Chả lẽ qua đò lần hai thì phải âm thầm, lặng lẽ?

10/01/2018 - 16:52

PNO - Một chị đồng nghiệp phòng tôi giơ tấm thiệp lên đọc, chép miệng: “Rổ rá cạp lại mà làm như kiểu tiểu thư danh giá không bằng”.

Chị xuất hiện trước cửa phòng làm việc của tôi với những tấm thiệp hồng: “Cuối tuần em đám cưới, phòng mình đến chung vui với em nhé”. Rồi chị nhẹ nhàng, cẩn trọng trao thiệp cho từng người. Ngay cả tôi, một đứa em chơi thân, cũng vậy. Mắt chị ánh lên niềm hân hoan. Các chị đồng nghiệp hùa vào trêu  ghẹo chị khiến mặt chị ửng đỏ.
Chị chuyện trò một lát rồi đi sang phòng khác.

Cha le qua do lan hai thi phai am tham, lang le?
Ảnh minh họa

Một chị đồng nghiệp phòng tôi giơ tấm thiệp lên đọc, chép miệng: “Rổ rá cạp lại mà làm như kiểu tiểu thư danh giá không bằng”. Một chị khác hùa theo: “Chắc ba bảy hai mốt rồi giải tán ấy mà”. Cả tuần, đám cưới và lý lịch hôn nhân của chị trở thành chủ đề bàn tán. Người thông cảm cũng có nhưng người thành kiến nhiều hơn. Trong suy nghĩ của họ, một phụ nữ ly hôn mà để con cho chồng nuôi là người chẳng ra gì.

Còn tôi, từng chơi với chị bao năm, từng chứng kiến chị tìm đủ mọi cách để cứu vãn hôn nhân rồi vật vã, đau khổ khi hôn nhân đổ vỡ; từng lái xe máy gần 100km từ Hà Nội về Hải Phòng giữa trời đông rét mướt để kịp dự sinh nhật con; tôi nể phục chị đã chiến thắng được sự yếu đuối, đa mang của đàn bà và những lời dị nghị xung quanh để đưa ra quyết định sáng suốt cho tương lai của con mình.

Đám cưới chị tổ chức không quá sang trọng nhưng ấm áp và cũng đủ đầy nghi thức. Nhìn chị trong chiếc váy cô dâu, tay đan tay, sánh bước bên chú rể mà lòng tôi rộn ràng. Vậy mà, vẫn có những xì xào, kiểu “tập hai rồi thì cứ đưa nhau về mà ở chứ rình rang làm gì”. Ngay cả những giọt nước mắt của cô dâu lăn dài trên má khi nghe chú rể bất ngờ hát tặng một ca khúc yêu thương cũng bị nghi ngờ.

Chả lẽ qua đò lần hai thì phải âm thầm, lặng lẽ? Chỉ vì một lần dang dở nên cô dâu đừng có mà “diễn sâu”. Nhìn chị, tôi biết, chẳng có sự giả tạo, “làm màu” gì ở đấy. Ai làm cô dâu chẳng có những cảm xúc đặc biệt như vậy trong ngày cưới. Một lần đổ vỡ, trong chị mang bao nhiêu tổn thương. Sao không giúp chị thắp lên niềm tin vào hôn nhân thay vì nghi ngờ và dè bỉu?

Mấy ai biết chị cũng đã đấu tranh rất nhiều với bản thân khi quyết định qua đò lần hai, bởi chồng cũ luôn tìm mọi cách quấy nhiễu và ngăn cản chị. Nhưng chị đã mạnh mẽ vượt qua bằng suy nghĩ rất tích cực: “Chuyện cũ qua rồi và tương lai là thứ chưa đến nên cứ sống hết mình với hiện tại. Chị phải đứng vững thì mới mong là chỗ dựa cho con”.

Tôi biết con đò mà chị đang bước chân lên có thể sẽ có sóng gió. Nhưng tôi tin chị sẽ hạnh phúc khi bên chị có một người đàn ông cũng đã từng lỡ dở, từng mất mát, tổn thương. Hơn hết, đó là người thấu hiểu, yêu thương, trân trọng chị và xem con trai chị là một mắt xích quan trọng trong đời sống vợ chồng của hai người.

Và chị - người phụ nữ đã trải qua bao khổ đau nhưng không đánh mất niềm tin, biết chìa tay ra để nắm lấy hạnh phúc, sẽ được đền đáp xứng đáng. 

Thu Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI