Chào mạ, con đi!

02/02/2017 - 06:30

PNO - Lên đường trở lại thành phố với bao nhiêu quà quê được mẹ chồng gói ghém cẩn thận, tôi thật sự cảm động.

Tôi lấy chồng người miền Trung, vì đường sá xa xôi và điều kiện kinh tế hạn hẹp nên chúng tôi chỉ tổ chức đám cưới ở thành phố. Còn ở quê chồng, hai bên gia đình thống nhất đợi đến ra Tết, vợ chồng tôi về mới làm tiệc báo hỷ. Bởi vậy, sáu tháng sau ngày cưới, tôi mới ra mắt họ hàng nhà chồng và bắt đầu làm dâu. Cái Tết năm đó thực sự là một cái Tết đáng nhớ đối với tôi.

Chao ma, con di!
 

Vì không muốn phải làm dâu vào dịp Tết lại sợ tốn thêm khoản tiền quà cáp cho mọi người nên tôi năn nỉ chồng đăng ký làm Tết. Khi mọi người rục rịch trở lại thành phố sau kỳ nghỉ thì chúng tôi mới lên đường về quê.

Tôi về nhà chồng với tâm trạng ngổn ngang trăm mối lo xen lẫn chút buồn tủi. Tôi không được đón dâu trên chiếc xe hoa trang trí lộng lẫy có người đưa kẻ rước mà cùng chồng chen chúc trên chiếc xe đò chật chội toàn những người vì hoàn cảnh mà phải về quê muộn.

Thêm vào đó, tôi nghe bảo mẹ chồng người miền Trung khó tính, tiếng nói trọ trẹ mới nghe lần đầu chưa chắc đã hiểu. Trên suốt quãng đường về, chồng cứ thủ thỉ: “Quê anh cực lắm, em chịu khó nghe” càng làm lòng tôi rối rắm. Chỉ trong ba ngày thôi mà sao tôi thấy nó sẽ kéo dài vô tận. Nghĩ đến chừng ấy chuyện, tôi đã cảm thấy bủn rủn tay chân.

Mãi suy nghĩ, tôi thiếp vào giấc ngủ cho đến khi xe về tới quê chồng. Đón chúng tôi ở bến xe ngoài anh em nhà chồng còn có người trong họ hàng. Chiếc xe ô tô khá cũ được trang trí đơn giản nhưng nhìn vào đều có thể biết đó là xe đón dâu. Tôi nghe kể, để lên được thị xã sớm, mọi người phải xuất phát từ bốn giờ sáng trong thời tiết khá lạnh của những ngày cuối đông.

Sự đón tiếp rình rang này trái với tưởng tượng của tôi khi chồng báo trước, chắc phải bắt xe ôm về nhà chứ đường xá khó khăn lắm. Về đến nhà chồng, tôi thấy rạp cưới đã chuẩn bị sẵn dù chỉ mới ngày mồng 5 Tết. Họ hàng tập trung khá đông, các chị em nấu nướng tất bật ở trong một cái lều căng tạm ở góc vườn.

Mẹ chồng là người đón tôi xuống xe đầu tiên, bà mặc bộ áo dài lụa màu xanh sẫm đã bạc. Bà dẫn vợ chồng tôi vào căn buồng “cưới” mà cả nhà đã chuẩn bị, trên giường để sẵn bộ váy áo cô dâu. Mẹ bảo: “Sợ con đi xa về, mạ thuê sẵn áo váy trên huyện, con mang thử coi vừa không”. Tôi chỉ được nghỉ chừng hai tiếng đồng là bắt đầu vào buổi lễ, cỗ bàn dọn khoảng 50 mâm. Nhìn chừng ấy khách, tôi cũng để xây xẩm mặt mày nên được một lúc tôi phải trở về phòng nằm.

Khi tỉnh dậy đã bảy giờ sáng ngày mồng 6, mọi thứ đã dọn dẹp xong xuôi, bà con họ hàng đã ra về, chồng và ba đã đi thăm họ hàng từ sớm, chỉ có mẹ chồng nấu nướng dưới bếp. Bà đun cho tôi một nước xông với lá sả, vỏ bưởi, chanh..., hương thơm từ nồi nước lá làm tôi tỉnh cả người.

Hai ngày đầu ở nhà chồng trôi qua nhanh chóng, đụng vào việc gì mẹ chồng cũng không cho làm. Bà bảo tôi thời tiết ở đây lạnh cần giữ sức khỏe để còn trở lại thành phố. Đến tối, mẹ gọi riêng tôi ra ngoài bếp, giở chiếc khăn mùi soa gói hai chỉ vàng đưa cho tôi. Bà bảo: “Mạ không có nhiều, chỉ có chừng này cho hai đứa làm vốn” làm tôi rướm nước mắt.

 Có lẽ, bà đã dành dụm rất lâu mới được chừng ấy vàng cho chúng tôi. Đêm đó, tôi thực sự không thể ngủ được vì số tiền vợ chồng tôi tích cóp để về quê lo đám cưới nhưng mẹ chồng nhất quyết không nhận. Vậy mà, trước khi về, tôi đã tính toán không dám mua chút quà về biếu ông bà vì sợ tốn kém.

Lên đường trở lại thành phố với bao nhiêu quà quê được mẹ chồng gói ghém cẩn thận, tôi thật sự cảm động. Trước khi đi, bà cầm tay tôi bảo: “Tết sang năm gắng thu xếp về sớm với mạ nghe con”. Như một phản xạ tự nhiên tôi đáp: “Chào mạ, con đi” làm bà mỉm cười nói: “Con bắt đầu quen rồi đó”.

Hình như những gì tôi từng nghĩ về nhà chồng đã thay đổi hoàn toàn sau chuyến về quê này. Có lẽ, tôi đang thay đổi, bắt đầu từ cách gọi “mạ ơi” – nghe nằng nặng nhưng rất đỗi thân thương.

Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI