Cắp sách đi học làm cha mẹ

06/06/2018 - 05:59

PNO - Chúng ta không lạ với câu “nghề làm cha mẹ” và từng nghe ai đó nói quản trị gia đình chẳng khác điều hành một doanh nghiệp.

Nhưng thử hỏi doanh-nghiệp-phụ-huynh ấy đã chuẩn bị vốn điều lệ, vốn pháp định, vốn ký quỹ… như thế nào để “công ty” có thể khởi đầu trơn tru, hoạt động hiệu quả?

Đầu tư vào “nghề làm cha mẹ” đâu chỉ bằng tiền, thời gian, công sức mà cần cả kiến thức, kỹ năng và một tâm thế sẵn sàng, kiên nhẫn bên những thành viên bé nhỏ. Mà muốn có những “vốn mềm” đó, phụ huynh phải tham gia các khóa học làm cha mẹ - tốn tiền, thời gian và công sức - cả ba thứ không phải ai cũng luôn dồi dào.

Cap sach di hoc lam cha me
Những khóa học làm cha mẹ luôn được nhiều phụ huynh quan tâm

“Cần nhưng thôi để sau”

“Mình có nhiều bạn bè, tận mắt nhìn thấy những bạn mở trung tâm dạy tiếng Anh, dạy toán, văn cho học sinh thì luôn đông tới mức quá tải, một vài năm đã thu hút vài ngàn học sinh. Nhiều bạn khác cũng rất giỏi, rất tâm huyết mở những khóa học về kỹ năng làm cha mẹ, về giá trị sống rất hay, rất chất lượng, nhưng sao ít người tham gia quá. Có lớp chỉ có ba người học. Các mẹ Việt Nam vẫn hy sinh quá, vẫn chỉ muốn đầu tư cho con mà không dám đầu tư vào chính mình”, bài viết trên trang cá nhân của nhà báo - "hot mom" Thu Hà đã mô tả tình trạng đìu hiu như chợ chiều của nhiều khóa học làm cha mẹ. 

Nhà Văn hóa Phụ Nữ đứng vào hàng có thương hiệu trong việc tổ chức các khóa học dành cho cha mẹ, với các chuyên gia hàng đầu ngành tâm lý, xã hội học… của TP.HCM và cả nước, nhưng cũng lắm khi phòng nghiệp vụ của nhà văn hóa phải hoãn hoặc hủy lớp vì chiêu sinh "quá hẻo".

Trong những cuộc khảo sát về nhu cầu tham gia các khóa học này, tỷ lệ ủng hộ luôn cao ngút khiến những nhà tổ chức kỳ vọng về tính khả thi khi mở lớp. Tuy nhiên, đến giờ G, học viên đã lèo tèo lại còn cúp cua về sớm vì bận rước con, giao hàng, lo cơm nước… Khi đánh dấu vào phiếu thăm dò, hẳn phụ huynh thể hiện nguyện vọng thật của mình “cần học”, tuy nhiên giữa nguyện vọng và hành động là một khoảng cách quá xa. 

Là nhân viên tư vấn bảo hiểm, chị Kim Nhàn (ngụ Q.2, TP.HCM) thường đi gặp khách hàng vào ban đêm và những ngày cuối tuần. Dù rất muốn trang bị kiến thức, nghệ thuật nuôi dạy con nhưng chị không tài nào sắp xếp được thời gian. Ly hôn, chồng lại có vợ sau, con nhỏ; ông bà ngoại ở xa, cảnh đơn thân nuôi con khiến chị Nhàn lao tâm khổ tứ trong việc trông giữ, gần gũi, nắm bắt tâm lý và nuôi dạy hai cô công chúa. Buổi chiều, con tan học, có khi chị bận việc không về đón kịp, phải gọi điện thoại cầu cứu cô giáo chở về nhà cô hoặc nhờ nữ đồng nghiệp, nhờ các nữ xe ôm đón giúp (chị không dám giao các chú vì lo ngại những vấn đề nhạy cảm). 

“Không đủ thời gian nằm ôm con, nghe con kể hết một câu chuyện, nói gì đến đi học để dạy chúng. Nếu học cũng không biết chọn chương trình nào vì có nhan nhản chương trình quảng cáo trên mạng với mức giá thượng vàng hạ cám, từ miễn phí đến vài trăm triệu đồng/khóa. Tên chương trình thì toàn “kêu” kiểu như phụ huynh thông thái, dạy con tự lập, giàu có, nhân ái, xuất chúng… Tôi chần chừ, lần lữa mãi nhiều năm mà không đi học được.

Lúc có bầu bé đầu, tôi ham học lớp thai giáo, định bé lớn đến đâu mình cập nhật đến đấy, mà vuột mất cơ hội. Đến nay, bé lớn sắp bước vào tuổi dậy thì, bé nhỏ sắp vào lớp Một. Đúng là có đủ vấn đề chất chứa như các con bướng, lười, vô tâm, nghiện thiết bị điện tử; tôi thì càng lúc càng mất kiểm soát cơn giận dữ, lắm khi đánh mắng con, cảm thấy bất lực trước con.

Chị bạn nhiều lần thấy tôi nổi điên với con như thế lại nhắc tôi đi học làm cha mẹ, cập nhật kiến thức để nhẹ nhàng hơn, hiệu quả hơn trong giáo dục con giống như bản thân chị đã hóa giải được bớt nhờ đi học. Tôi lại hứa, lại loay hoay…” - chị Kim Nhàn chán ngán chính mình. 

Cap sach di hoc lam cha me
Các buổi hội thảo do Hội quán Các bà mẹ tổ chức luôn cung cấp kiến thức bổ ích cho phụ huynh

"Xóa mù", nhưng phải tỉnh

Đôi lúc nhiều người tự hỏi dường như thời hiện đại, thì giờ luôn bị rò rỉ, đánh cắp, mà không ai là kẻ trộm, toàn là nạn nhân nên có câu than thở cửa miệng: “Tôi làm gì có thời gian để làm chuyện đó”. Phụ huynh cũng thích học, cũng thấy cần nhưng lười, ngại và có quá nhiều lý do chính đáng để hoãn lại.

Trong bậc thang vai trò: giám đốc công ty, trưởng nhóm bán hàng, con trưởng trong nhà, chủ nhiệm câu lạc bộ… hẳn vai trò “học viên của lớp học làm cha mẹ” bị xếp dưới đáy thang. Thực ra bậc thang thấp nhất là quan trọng nhất vì “hậu phương” lộn xộn thì phụ huynh không an dạ, không dồi dào năng lượng để xông pha ra xã hội, phát triển sự nghiệp hay tỏa sáng được.

Đi học làm cha mẹ không được xếp thứ tự ưu tiên cơ bản vì phụ huynh chưa cảm nhận đủ độ đau - hậu quả từ “mù” kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ. Đâu đó trong nhà mình, con vẫn phát triển thể chất, đủ độ cao, đủ ký lô; vẫn đi học đều đều, có kết quả khá tốt, thậm chí điểm cao hơn con người ta. Con đâu có bỏ học đi bụi, cặp bè cặp bạn hút chích, giật giọc. Vẫn ổn, không có gì đáng báo động. Có việc gì cần thì gõ trên mạng tư vấn sẽ được giải đáp ngay, đâu đến mức phải đi học!

Nhưng có khi phần bất ổn nằm dưới phần chìm của tảng băng mà vì khoảng cách tinh thần ngày một xa khiến các thế hệ không nhìn nhận được. Bi kịch gia đình một ngày ập đến theo cách của một “cơn đau” phải cấp cứu và để lại nhiều di chứng, tổn thương mối quan hệ. Kết quả ấy đi ngược lại với mong chờ của những người làm cha làm mẹ: “Tất cả vì con”. 

Tuy nhiên, với ngay cả phụ huynh có ý thức đi học thì việc chọn lựa chương trình, việc áp dụng sao cho bài học phù hợp và hiệu quả đối với đặc trưng của nhà mình không phải là bài toán dễ giải.

Hiện đội ngũ các chuyên gia cũng rất phong phú cả về số lượng và trình độ. Có rất nhiều người không có chuyên môn về lĩnh vực đào tạo phát triển bản thân, giáo dục gia đình… vẫn “nhảy ra” làm chuyên gia, “nghề chọn người”. Khối người nổi tiếng ở lĩnh vực khác, có chút duyên ăn nói, có ngoại hình đẹp, dạn dĩ, xuất bản được vài tác phẩm “bỗng dưng” muốn thành chuyên gia để rao giảng những giá trị cho người khác.

Lời của chuyên gia đủ “thể loại” ấy, nếu phụ huynh xem là khuôn vàng thước ngọc thì nguy, việc áp dụng lên con mình càng chệch choạc. Đâu phải phụ huynh nào đi học cũng ý thức đó chỉ là tham khảo. Trong khi các khóa học bùng nổ thì công tác quản lý không theo kịp. Chính vì thế, phụ huynh phải tỉnh, tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng, nhiều chiều để chọn lọc và chắt lọc, không nghĩ đơn giản “tiền nào của nấy” để tránh đầu tư vào chương trình không xứng đáng. 

Hầu hết các chương trình dành cho cha mẹ đều bổ ích và nếu học hỏi, rút tỉa từ đó sẽ tạo những thay đổi tích cực cho chính phụ huynh, con cái được thụ hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, phụ huynh nên chịu trách nhiệm và hết lòng với sự chọn lựa của mình. Không có bí quyết nào để chọn lớp tốt, học tốt nếu bạn đi học với cái tâm nghi ngờ, không dấn thân, không tương tác với thầy, bạn và trân trọng, sáng tạo khi đưa những giá trị đó vào mái ấm của mình.

Các khóa học thường có những buổi giới thiệu, các chuyên gia thường có những buổi phát trực tiếp trên Facebook, những bài báo thể hiện quan điểm và phong cách của mình, phụ huynh có thể tiếp cận tìm hiểu, chọn lựa để cùng đồng hành với nhau như những người thân suốt đời.

Trần Quốc Phúc
(Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cho Bạn Cho Con (CBCC), Q.3, TP.HCM)

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI