Chuyện đời của những phụ nữ Việt ở Đài Loan

05/11/2018 - 09:48

PNO - Không phải người phụ nữ Việt Nam nào lấy chồng Đài Loan đều may mắn được hạnh phúc như Huyền hay Hằng, vì trên thực tế, có khá nhiều phụ nữ Việt bị “gả bán” sang Đài Loan.

- Em sang sống ở Đài Loan bao nhiêu năm rồi?

- Hai mươi năm chị ạ.

- Em còn khá trẻ mà đã sống ở đây lâu vậy cơ à?

- Tại vì em bị gả chồng sang đây từ năm 18 tuổi chị ạ.

Tôi ngắm người phụ nữ Việt có giọng nói miền Nam nhỏ nhẻ, dễ thương, chưa tới tuổi 40 ấy tại bến xe bus thành phố Đài Trung (Đài Loan). Chị tên Hằng, khá trắng trẻo và còn giữ được nét đẹp xuân thì, với gương mặt tròn được trang điểm kỹ lưỡng. Hằng tỏ ra khá thoải mái và hài lòng với cuộc sống của chị ở Đài Loan này.

Chị lấy chồng Đài Loan qua người thân giới thiệu. Chị đã sinh hai con, mở một tiệm thẩm mĩ gần bến xe bus, khá đông khách và có thu nhập từ 50 ngàn, tới 80 ngàn Đài tệ mỗi tháng. Chị còn thuê thêm một cô gái trẻ Việt Nam làm thuê tại tiệm. Trong tiệm thẩm mĩ rộng chừng 30 mét vuông, chủ và nhân viên vừa làm việc, vừa trò chuyện vui vẻ. Cuộc sống, việc làm chắc cứ thế này mà trôi đi êm đềm đến cuối đời thôi.

Nói về đàn ông Đài Loan, chị Hằng cho biết, nói chung họ thật thà, hiền lành và chăm làm việc. Chồng chị Hằng là ví dụ, anh ấy ngoài công việc ở nhiệm sở, về nhà với vợ con, thì không thú vui nào đủ sức cuốn anh ra khỏi vòng quay đơn giản ấy.

Lê Huyền, 42 tuổi, sống ở huyện Miêu Lật, cách trung tâm thành phố Đài Trung khoảng 40 km cho biết, hiện chị đang làm vị trí QC (quản lý chất lượng) cho một nhà máy sản xuất linh kiện cho xe đạp tại đây. Chị đã làm việc tại Đài Loan 16 năm, lấy chồng được 12 năm, đã sinh hai con, một trai một gái. Chồng chị là anh Chi, người Đài Loan, kém chị gần 2 tuổi, làm quản lý đơn hàng trong cùng công ty chị làm việc.

Chi rất yêu vợ, Huyền cho biết, làm được bao nhiêu tiền lương, anh đều đưa hết cho vợ giữ. Tuy nhiên, anh cũng là đứa con cực kỳ hiếu thảo. Nếu phải chọn giữa vợ và mẹ, anh thà xa vợ chứ không bao giờ bỏ mẹ mình.

“Đàn ông Đài Loan thế hệ 7X về sau sống rất thoáng, hiện đại và có trách nhiệm, giống như đàn ông châu Âu vậy. Họ thương yêu và nâng niu người phụ nữ của họ. Họ cũng biết cách để làm tươi mới tình yêu. Như chồng em đây, lấy nhau hơn 10 năm rồi, có hai mặt con và rất bận rộn, nhưng mỗi khi ra ngoài anh ấy luôn nắm chặt tay vợ, hoặc khoác vai, luôn âu yếm và đùa cho vợ vui, lắm lúc còn hôn hít nữa khiến hồi đầu chưa quen nên em rất ngượng.

Anh giải thích là vì yêu và muốn vợ cảm nhận tình yêu của mình một cách cụ thể nên thể hiện như vậy. Sau này em quen rồi thì cũng đáp lại anh bằng những cử chỉ gần gũi. Em cũng hiểu là tình yêu muốn lâu bền phải xuất phát từ hai phía. Nếu cứ vì bận rộn mà lười thể hiện tình yêu, lười nghĩ về vợ hay chồng, thì tình yêu sớm mai một.” – Huyền bộc bạch.

Chuyen doi cua nhung phu nu Viet o Dai Loan
Vợ chồng Huyền và Chi dạo chơi trên bãi biển Miêu Lật (Đài Loan). (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, đàn ông Đài Loan thế hệ sinh ra anh Chi thì lại khác, đa phần họ vẫn sống phong kiến, coi vợ là người phải phục vụ mình. Mẹ anh Chi cũng là một nạn nhân của hệ tư tưởng phong kiến ấy. Bà luôn phải cung phụng chồng, bên cạnh đó phải chịu đựng những hành hạ về tinh thần mà chồng gây ra. Đã có lúc bà muốn tự tử. Vì thế, Chi rất thương và yêu mẹ, muốn ở bên mẹ để bảo vệ bà, không thể sống xa mẹ được.

Gia đình Huyền và Chi hơn mười năm nay vẫn sống chung với bố mẹ Chi. Huyền cũng khá thương mẹ chồng, vì bà hiền lành, tốt tính mà lại phải chịu đựng một người chồng gia trưởng. Huyền nghĩ, mình cũng là phụ nữ, nhưng được chồng yêu thương, chiều chuộng, là may mắn hơn mẹ chồng rất nhiều. Vì thế chị luôn tìm cách bù đắp cho mẹ chồng Đài Loan của mình.

Nhưng không phải người phụ nữ Việt Nam nào lấy chồng Đài Loan đều may mắn được hạnh phúc như Huyền hay Hằng. Thực tế, có nhiều phụ nữ Việt bị “gả bán” sang Đài Loan, do phụ nữ Đài Loan hiện nay khá chảnh, không chịu lấy những người đàn ông ở mức trung bình, già, hoặc xấu. Do đó, những người đàn ông này đành kiếm vợ nước ngoài. Những cô gái Việt trẻ, lấy chồng Đài Loan già hoặc khuyết tật, được một thời gian thì chán nản, bỏ chồng. Họ có thể mang theo con hoặc ra đi một mình, gá tạm với một người đàn ông Việt Nam đang lao động tại Đài Loan để sống qua ngày.

“Đàn ông Việt Nam sang Đài Loan theo diện lao động xuất khẩu cũng phải đối diện với những cám dỗ nguy hiểm. Họ bị những phụ nữ Việt đã bỏ chồng Đài Loan quyến rũ, hết sạch tiền thì thôi. Có người vay hàng trăm triệu đồng ở Việt Nam để làm thủ tục đi xuất khẩu Đài Loan, sang đây làm việc chưa đủ tiền trả nợ ở quê thì vướng phải lưới tình, làm được bao nhiêu tiền lại bao gái hết, không còn tiền gửi về Việt Nam nữa. Vì thế, khi chồng em muốn sang Đài Loan lao động, em cũng phải xin đi lao động theo để quản lý chồng.” – Bích – một phụ nữ Việt đang lao động tại nhà máy sợi ở Đài Loan cho biết.

Chi rất yêu vợ, Huyền cho biết, làm được bao nhiêu tiền lương, anh đều đưa hết cho vợ giữ. Tuy nhiên, anh cũng là đứa con cực kỳ hiếu thảo. Nếu phải chọn giữa vợ và mẹ, anh thà xa vợ chứ không bao giờ bỏ mẹ mình.

Hệ lụy từ những cuộc hôn nhân bất thành ở Đài Loan chưa hết, theo một thống kê mới đây, thì có hơn 2.000 trẻ em quốc tịch Đài Loan, kết quả của những cuộc tình chồng Đài, vợ Việt, đến tuổi đi học mà không nói được tiếng Trung (ngôn ngữ chính ở Đài Loan), do bố mẹ các em bỏ nhau, mẹ đưa các em về Việt Nam.

Khi các em đến tuổi đi học, buộc phải đưa con trở lại Đài Loan thì con chỉ nói được tiếng Việt mà không nói được tiếng Trung, là tiếng bố đẻ của con. Nhà trường ở Đài Loan quả là khó xử với những trường hợp này, buộc phải lên tiếng trên truyền thông Đài Loan.

“Kinh tế và mức sống ở Đài Loan rất tốt. Thu nhập của em ở Đài Loan cao gấp gần 15 lần so với khi làm công việc tương tự ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở bất cứ nơi nào cũng đều có mặt tốt, mặt chưa tốt. Điều quan trọng là ở chính mình, mình phải kiểm soát được bản thân, tự dạy bảo được mình thì mới chọn được điều tốt, mới có cuộc sống tốt đẹp được.” – Huyền kết luận. 

Kiều Bích Hậu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI