Chất gây nghiện tấn công con trẻ, cha mẹ 'đỡ' thế nào?

14/07/2017 - 14:04

PNO - “Bóng cười, tem giấy, lá khat, cỏ Mỹ... là những chất kích thích vô cùng nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là các em nhỏ.

Dư luận xã hội đang xôn xao trước clip một cô gái thản nhiên bơm rồi hút bóng cười và phê vật vạ giữa phố được đưa lên mạng xã hội ngày 12/7. Hình ảnh này khiến nhiều phụ huynh giật mình. Hiện tại có đến 100 loại ma túy đang núp bóng dưới các dạng thức ăn, kẹo, bánh, nước hoa, muối tắm, bong bóng... để dễ thu hút giới trẻ. Trong khi đó, đa số phụ huynh vẫn mơ hồ trước nguy cơ tấn công con em của chúng ta.

Chat gay nghien tan cong con tre, cha me 'do' the nao?
Một nhóm bạn trẻ ngang nhiên chơi bóng cười ở một quán cà phê tại Q.1 (TP.HCM)

Khi ma túy là đồ chơi, kẹo bánh

Anh Hoàng Bá Lân (46 tuổi, tài xế taxi) cho biết, anh đón khách là một đôi nam nữ tại khách sạn ở Hồ Đắc Di (Q.Đống Đa, Hà Nội). Lúc này, cô gái có cầm theo một bình khí. Khi tài xế hỏi thì cô gái cho biết mang theo bình ôxy để bơm bóng dự sinh nhật bạn.

Khi xe di chuyển một đoạn, người thanh niên xuống xe còn cô gái tiếp tục hít bóng cười và yêu cầu anh Lân chở lòng vòng. Đến đường Giải Phóng, thấy cô gái có biểu hiện “phê”, anh Lân dừng lại để cô gái xuống xe thì cô này yêu cầu tài xế chở mình về Nghệ An. Khi tài xế không đồng ý, thiếu nữ này đứng ở lề đường “phê” bóng cười, sau đó có một số biểu hiện không bình thường. 

Trước những hình ảnh phản cảm trên, chị N.H. bình luận: “Thời buổi này, nếu cha mẹ không theo sát con cái dạy dỗ thì hỏng hết. Không biết bố mẹ cô gái nhìn thấy hình ảnh con sẽ thế nào”.

Chat gay nghien tan cong con tre, cha me 'do' the nao?
 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề lo ngại trước những “trào lưu” nguy hiểm của giới trẻ hiện nay. “Hôm trước vừa chứng kiến cảnh một nhóm học sinh tụ tập hút shisha trong quán cà phê, bây giờ lại thêm vụ bóng cười. Hiện nay bọn trẻ ra đường chơi nhiều thứ độc hại lắm, các mẹ nên cẩn thận. Đừng để con nghiện ngập mới hối hận”, chị Minh Thùy ở TP.HCM chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ Công an, trên thị trường có đến 100 loại ma túy núp bóng dưới dạng đồ chơi, thức ăn, mỹ phẩm như: bánh cần sa, kẹo trắng, nước vui, tem giấy, ma túy đá... Với bề ngoài bắt mắt, các loại chất gây nghiện này dễ dàng len lỏi vào các nhà hàng, quán bar, thậm chí trường học, hạ gục một bộ phận thanh niên.

Năm 2016, chúng tôi gặp Nguyễn Dương Quốc Anh (sinh viên 21 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) tại một trung tâm cai nghiện ở TP.HCM. Tiếp xúc với chúng tôi khi vừa cắt cơn, nét bơ phờ, uể oải thể hiện rõ trên gương mặt của nam thanh niên này. Quốc Anh cho biết, nguyên nhân đẩy em vào cơn ác mộng này cũng chỉ vì một vài lần theo bạn vào quán bar cắn “kẹo”, phê đá.

Mẹ là giáo viên, bố là nhân viên một doanh nghiệp lớn ở TP.HCM nên Quốc Anh được giáo dục rất tốt từ nhỏ. Tuy nhiên, khi bước chân vào đại học, Quốc Anh vài lần được bạn học mời đi sinh nhật ở các quán bar lớn. “Trong cuộc vui, có vài đứa bạn đưa cho em một viên thuốc nhỏ gọi là “kẹo” bảo em cắn thử để nhảy cho bốc. Sau một vài lần thì em có cảm giác thèm, rồi một vài lần tụi em “chuyển món” sang chơi hàng đá. Sau gần một năm trời em nghiện ngập thì gia đình mới phát hiện và đưa em đi cai nghiện”.

Chat gay nghien tan cong con tre, cha me 'do' the nao?
 

Không cần lui tới các tụ điểm ăn chơi như quán bar, vũ trường, các học sinh cũng dễ dàng sa chân vào nhiều loại ma túy như tem giấy, nước vui. Đầu năm 2017, nhiều phụ huynh ở TP.HCM hoang mang khi nghe một loại ma túy có tên “tem giấy”. Theo lực lượng chức năng, loại ma túy này không xuất hiện nhan nhản ở cổng trường như thông tin trên mạng.

Tuy nhiên, các em có thể dễ dàng tìm mua vì chúng được rao bán tràn lan trên mạng. Đặc điểm của loại ma túy này là kích thước khá nhỏ, khi sử dụng thì chỉ cần ngậm dưới lưỡi nên phụ huynh rất khó phát hiện. Một loại ma túy khác núp bóng dưới dạng mỹ phẩm có tên là “muối tắm”.

Đây là loại mà túy có tên hóa học là mephedrone và cathinone, có hình dạng kết tinh và cách sử dụng giống như ma túy đá. So với các loại ma túy khác, “muối tắm” độc hại gấp hàng chục lần. Tuy nhiên, rất ít phụ huynh nhận diện được loại ma túy này, thậm chí là nhầm lẫn với một loại mỹ phẩm.

Cảnh giác với bất thường của con

Trò chuyện với chúng tôi, BS Đinh Hữu Uân - Bệnh viện tâm thần T.Ư 1 - cho biết: “Bóng cười, tem giấy, lá khat, cỏ Mỹ... là những chất kích thích vô cùng nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là các em nhỏ. Chúng tôi từng tiếp nhận nhiều trường hợp loạn thần sử dụng chất kích thích, trong đó có nhiều bệnh nhân tuổi còn rất trẻ”.

BS Uân nhận định, nếu như trước kia, hầu hết các trường hợp bệnh nhân tâm thần đều do cơ thể tự phát sinh bệnh, thì hiện nay có rất nhiều ca bệnh tâm thần do sử dụng chất kích thích. Điều rất đáng lo ngại là, hiện các loại ma túy xuất hiện rất nhiều, núp bóng với đủ chiêu trò nhưng nhiều phụ huynh lại chưa hiểu gì về các loại ma túy đó cũng như tác hại của chúng để mà ngăn cản, bảo vệ con em.

BS Uân khuyến cáo: Khi thấy con có các biểu hiện như: hay cáu gắt, ăn uống thất thường, da mặt không còn sáng, hồng hào. Nhìn kỹ đồng tử (con ngươi) khi dãn to, khi teo nhỏ và một số biểu hiện khác thường khác thì phải tìm cách khéo léo kiểm tra con, bởi đó là dấu hiệu khác thường. Trẻ có thể bị nghiện hay gặp một vấn đề gì đó về sức khỏe. Các bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức về ma túy để dạy con kỹ năng phòng tránh mối hiểm họa này.

Chat gay nghien tan cong con tre, cha me 'do' the nao?
 

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), hiện tình trạng vi phạm pháp luật của giới trẻ có chiều hướng gia tăng và một trong những nguyên nhân đến từ việc sử dụng các chất gây nghiện và game bạo lực. Có nhiều trào lưu khi con trẻ tham gia, người lớn tưởng như vô hại, nhưng khi trào lưu đó đẩy đứa trẻ đến hành vi vi phạm pháp luật, người lớn mới ý thức thì đã muộn. “Cách đây không lâu, tôi tham gia bào chữa cho một thân chủ là thiếu niên. Cậu bé này thường tụ tập với các bạn ở địa phương hít “keo chó” rồi đâm ra nghiện. Bố mẹ cậu bé thì lo làm ăn, nghĩ con mình chơi với bạn gần nhà thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, không lâu sau đó, cậu bé bị bắt vì gây ra một vụ cướp tài sản”, luật sư Hùng kể.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Lê Anh, phụ trách giáo dục Trường Nội trú IVS cho biết, "giới trẻ đang đứng trước rất nhiều các vấn nạn từ việc nghiện game, cuốn vào các trào lưu độc hại... Để ngăn chặn trẻ khỏi những tác động xấu, không ai ngoài chính phụ huynh phải luôn bên cạnh để giám sát con. Nếu thấy con em có biểu hiện khác thường thì phải tìm hiểu. Theo tôi, các trường hợp trẻ sa ngã vào tệ nạn thường một phần là do thiếu sự quan tâm của phụ huynh”. 

Hoàng Lâm

8% người nghiện ma túy ở tuổi vị thành niên

Tại tọa đàm “Hiểm họa ma túy và hành động của chúng ta” do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức vào ngày 14/6, bà Đặng Thị Minh Thư, quản lý truyền thông SCDI cho biết: độ tuổi sử dụng ma túy đá tại ba thành phố lớn đang “trẻ hóa”.

Tuổi trung bình sử dụng ma túy tại Hà Nội và Hải Phòng là 16, trong khi tại TP.HCM là 17. Độ tuổi bình quân sử dụng ma túy đá tại Hà Nội và TP.HCM là 18, còn tại Hải Phòng là 17. Đáng chú ý, có tới 30 - 40% vị thành niên từ 13 tuổi trở lên sử dụng ma túy đá. 

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm, hiện 70% số xã, phường trên cả nước có người nghiện ma túy. Nhiều loại ma túy mới được đưa vào sử dụng như: ATS, cỏ Mỹ, tem cười… Các vụ trọng án đều dính dáng tới ma túy. Có 8% trong tổng số người nghiện ma túy ở tuổi vị thành niên, học sinh.

BS Đinh Hữu Uân - Bệnh viện tâm thần T.Ư 1 cho biết, lâu nay nhiều người nghĩ bóng cười vô hại. Tuy nhiên, đây là chất rất độc hại. N2O vào cơ thể sẽ kích thích tăng chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Khi nồng độ dopamin tăng cao trong máu sẽ gây nên cảm giác hưng phấn, sảng khoái cao độ và bật lên tiếng cười. 

“Người sử dụng bóng cười lần đầu có thể lên cơn co giật, trụy tim mạch, thậm chí tử vong. Khi sử dụng bóng cười lâu dài, khí N2O tác động làm tổn thương tế bào thần kinh trung ương, người sử dụng có thể bị một số bệnh loạn thần như ảo giác, hoang tưởng, không làm chủ hành vi, sa sút trí tuệ, trầm cảm, có thể dẫn tới ung thư. Ngoài ra, những người đã có bệnh lý về thần kinh khi sử dụng bóng cười sẽ vô cùng nguy hiểm” - BS Uân cảnh báo.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI