Cho con được đi trong giông bão

16/04/2017 - 06:30

PNO - Trẻ “hư”, một phần lỗi là của chúng ta. Bất kể hậu quả gì đã xảy ra, một phần nguyên nhân vì ta đã không huấn luyện cho trẻ cách xử lý - vì ta không để trẻ trui rèn qua bão giông.

Sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh. Đó là một kỳ công, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều các cặp vợ chồng hiếm muộn, oằn mình trước áp lực cuộc sống, nguy cơ bệnh tật và những nỗi lo an toàn...

Cho con duoc di trong giong bao
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cho nên cũng không quá khó hiểu khi ngày nay nhiều bậc phụ huynh chọn phương án giữ con trong vòng kiểm soát với lý lẽ rất thực tế: thà con kém cỏi, nhưng mình giữ được con; hơn là tung con vào giữa cuộc đời để rồi không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Có điều, các phụ huynh không biết hay ít nhất cũng là không buồn để ý - cảm giác của đứa trẻ trong “chuồng” như thế nào. Hãy nhìn cảnh những đứa trẻ bức bối quẩn quanh trong phòng khi không được phép đi dự sinh nhật bạn.

Hãy nhìn những đoạn chat trong điện thoại của trẻ với bạn để biết trẻ nói gì về cha mẹ mình - những người chỉ biết kìm kẹp chúng. Chúng ta không biết, khi một đứa trẻ muốn thoát ly, trẻ có thể làm những việc khủng khiếp gì mà ở mức “nhẹ nhàng” nhất là nói dối mẹ cha. Để rồi khi hậu quả xảy ra, chúng ta lại dành cho trẻ những đòn roi, mắng chửi theo kiểu: “Sao cha mẹ dạy mãi con không nghe”, “Sao con hư hỏng quá vậy”.

Trẻ “hư”, một phần lỗi là của chúng ta. Bất kể hậu quả gì đã xảy ra, một phần nguyên nhân vì ta đã không huấn luyện cho trẻ cách xử lý - vì ta không để trẻ trui rèn qua bão giông.

Một đứa trẻ sẽ khó có kỹ năng lái xe đường trường khi ngày qua ngày vẫn được cha mẹ chở đi học, đón về nhà hoặc trong những chuyến đi xa. Làm sao trẻ có thể rèn luyện kỹ năng ứng phó và xử lý tình huống nếu chưa từng được trao quyền quyết định và tùy nghi hành xử theo quan điểm, lựa chọn của mình?

Ta đã bao giờ tham vấn trẻ trước khi đặt phòng nghỉ cho gia đình trong chuyến du lịch? Hoặc đơn giản hơn, ta đã bao giờ huấn luyện trẻ cách chọn các sản phẩm tiêu dùng? Khi trẻ đến tuổi “yêu” - cái tuổi có thể ngồi hàng giờ chỉ để nhớ mỗi một nụ cười.

Cho con duoc di trong giong bao
 

Bao nhiêu phụ huynh trong số chúng ta nói với trẻ rằng đó là một cảm xúc tích cực, bình thường của lứa tuổi, hay sẽ ném thẳng vào mặt con cụm từ “mới tí tuổi đầu”? Khi một đứa trẻ “thất tình”, chúng ta có nói với con rằng đó là một trải nghiệm của cuộc sống vốn phong phú và đa dạng hay sẽ đay nghiến kiểu: "Sáng mắt con chưa?".

Thế giới quanh ta luôn đầy rẫy những hiểm nguy rình rập trẻ. Trong quá trình trưởng thành, định hình nhân cách, trẻ sẽ gặp phải vô vàn bão giông mà nếu không được chuẩn bị trước phương án đối phó, thực hành kỹ năng phản ứng thì điều duy nhất trẻ có thể làm là bám vào cha mẹ.

Khi ấy, liệu ta có thất vọng sao con em mình không có khả năng tự lập, không có ý chí vượt lên, không có khả năng sáng tạo để giải quyết vấn đề? Trong hầu hết những sai lầm, bồng bột của trẻ, với ta, lỗi luôn luôn là do trẻ. Thật hiếm khi chúng ta chịu thừa nhận đó là do cách ta chuẩn bị cho trẻ hành trang vào đời.

Nếu bạn yêu con, hãy lắng nghe con nói - cho con cơ hội được trình bày quan điểm của mình. Bạn có thể phản biện, nhưng đó phải là sự phản biện trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau chứ không phải theo kiểu vùi dập “trứng mà đòi khôn hơn vịt”. Nếu bạn yêu con, thay vì cấm con đi chơi với bạn trai, hãy dạy con cách tự bảo vệ bản thân khi cần thiết; hoặc thậm chí làm như cách các phụ huynh phương Tây - kín đáo bỏ bao cao su vào túi con.

Hãy giao cho trẻ nhiệm vụ lên kế hoạch, tổ chức chuyến đi chơi cho gia đình, bao gồm cả hoạch định chi phí. Hãy để trẻ được quyền sai - không phải theo kiểu của bài nhạc teen - “vì cuộc đời cho phép”, mà vì ta luôn ở đó, sẵn sàng giúp đỡ trẻ khi cần, nhưng trẻ sẽ cần tự mình lèo lái qua bão giông.

Nếu bạn không muốn con mình mai đây lớn lên như một robot chỉ biết vâng lời và chờ lệnh, hãy cho con được đi trong bão giông!

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI