Chồng sắp chết, vợ mới ân hận khi hiểu ra vì sao anh 'tuồn' tiền về nhà nội

19/04/2017 - 06:30

PNO - Những gì anh “lén lút” cho gia đình chỉ là một phần nhỏ trong thu nhập của anh đưa về cho vợ, nhưng chị vẫn không hài lòng.

Chiều cuối tuần, chị cùng người bạn ghé siêu thị. Thấy bạn hăm hở chọn áo quần cho chồng, chị cũng ngại nên lấy bừa một chiếc áo cho anh. Chị chỉ nhớ mang máng anh mặc áo size 39.

Còn lại, chị chủ yếu mua sắm cho mình và con. Như đã thành thói quen, khoảng hơn một năm nay, chị ít nghĩ tới chồng khi đi mua sắm, nhất là từ lần vợ chồng cãi vã nảy lửa về chuyện tiền bạc.

Chong sap chet, vo moi an han khi hieu ra vi sao anh 'tuon' tien ve nha noi
 

Trước đây, chị chăm chút cho anh từng chút vì nghĩ mình có thể xuề xòa nhưng chồng nhất định là không. Chị dốc sức làm việc, vun vén gia đình, tin tưởng chồng hết mực. Nhưng rồi chị phát hiện, trong khi mình gắng sức tiết kiệm thì anh âm thầm “tuồn” tiền về giúp đỡ anh em bên nội.

Tính chị nóng như lửa, lại đang cơn giận dữ, nên chỉ muốn “hai năm rõ mười” với anh. Trái với sự bức xúc của chị, anh im lặng, chẳng thanh minh một lời. Cuối cùng, chị tuyên bố: “Từ nay thân ai người ấy lo, tiền ai người đó xài, chỉ góp chung tiền lo cho con”. 

Thật ra, chị không phải người hẹp hòi, chỉ là muốn sự công bằng, chị đã toàn tâm toàn ý cho tổ ấm thì anh cũng phải vậy. Từ ngày lấy chồng, chị có “giấm giúi” gì cho nhà ngoại đâu mà anh lại làm thế. Nhiều lần, chị to nhỏ với anh, có vợ con rồi thì tập trung lo cho gia đình riêng, anh em ai có cuộc sống của người đó.

Dù vậy, thỉnh thoảng chị vẫn nghe anh “tranh thủ” giúp cô em này, cậu em kia. Mà họ cực khổ gì cho cam, chỉ là nghĩ anh có tiền nên “tranh thủ”. Vì thế, chị rất bực; vừa thương chồng, vừa tủi phận khi con mình phải tận dụng từng cái tã, cái áo cũ trong khi con của người được anh giúp đỡ toàn xài bỉm, sữa ngoại.

Đó là những chuyện xảy ra đã lâu và dai dẳng, trước khi chị quyết định gần như ly thân với anh, bởi anh đã hứa nhiều lần nhưng không thực hiện. Chị xót ruột vì nghĩ kinh tế gia đình cứ như nhà không cửa, chị chắt bóp chỗ này, anh lại đổ ra chỗ khác. Từ ngày đó, vợ chồng ít nói chuyện, việc ai người ấy làm, thỉnh thoảng cần gì thì ghi lên tấm bảng treo cạnh tủ lạnh.

Chong sap chet, vo moi an han khi hieu ra vi sao anh 'tuon' tien ve nha noi
 

Tính chị là vậy, đã thương là hết lòng hết sức, còn khi đã chán ghét thì không thèm bận tâm nữa. Chị mua áo về, đặt trên bàn bếp, ghi lên bảng lời nhắn trống không: “Áo mới mua, mặc xem có vừa không”. Là câu hỏi nhưng chị cũng chẳng đợi câu trả lời, có mặc thử hay không là chuyện của anh.

Hôm đó đi làm về, thấy chiếc áo trên bàn, anh vừa vui vừa ngạc nhiên. Dù nhìn là biết mặc không vừa nhưng anh vẫn thử, kết quả là không sao cài cúc được. Dạo này anh có vẻ mập lên, áo quần cũ gần như đều đã chật. Vì vợ làm “mặt lạnh” sau tuyên bố tự chủ tài chính nên anh không dám nhờ vả.

Nghĩ cũng buồn, đôi lần anh muốn làm hòa với vợ, bởi vợ chồng mà cứ vậy khác gì “ly thân”. Nhưng anh sợ, mỗi lần như thế chị lại bắt anh hứa hẹn đủ điều mà anh không thể thực hiện. Chị không muốn anh cho gia đình bất cứ thứ gì, muốn anh toàn tâm toàn ý lo cho vợ con; trong khi anh không thể bỏ mặc cha mẹ, anh em đang thiếu thốn để hưởng riêng mình.

Những gì anh “lén lút” cho gia đình chỉ là một phần nhỏ trong thu nhập của anh đưa về cho vợ, nhưng chị vẫn không hài lòng. Chị sinh ra ở thành phố, trong một gia đình anh em đều thành đạt nên không hiểu được nỗi lòng của anh - một người được xem là khá giả, thành đạt nhất nhà.

Chong sap chet, vo moi an han khi hieu ra vi sao anh 'tuon' tien ve nha noi
 

Anh chỉ nghĩ, mình đã tròn trách nhiệm với vợ con thì san sẻ chút ít cho anh em cũng không có gì quá đáng. Vả lại, anh em nhà anh cũng biết điều, cho cái này thì họ tìm cách đền đáp cái khác, chứ chẳng phải lấy không. Chẳng phải mấy năm trước anh chị xây nhà, các chú thay nhau lên trông coi thợ, đỡ phải thuê người giám sát lại yên tâm hơn. Nhưng, chị không ghi nhận điều đó.

Chị bảo, thà thuê người ngoài cho khỏe, đỡ phải mang ơn. Chính vì thế mà vợ chồng anh không có được tiếng nói chung. Mà đã không hiểu thì chẳng thể nào thông cảm được. Như lần trước về quê, cô em dâu có người thân đi nước ngoài về cho cháu hộp sữa ngoại, vậy là chị cứ đay nghiến anh không chịu mở mắt ra mà xem, con người ta dùng hàng xịn còn con mình thì sao? Anh thật tình chẳng hiểu hai chuyện đó thì có gì liên quan, khi việc ăn uống của con là do chị quyết định. 

Dù rất thích chiếc áo vợ mua nhưng không mặc vừa nên anh đành cất vào tủ. Hai tuần nay anh thấy mình không được khỏe, ăn không ngon miệng mà sao lại cứ như mập lên.

Chiếc áo vẫn nằm im trong tủ cho đến một ngày, chị soạn quần áo cho anh nhập viện. Chị chợt nhớ, đó là chiếc áo cuối cùng chị mua nhưng anh không bao giờ mặc. Lúc trước, chị cứ nghĩ chắc do vợ chồng giận nhau nên anh mới vậy, giờ thì chị đã hiểu lý do. Chị khóc. Giá như chị quan tâm đến anh một chút có lẽ bệnh của anh đã được phát hiện sớm hơn, cơ hội chữa lành cũng cao hơn.

Anh mắc một chứng bệnh lạ, được hiểu là “tử hệ miễn dịch”, người cứ phù lên, các cơ quan nội tạng dần mất chức năng. Bệnh tiến triển rất nhanh, phát hiện thì đã quá muộn. Nếu theo lời của bác sĩ, có lẽ thời điểm anh mới phát bệnh cũng là lúc chị mua chiếc áo này. Những ngày anh nằm viện, chị mới nhận ra một tay mình chẳng thể chống chèo tất cả khi vừa đi làm, vừa chăm con, vừa nuôi chồng bệnh.

Nếu không có sự trợ giúp của nhà nội, chị chẳng biết phải xoay xở thế nào. Bố mẹ chồng lên trông coi nhà cửa, lo cho cháu; anh em của chồng thay nhau túc trực chăm sóc cho anh chuyện vệ sinh, ăn uống vì sức vóc chị không kham nổi.

Chị hiểu, mọi người lo lắng cho anh không chỉ vì tình ruột thịt mà còn vì ân nghĩa với anh. Nhìn cô em dâu bụng mang dạ chửa cũng vượt cả chục cây số mang lên mớ cá đồng vì biết anh thích, cậu em út xin nghỉ việc hơn hai tháng để chăm anh, chị ứa nước mắt. 

Khi sự sống của anh chỉ còn tính bằng ngày, chị mới thấy mình đã bỏ phí rất nhiều thời gian quý báu. Chừng ấy năm vợ chồng câm lặng bên nhau chỉ vì một bất đồng không đáng. Giữa lằn ranh sống chết, những điều tủn mủn, ích kỷ đã thành vô nghĩa. Chị biết mình còn yêu anh nhiều.

Vì “cái lý lẽ” riêng của mình chị đã không sớm nhận ra có những thứ không thể mua được bằng tiền, không phải cứ biết vun vén cho gia đình riêng đã là tốt, bởi ai cũng cần có những người thân bên cạnh. Dẫu đã nhiều năm vợ chồng sống trong im lặng, nhưng ngày anh đi chị chới với, hụt hẫng. Từ sâu thẳm trong tim chị, vẫn cần có anh.

Ngày tháng sắp tới có lẽ chị và con sẽ phải tựa vào những ân tình anh vun đắp bấy lâu, khi mẹ chồng ôm lấy chị đang nấc nghẹn: “Chồng mất rồi nhưng còn bố mẹ và các anh chị em ở đây, con đừng quá đau buồn”.

Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI