Cha mẹ già rất… ngại phiền con, phải sống sao cho con nó yêu

15/07/2017 - 06:30

PNO - Đó là một nghịch lý lớn. Cái ý nghĩ “nuôi con lớn lên để nhờ vả, chờ báo đáp” là có từ ngày xưa, khi cha mẹ làm chả đủ ăn, không có lương hưu phúc lợi nào.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi đọc bài về gia đình Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Như một quy luật, một đạo lý thông thường, “trẻ cậy cha, già cậy con”, nuôi con không vụ lợi, nhưng cũng không thể khác hơn, đó là khi già nua yếu ớt bệnh tật, rồi nằm xuống… trông nhờ vào đâu nếu không là con cháu và những người ruột thịt? Ai rồi cũng đi đến đoạn đời đó.

Cha me gia rat… ngai phien con, phai song sao cho con no yeu
Bé cậy vào cha mẹ. Ảnh minh họa

Đoạn ấy khổ nhất một đời người. Đến bước đi, cầm chén cơm cho vào mồm cũng không nổi, yếu ớt, phụ thuộc, sợ hãi, lẩm cẩm, trái tính, đầy bệnh, phải trông nhờ vào số phận “may nhờ rủi chịu”. Con cháu hiếu đễ nuôi nấng chăm sóc tử tế, tức là “số sướng, có phúc”. Còn con bất hiếu hắt hủi, coi như “số xui, vô phúc”.

Ngày nay các bậc cha mẹ Việt nam rất….dại. Làm lụng một đời lo cho con, cái gì cũng cho con. Không như ở xã hội phát triển, ngay các ông tỷ phú, cũng không làm để cho con. Có khi tài sản cuối đời đem….cho từ thiện (Ở xứ ta, cha mẹ không cho con mà cho thiên hạ thì chúng….chửi cho không chừng). Thôi không so sánh với xứ giàu làm gì. Con nó sẽ bảo ở ta, con nghèo và cần tiền hơn…Tây .

Cha me gia rat… ngai phien con, phai song sao cho con no yeu
Đoạn khổ nhất của đời người. Ảnh minh họa

Có ông Việt Kiều nọ kể, ở bên Tây khi ông đau ốm nằm viện, con cháu vào chăm nuôi săn sóc. Có ông Tây hỏi: “Chắc ông có tài sản lớn lắm để lại nên con cháu mới chăm nom đông thế?”. Mà ông có tiền hay tài sản gì đâu, người Việt theo truyền thống hiếu đễ chăm sóc cha mẹ già đó thôi. Ông Tây quen lệ xứ mình người già có “tiền già” bệnh thì vô dưỡng lão, chứ con cháu có khi nó đi mãi đẩu đâu lập nghiệp, biết gì.

Cha mẹ Việt bây giờ khối cảnh làm lụng hùng hục tạo dựng tài sản, con nó đối xử lại có thể theo hai cách: Một là nó …kiện tụng tranh giành. Hai là nó….bất cần. Con dâu con trai nó biết, ông bà chết đi có đem đi được đâu, tất nhiên nó sẽ hưởng, chả việc gì mà phải….nịnh, phải chăm sóc gì. Đạo đức xã hội chạy theo tiền, tiền là to nhất, đã khiến người ta thay đổi, “đánh tan” được cả đạo lý dân tộc xây dựng bao thế kỷ mới được. Nay nó “phẩy tay một phát” là đấm đổ sụp cả thành trì.

Cha me gia rat… ngai phien con, phai song sao cho con no yeu
Sống sao cho con nó yêu. Ảnh minh họa

Cũng phải nói cho công bằng, có những người con hiếu đễ. Họ thành đạt, chăm cha mẹ già, cho cha mẹ đi du lịch, lo tổ chức đời sống cho cha mẹ ổn thỏa. Ốm đau lo chạy chữa chăm sóc. Mà không phải vì cha mẹ giàu cho mình cái gì. Nhưng họ còn phải lo cho cuộc sống riêng tư nữa, cũng đầy những trách nhiệm lo toan.

Cha mẹ hiểu biết bây giờ cũng rất nhiều theo đà phát triển của xã hội. Họ có lương hưu. Già lo tập tành giữ sức khỏe, khỏi đau ốm, tự kiềm chế mình trong ứng xử, rất sợ phiền con. Nhiều khi khó khăn lo lắng cũng giữ lấy riêng mình, dấu nhẹm. Nhìn những cảnh đau lâu ốm dài con cháu nó hầu kiệt quệ, lâu quá nó… hết cả thương nổi. Cho nên bây giờ có “công thức mơ ước” của người già  biết điều thế này: “Ăn từ từ, nhai chầm chậm, sống vô tư, chết….đột tử”. Nhiều người sợ chết, nhưng cũng sợ luôn cả…sống lâu quá. Họ cũng phải chuẩn bị cho tuổi già: Dành dụm tiền bạc, tập thể dục, ăn uống giữ gìn…cảnh giác với tính khí khó khăn của người già. Sống sao cho con cháu nó yêu. Sao cho  đừng phải nhờ con cháu là tốt nhất.

Bây giờ nói công ơn sinh thành, hiếu đễ này kia, con cái nó bảo “Biết rồi”. Tự nó tính, không phải dạy nó…

Một nghiên cứu tâm lý cho biết: Có rất nhiều người con trong đời đã từng oán cha mẹ vì nhiều lý do. Nhưng có điều chắc chắn là, không có người con nào lại không có điều để ăn năn, hối hận khi cha mẹ đã khuất núi.

Quảng Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI