Bập bênh bên hiếu bên tình

22/07/2019 - 09:00

PNO - Một bên tình, một bên hiếu, Nghĩa đành chọn cách im lặng lánh mặt để hai người đàn bà ở lại cắn đắng nhau cho đến sức tàn lực kiệt.

Trên chuyến phà qua con sông Tiền về lại quê hương, nhìn đám cưới nhà ai rộn ràng rước dâu, bà của Ngân bảo: “Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng, con cũng nên tìm nơi có đức gửi thân, con nhé!”. Ngân chợt nghĩ mình lấy ai yêu mình chớ có lấy gia đình người ấy đâu mà phải “xem tông, chọn giống” làm gì! Rồi cô cười bảo chắc chắn con sẽ lấy một người đàn ông phù hợp với mình nên bà yên tâm.

“Môn đăng hộ đối” có còn phù hợp?

Tuổi hai mươi hai, Ngân chẳng hiểu hết ý của bà, cô lựa chọn một tình yêu lý tưởng để sánh đôi, sải bước và chấp nhận sống chết bảo vệ tình yêu của đời mình, mặc cho người đời cho rằng không phù hợp.

Bap benh ben hieu ben tinh
Ảnh minh họa

Ngân gặp Hùng trong một lần tham gia hội nghị trên tỉnh. Tuy nhiên, lúc đó cô lại đang yêu xa một anh bạn cùng trường đại học. Gia đình người yêu khá giả, hạnh phúc, cha mẹ thương con và thương cả cô con dâu tương lai, vậy mà chính cái cảm giác xa mặt cách lòng, chính những nỗi cô đơn mới lớn đã làm Ngân quyết định chấm dứt tình yêu để đến với Hùng như một định mệnh.

Hùng lớn lên ở miền Tây, gia đình nghèo đến nỗi nhà không có một vật dụng gì đáng giá. Từ nhỏ, Hùng được gửi đi học ở nhà người cô, sau đó anh thi đậu trung cấp. Việc làm bấp bênh nhưng được cái anh chịu khó và thích kinh doanh nên cuộc sống cũng tạm ổn. Làm bao nhiêu tiền anh đều gửi về cho cha mẹ và cô em gái. Cô bằng tuổi Ngân nhưng không chịu đi làm, chỉ thích ở nhà và trông chờ ai đó đến cưới.

Ngân yêu Hùng bởi cái tính vượt khó và vẻ ngoài phong trần. Nhưng cũng chính cuộc sống khó khăn đã dạy anh cách đạp lên người khác để sống, để kiếm tiền lo cho cha mẹ. Tình yêu của anh dành cho Ngân chỉ là phụ, bởi cơm áo gạo tiền và nỗi lo gia đình luôn là điều anh canh cánh bên lòng ngay cả khi hai người lấy nhau.

Gia đình Ngân thoạt đầu phản đối không chỉ bởi cái nghèo mà còn bởi mọi người nhận ra Hùng và gia đình không thực sự yêu Ngân. Nhưng rồi cũng vì “một ngày nên nghĩa chuyến đò nên quen” mà hai ông bà đành chấp thuận. 

Ái tình có sức mạnh lớn vô cùng, từ một cô gái có học thức, xinh đẹp, giỏi giang trong một gia đình khá giả, Ngân quyết định dọn về sống cùng Hùng trong khu nhà trọ cũ kỹ. Bởi Ngân luôn tin rằng, tình yêu đích thực là khi cả hai yêu nhau và muốn ở bên nhau. Cô không mủi lòng trước những câu nói xa gần của bạn bè cùng trang lứa, vì trong sâu thẳm cô hiểu có tình yêu nào bình yên không sóng gió. 

Hùng vẫn yêu thương Ngân như ngày đầu mới quen, chỉ duy nhất một điều là anh muốn giữ tiền lương hằng tháng của cả hai, phân nửa được anh gửi về cho gia đình. Do ở quê không có việc gì làm nên cha mẹ và em gái thay phiên nhau lên ở với anh chị.

Ngân lúc đầu thông cảm nhưng sau khi cô có thai, cô cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi thì bị chồng và gia đình từ chối. Anh bảo đã là dâu con trong gia đình thì phải yêu quý cha mẹ anh, dù họ có phiền phức thế nào. Từ đó, bên chồng xem Ngân như cái gai trong mắt và không còn tôn trọng cô như trước.

Bap benh ben hieu ben tinh

Ảnh minh họa

Thời hiện đại, việc “tìm tông, chọn giống” đã trở nên quá lỗi thời và lạc hậu. “Tìm tông” không có nghĩa là chúng ta tìm chốn giàu sang để lấy, mà chủ yếu là tìm người phù hợp về gia cảnh, đức độ, cách giáo dục, lối đối nhân xử thế, để khi lấy nhau sự tương thích sẽ giúp các bạn dễ dàng vượt qua được những dâu bể cuộc đời.

Mẹ chồng - nàng dâu, do đâu mối lương duyên bất hòa?

Trước khi Hồng Thy kết hôn với Nghĩa, nhiều bạn nhắc khéo mẹ chồng cô là người cực kỳ thương con trai, nhưng Thy không mấy bận tâm. Cho đến khi về sống chung một nhà, Thy mới hiểu mẹ chồng có tác động lớn thế nào tới hôn nhân 
của mình. 

Hai người đi tuần trăng mật cũng có mẹ chồng đi theo, Nghĩa mua một cái áo hay một sợi dây chuyền tặng Thy cũng khiến bà không vui. Mọi quyết định trong gia đình phải thông qua bà, Nghĩa chưa bao giờ đứng về phía vợ. Rồi Nghĩa nhận ra, tự dưng cuộc sống của anh lại phải đứng giữa cuộc chiến của hai người đàn bà. Một bên tình, một bên hiếu, Nghĩa đành chọn cách im lặng lánh mặt để hai người đàn bà ở lại cắn đắng với nhau cho đến sức tàn lực kiệt.

Phải chăng chính sự tổn thương trong hôn nhân khiến bà luôn phải dựa dẫm vào con trai? Đi qua thanh xuân với nỗi cô đơn nặng gánh, đến khi về già bà vẫn đau đáu một nỗi niềm là cố sống vì con - đứa con trai vàng bạc “bé bỏng” nay đã lớn của bà.

Phụ nữ một khi không có cảm giác an toàn trong hôn nhân, không cảm thấy mình được quan tâm, bảo vệ, họ sẽ nảy sinh ý muốn khống chế, trói buộc người chồng. Đàn ông không đời nào chấp nhận vì anh ta không phải một đứa trẻ. Người chồng có thể chấp nhận sự ngược đãi, hay ra yêu sách, mệnh lệnh của mẹ như một sự hiển nhiên, nhưng sẽ không bao giờ chấp nhận vợ mình làm vậy nên họ sẽ kiếm đủ mọi lý do để tránh né vợ.

Để trấn an, phụ nữ sẽ dồn sự khống chế đó vào đứa trẻ, đặc biệt là với đứa con trai. Vừa đóng vai con, vừa phải thay vị trí của người cha để bù đắp cho sự trống vắng tình cảm của mẹ. Đó cũng là lý do phụ nữ muốn ở bên con trai như hình với bóng. Lý trí bảo rằng con trai sẽ phải lấy vợ, sinh con và có gia đình riêng, nhưng về tình, họ khó mà chấp nhận việc một người phụ nữ khác thay thế vị trí “độc tôn” của mình nên mới diễn ra cuộc chiến giữa mẹ chồng nàng dâu tồn tại dai dẳng. 

Khi những đứa con lớn lên trong gia đình đầy đủ cha mẹ, nhưng một trong hai không có sự gắn kết yêu thương nhau; hay những đứa trẻ phải chứng kiến sự đổ vỡ của cha mẹ… tất cả sẽ là một mệnh đề nhân quả vận vào đời của đứa trẻ khi trưởng thành, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quan niệm, cái nhìn, cách lựa chọn, đối đãi với hôn nhân của mỗi người sau này.

Làm thế nào để hóa giải bi kịch?

Để không bị những “định mệnh” hay cái chúng ta gọi là “số phận” ảnh hưởng đến hạnh phúc cá nhân, bản thân mỗi người con phải sống thật tốt cuộc đời của chính mình, biết cách phụng dưỡng tôn trọng cha mẹ, nhưng đừng giao cuộc đời mình cho cha mẹ.

Hoặc giả khi ta chọn tình yêu cũng cần cân nhắc đến những khía cạnh khách quan khác trong cuộc sống. Bởi hấp dẫn nhau một ngày, một tháng không giống với việc “chung lưng đấu cật” với nhau cả đời. Chính vì thế, quan sát hoàn cảnh gia đình của người mình lựa chọn làm vợ, làm chồng xem có phù hợp hay không là điều rất cần thiết. Đừng để đến khi lấy nhau về mới vỡ lẽ, rồi nuối tiếc, hối hận, đổ lỗi, tự trách mình... thì đã muộn.

Là đàn ông hay phụ nữ, bạn phải độc lập về kinh tế, không nên sống ỷ lại, tinh thần phải mạnh mẽ để có thể thuyết phục được cha mẹ khiến họ hiểu và tôn trọng cuộc sống của con cái.

Bap benh ben hieu ben tinh

Ảnh minh họa

Là con dâu, bạn cũng không nên vội chiến đấu tới cùng với đấng sinh thành của chồng, điều đó không khác gì bạn quay lưng bỏ mặc anh ấy. Đừng bắt người mình yêu lựa chọn “giữa hiếu và tình”, bởi nghiêng bên nào cũng toàn là khoảng cách chênh vênh. Hãy hiểu cho những gì mẹ chồng đã trải qua, cần lắm là sự yêu thương, niềm tin, lòng bao dung, vị tha để có thể hàn gắn lại những vết thương đã cũ hằn sâu trong tiềm thức.

Là cha mẹ nếu có con trai, bạn hãy dạy chúng sự tử tế; nếu có con gái, hãy dạy chúng sự mạnh mẽ để bản thân không chìm đắm vào vũng lầy của yêu thương mù quáng. Ngoài ra, trong quá trình trưởng thành, hãy để các con phát triển một cách độc lập với nhu cầu của cha mẹ. Và dù trong hoàn cảnh hôn nhân thế nào, thì chính tình yêu và sự tôn trọng của cha mẹ dành cho nhau sẽ là món quà ý nghĩa nhất mà bạn có thể dành tặng cho con mình mãi về sau. 

Mía Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI