Biết đâu em sẽ lấy chồng

06/10/2019 - 05:57

PNO - Nhìn dáng người gọn gàng, nét trẻ trung duyên dáng, tác phong nhanh nhẹn của chị Thiện, ai cũng tiếc cho người phụ nữ luống tuổi xinh đẹp sớm bị thiệt thòi.

Tiệm may nhỏ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là một góc phòng khách đủ đặt bốn bàn máy liền kề nhau một cách gọn gàng, thuận tiện cho việc đi lại của chủ nhân - chị Trần Thị Thanh Thiện, vốn là một người câm, điếc bẩm sinh. Góc làm việc của chị hướng thẳng ra cửa, nơi có chiếc võng bà má già nằm nghỉ, và tầm nhìn thông thoáng ra ngõ, bao quát mấy nhà hàng xóm. 

Hôm nay có vài khách quen tới đặt may đồ, chị Thiện nhiệt tình giới thiệu với khách các mẫu mới bằng "bút đàm", bằng các hình ảnh trong catalog. Chị viết lên giấy: "màu gì?", và nhìn vào khẩu hình của khách để hiểu được họ thích màu xanh, vàng hay đỏ. Đã qua tháng Chín, công việc trở lại bình thường, không dồn dập tối ngày sáng đêm như hồi tháng Bảy, tháng Tám, khi chị nhận hàng may gia công đồng phục học sinh trước thềm năm học mới. 

Bỗng chị Thiện buông kéo, nhìn theo hướng tay bà má chỉ. Bên nhà bà Tư bán chè, nhiều người la hét rồi cuống quýt chạy tới. Chị bước vội qua và thấy bà Tư nằm gục sõng soài. Chị nhanh chóng đo huyết áp cho bà rồi làm vài động tác sơ cứu, nhỏ thuốc hạ áp… Một lúc sau bà Tư tỉnh lại. Chị quầy quả quay về nhà làm tiếp công việc dang dở. Người ta cám ơn mà chị không nghe. 

Hôm qua, thấy má mỏi mệt, bỏ ăn, chị cũng đón taxi đưa má lên bệnh viện Gia Định khám bệnh hết nguyên ngày. Má chị, cụ Nguyễn Thị Hiền (82 tuổi) kể với khách: "Con út Thiện giỏi lắm, vừa may đồ, vừa làm y tá, vừa làm đầu bếp cho tui đó. Tội nghiệp, nó câm điếc từ nhỏ, chớ không cũng làm công an, bác sĩ như mấy anh chị nó rồi". Nhìn dáng người gọn gàng, nét trẻ trung duyên dáng, tác phong nhanh nhẹn của chị Thiện, ai cũng tiếc cho người phụ nữ luống tuổi xinh đẹp sớm bị thiệt thòi.

Biet dau em se  lay chong
Cô gái Thanh Thiện năm hai mươi tuổi 

Hàng xóm kể thuở mười tám, đôi mươi, chị Thiện đẹp như hoa hậu, rất nhiều người theo đuổi. Nhưng người ta hỏi chuyện, chị không trả lời, làm quen thì né tránh, chỉ thấy cô gái xinh đẹp mỉm cười duyên dáng, người ta theo về tới nhà mới biết cớ sự. Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Vân, cán bộ công an thành phố nay đã nghỉ hưu, cho biết: "Từ khi Thiện bảy tuổi, gia đình đã cho đi học võ, đặng sau này tự phòng vệ". 

Chính vì sự giữ gìn của gia đình hơi có phần kỹ lưỡng, nên cơ hội để chị tiếp xúc bạn trai, trao đổi tình cảm hầu như không xảy ra. Sau khi học xong chương trình của Trường câm điếc Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, chị Thiện về nhà mở tiệm may kiếm sống. Để hai chị gái yên tâm công tác, út Thiện nhận phần chăm sóc má. Ngoài công việc may đồ cho khách, hằng ngày chị nấu cơm, giặt giũ, chăm má bệnh tật. Thỉnh thoảng các chị tổ chức cho dì út đi du lịch Đà Lạt, Đà Nẵng, Hà Nội, thậm chí chị Ba Vân còn cho em gái qua Nhật, Hàn quốc, Thái Lan...

Trao đổi với chúng tôi qua bàn phím điện thoại di động và nụ cười thường trực trên môi, chị Thiện tỏ ra rất tự hào về gia đình và hài lòng với cuộc sống của mình. Chị khoe mấy chục năm làm nghề, vì may giỏi nên khách hàng đông. Bình thường mỗi ngày chị cũng có năm bảy lượt khách, còn lễ tết thì đông vô kể. Tự làm việc nuôi bản thân, được các chị hỗ trợ tiền nuôi dưỡng má, nên số tiền dư ra, chị đem gửi tiết kiệm. 

Chị viết: "Tiền tiết kiệm cũng mới được hai tỷ đồng thôi!", khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Rồi chị tiếp: "Mai mốt má qua đời, em sẽ xin vô trại dưỡng lão sống, không phiền ai cả". Có lẽ đó là tâm nguyện của chị từ lâu. 

Biet dau em se  lay chong
Chị thợ may út Thiện bây giờ 

Khi chúng tôi thử đề cập chuyện lập gia đình, chị tỏ ra lưỡng lự: "Đàn ông tốt khó kiếm lắm. Đàn ông hay ăn nhậu, gái gú, hay số đề, cờ bạc, bán nhà, bán xe. Sợ lắm!". 

Rồi chị vui miệng kể chuyện tối qua, má muốn ăn hoành thánh, chị vẫn ra phố mua dù tiệm mì khá xa nhà và trời đã khuya. Ở chân cầu vắng, một tên biến thái đã chặn chị lại, đưa tờ bạc năm chục ngàn rồi định ôm chị làm ẩu. Chị đã lên gối một phát, xô tên biến thái ngã ngồi, rồi bình tĩnh xách bịch hoành thánh về nhà. "Trước nay có đánh ai vậy không?". 

Chị cười, chỉ tay về phía cổng, rồi viết: "Có! Ông hàng xóm! Thầy bói". Lộn xộn một lúc rồi cũng hiểu được câu chuyện chị muốn kể. Có một ông hàng xóm làm nghề bói toán, cam đoan với má chị là sẽ chữa khỏi bệnh câm cho chị. Bà bèn năn nỉ chị qua nhà ông ta. Khi chị vừa vô nhà gã đã đóng sập cửa lại, tiến đến định ôm chị. Một trái thôi sơn đã làm gã ngã xuống ghế salon, chị bước tới rút ra chiếc kéo may thủ sẵn, gã phải quỳ xuống van xin mãi chị mới tha cho.

Chị nói năm nay đã năm mươi tuổi rồi, chị vẫn hy vọng sẽ tìm được người đàn ông của đời mình. "Khi nào má mất, biết đâu em sẽ lấy chồng. Em sẽ rút tiền tiết kiệm mua một ngôi nhà nhỏ và sống với một người chồng tốt". 

Phương Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI