mình, vậy thì... tội gì không kết bạn, không chơi với cha mẹ - như lời chúng công bố với bạn bè.

Từ bản thân mình, tôi nhận thấy con đường trở thành bạn của con - bạn vong niên, coi vậy cũng không “khốc liệt” lắm. Có điề u này nhỏ thôi, nhưng rất quan trọng: khi được con bày tỏ, vui lòng giữ bí mật. Yếu tố biết giữ bí mật khiến người bạn - cha mẹ của con hấp dẫn và đáng tin cậy vô cùng. Nhưng, hãy cẩn thận.

Giữ bí mật không thể trở thành che giấu, dung túng sai lầm. Ví dụ: “Mẹ ơi, nếu con nói con đi ăn chè với Dũng thì mẹ có la con không?”, “Bạn thì phải có cả trai, cả gái thì mới vui con ạ!”, “Thế bạn Dũng có dễ thương không hả con? Hôm nào, mẹ tổ chức cho con và các bạn cùng đi picnic nhé”… Kiểu trả lời quan tâm sẽ khiến cô con gái cảm thấy mẹ thấu hiểu và thông cảm với mình.

Khi cha mẹ đáp ứng các điều kiện: tôn trọng, công bằng, yêu thương, vui vẻ… thì con cái sẽ “duyệt visa” cho cha mẹ đàng hoàng bước vào thế giới muôn màu của chú ng bất cứ khi nào, ở đâu, ngôi nhà thứ nhất, hay ngôi nhà thứ hai…Vào được nơi ấy, cha mẹ mới có thể uốn nắn, định hướng và bảo vệ con trong suốt chặng đường đồng hành cha mẹ - con cái.

Lê Thị Phương Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI