Cha mẹ bỏ đi, ông bà có thể nhập hộ khẩu cho cháu?

22/07/2019 - 15:29

PNO - Cháu tôi chẳng khác gì trẻ mồ côi vì cha mẹ nó đã bỏ đi biền biệt. Cháu chưa có tên trong hộ khẩu của tôi, vậy làm cách nào để cháu được gọi vào lớp Một?

Tôi có đứa cháu trai, là con của con gái tôi. Con tôi vì chán nản chuyện gia đình (chồng nhậu nhẹt, bài bạc, cá độ và phải đi tù) nên đã bỏ nhà đi gần 2 năm nay. Nay tôi muốn nhập khẩu cháu vào hộ khẩu của tôi để tiện chăm sóc, nuôi dưỡng và học hành của cháu sau này thì có được không? Cháu sắp vào lớp 1 mà hiện tại tôi không thể liên lạc được với ba và mẹ của bé.

(Cẩm Hường – Long Xuyên, An Giang)

Cha me bo di, ong ba co the nhap ho khau cho chau?
Ảnh minh họa

Xin chào chị, cảm ơn chị đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin được tư vấn cho trường hợp này như sau:

Điều 13 luật cư trú 2006 quy định về nơi cư trú của người chưa thành niên như sau:

“1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.”

Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA: “b) Người chưa thành niên nếu không đăng ký thường trú cùng cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ mà đăng ký thường trú cùng với người khác thì phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã […]”

Như vậy, trong trường hợp này khi chị không thể liên lạc với cha mẹ của bé thì không thể thực hiện việc nhập hộ khẩu (vì không có sự đồng ý bằng văn bản của ba mẹ). Tuy nhiên, việc không nhập được hộ khẩu này cũng không ảnh hưởng đến quyền được đi học của bé. Như đã trình bày ở trên, nơi cư trú của bé được xác định theo nơi cư trú của cha, mẹ.

Cha me bo di, ong ba co the nhap ho khau cho chau?
Ảnh minh họa

Bởi vì theo quy định tại Điều 42, Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT Điều lệ Trường tiểu học đã quy định về quyền được học tập của học sinh:

Điều 42. Quyền của học sinh

1. Được học ở một trường, lớp hoặc cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục tiểu học tại nơi cư trú; được chọn trường ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận.

2. Được học vượt lớp, học lưu ban; được xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học theo quy định.

3. Được bảo vệ, chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng; được đảm bảo những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập và rèn luyện.

4. Được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu; được chăm sóc và giáo dục hoà nhập (đối với học sinh khuyết tật) theo quy định.

5. Được nhận học bổng và được hưởng chính sách xã hội theo quy định.

6. Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.”

Theo quy định này, cháu trai của chị sẽ được học ở trường, lớp hoặc các cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục tiểu học tại nơi cư trú hoặc trường ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận. Vì vậy, cháu vẫn có thể đi học bình thường.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng

(Đoàn luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI