Bị bé gái 3 tuổi nhận diện 'người làm con đau' vùng kín, ông già 71 tuổi vẫn thoát tội

05/09/2019 - 10:00

PNO - Điều tra viên đưa nhiều hình ông già, cháu L. chỉ trúng hình ông T. nói ông “làm con đau”. Khi đưa nhiều tấm hình không có ông T., cháu lắc đầu “không có”... Vậy nhưng "yêu râu xanh" vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật.

Vụ việc gia đình bé P.N.L (3 tuổi, ở trọ H.Nhà Bè, TP.HCM) tố giác ông hàng xóm H.T.T., 71 tuổi xâm hại tình dục (Báo Phụ Nữ đã phản ánh trong bài viết Bé đã làm hết “phần việc” của mình – còn người lớn chúng ta?đăng số 43, ngày 6/5/2019), được dư luận rất quan tâm, trông chờ kết quả của cơ quan pháp luật.

Tuy nhiên, sau khi được chuyển lên Công an TP.HCM rồi trở về Công an H.Nhà Bè, đơn tố giác của gia đình đã rơi vào bế tắc. Quyết định không khởi tố của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Nhà Bè ngày 15/8/2019 cho biết lý do: không có sự việc phạm tội.

Bi be gai 3 tuoi nhan dien 'nguoi lam con dau' vung kin, ong gia 71 tuoi van thoat toi
Bé N.L. chịu nhiều tổn thương trong lứa tuổi thiên thần

Cơ quan Cảnh sát điều tra cho rằng vào thời điểm đó (từ 15g-18g ngày 15/4/2019), ông T.T. ở nhà cùng với vợ tại gia đình và ông không tiếp xúc với cháu N.L. Giám định của Trung tâm pháp y đối với cháu N.L. kết luận màng trinh không rách, không thấy tinh trùng trong dịch phết vùng âm hộ và vùng hậu môn, có tế bào người nam tại vùng âm hộ và hậu môn nhưng không đủ cơ sở đối chiếu với mẫu ADN của đối tượng nam. Đồng thời các mẫu so sánh là quần áo, tã, khăn của cháu không có hiện diện tế bào của ông T.T. mà chỉ có hiện diện tế bào của anh P.Q.L. (ba bé N.L.) nên không có căn cứ để xác định ông T.T. có hành vi dâm ô đối với cháu N.L.

Bức xúc, bất bình, anh Q.L., gửi đơn khiếu nại cái Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đến: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân H.Nhà Bè, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Nhà Bè.

Anh P.Q.L. quyết liệt yêu cầu: “Việc ban hành quyết định không khởi tố vụ án dựa trên các cơ sở không chính xác, chưa xem xét toàn bộ nội dung chứng cứ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của con gái tôi. Việc giám định, tiếp nhận các chứng cứ chậm trễ, có nguy cơ các dấu vết đã không còn lưu giữ và điều đó không đồng nghĩa với ông T.T. ngoại phạm. Nhiều bệnh viện khám và chẩn đoán con tôi viêm âm hộ, cùng nhiều biểu hiện bất thường về tâm lý nhưng không được xem xét đến. Hành vi dâm ô thì không cần phải tìm thấy tinh trùng trên dịch phết âm hộ và hậu môn. Hành vi dâm ô chỉ cần dùng tay, miệng sờ, hôn vào phần nhạy cảm… là đã cấu thành. Và hoàn toàn phù hợp khi nhiều lần tại cơ quan điều tra, con gái tôi đã trình bày “ông già” dùng tay móc vào vùng kín, “thơm” mũi, “thơm” má... Bé đã “thực hành” lại những hành động kỳ quái ấy trên chính em trai của mình và ai hỏi thì bảo rằng “ông già làm vậy”. Đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra ban hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi cho sáng tỏ, đúng người đúng tội”.

Điểm mấu chốt đáng lưu ý là cháu N.L. (3 tuổi) đã bị bỏ qua lời khai và nhận dạng trực diện, trực tiếp hay qua ảnh trên giấy, ảnh trên điện thoại đối với “ông già làm cho con bị đau” dù kết quả rất chính xác, trùng khớp sau nhiều lần, mỗi lần cách nhau một tuần, nhiều tháng.

Khi điều tra viên đưa nhiều hình ông già, cháu chỉ trúng hình ông T.T. với hành vi “làm con đau”; lần khác, khi điều tra viên đưa hình nhiều ông già mà không có mặt ông T.T. thì cháu lắc đầu bảo “không có”…

Tương tự, ở hiện trường, cháu N.L. cũng nắm tay dẫn điều tra viên xăm xăm đến nhà ông T.T. và khẳng định đó là nơi bị “ông già” làm đau.

Tội phạm thường chọn những nhóm yếu thế để tấn công, như trẻ em, người chậm phát triển... hòng ém nhẹm hành vi phạm pháp của mình. Vậy trí nhớ, thái độ, lời nói, tường thuật... của em bé ba tuổi cần được nhìn nhận, đánh giá và tin cậy như thế nào? Để rộng đường dư luận, chúng tôi ghi nhận ý kiến của các chuyên gia thuộc lĩnh vực xã hội học - tâm lý và thường xuyên hoạt động xã hội gắn với công tác trẻ em:

Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp (Trưởng khoa Tâm lý Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM): Sao cơ quan điều tra lại coi thường lời khai của nạn nhân?

Việc Cơ quan cảnh sát điều tra không đánh giá cao mức độ tin cậy từ lời khai cháu bé dẫn đến ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, tôi cho rằng điều này không hợp lý và cần tiếp tục điều tra hơn là đưa ra kết luận (có tội hay chưa có tội). 

Cháu tuy nhỏ nhưng đã có nhận thức và biết liên kết các sự kiện. Lời nói của trẻ có thể tin cậy được nếu quá trình điều tra diễn ra khách quan và các thực nghiệm kiểm tra khách quan (không bị các yếu tố nhiễu làm ảnh hưởng). Nếu chỉ lý luận là cháu còn nhỏ, lời khai không đáng tin cậy thì chưa thỏa đáng. 

Để ra kết luận, Cơ quan cảnh sát điều tra và người bị tố giác phải chứng minh người bị tố giác không có tội dựa trên các thực nghiệm điều tra khách quan khác hay các lập luận rõ ràng. Nên tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ chứ không kết thúc tại đây!

Bi be gai 3 tuoi nhan dien 'nguoi lam con dau' vung kin, ong gia 71 tuoi van thoat toi
Bé N.L. tự cắn vào tay mình

Tiến sĩ XHH Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia): Bé 3 tuổi không thể kể nhiều lần một chuyện giống hệt nhau nếu không có thật

Một đứa trẻ chưa đủ ba tuổi trả lời chính xác và nhận dạng đúng một người trong các lần làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra với khoảng thời gian cách xa nhau, thể hiện sự việc đã ăn sâu vào tâm trí của nạn nhân khi cháu chứng kiến bằng các giác quan của mình, và cũng chứng tỏ sự việc đã diễn ra ấn tượng tác động đến cháu sâu sắc đến mức cháu không thể quên được. Tâm lý trẻ lên ba không thể tưởng tượng ra một câu chuyện mà có thể kể lại tất cả các lần giống nhau.  

Cũng không thể có sự ngẫu nhiên trùng hợp giữa các lần kể, cách xa nhau của bé. Ngay cả người lớn có ý thức cũng không thể bịa ra rồi kể lần nào cũng giống lần nào. Chỉ có thể là sự thật đã diễn ra và cháu mô tả lại theo sự ấn tượng sâu trong trí nhớ của mình mới có thể có cùng một kết quả dù cơ quan cảnh sát điều tra đã thử bằng nhiều cách khác nhau. Tôi đánh giá lời khai của cháu bé là đáng tin cậy.

Tôi rất bất bình với việc chậm khởi tố vụ án. Các chi tiết thống nhất trong các lần kể của nạn nhân đã rõ ràng về mức độ tin cậy. Tôi biết xử án phải tuân thủ theo quy trình nhưng nạn nhân và gia đình nạn nhân sẽ thêm tổn thương nếu vụ việc bị xử lý chậm. Những biểu hiện của cháu như sốt ói, giật mình trong giấc ngủ, liên tục kêu đau vùng kín, đánh cắn em trai và cả bản thân, rất sợ tiếp xúc với đàn ông lớn tuổi… cho thấy cháu đang bị tổn thương nghiêm trọng về thể xác và tinh thần. Và những hiện tượng tổn thương này nếu không được giúp đỡ sẽ ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của cháu. Tôi nhớ vụ việc ở Cà Mau, cháu bé nạn nhân đã phải tự tử vì "công lý không được thực thi". Trường hợp ở Cà Mau là bài học cho tất cả chúng ta.

Tô Diệu Hiền

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Kim Anh 16-12-2020 18:28:17

    Vụ việc này đã được đăng tải nhiều lần bởi báo Phụ Nữ; thế nhưng tại sao không một cơ quan pháp luật nào vào cuộc? Chúng ta có Hội Bảo vệ Bà Mẹ Trẻ em, thế Hội đã can thiệp như thế nào trong vụ việc này? Gần đây, báo PLO lại đăng tải một loạt trả lời giải thích vụ án thiếu cơ sở. Xin hỏi chúng ta bảo vệ trẻ em hay chúng ta bảo vệ kẻ biết nói dối?
    Trẻ chỉ mới 3 tuổi, lần nào cũng khẳng định “ông già” thế này, thế nọ. Chúng ta còn mong đứa trẻ 3 tuổi nói gì nữa? Bắt 1 đứa mới 3 tuổi đấu với 1 nhóm người đã phát triển, lõi đời, nhiều kinh nghiệm - thử hỏi chúng ta có công bằng với cháu không?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI